Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay), Hà Nội ghi nhận 60.192 ca mắc, trong đó 102 ca nhập cảnh, 59.877 ca trên địa bàn thành phố, 213 ca mắc tại các bệnh viện trước ngày 30/9. Cộng dồn đến nay, Hà Nội đã ghi nhận hơn 60.432 ca mắc, trong đó có 60.017 ca trên địa bàn thành phố, 202 ca nhập cảnh và 213 ca mắc tại các bệnh viện trước ngày 30/9.
Về công tác điều trị và cách ly, tổng số bệnh nhân đã điều trị là 78.217, số bệnh nhân đang điều trị là 35.547 trong đó: Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương 123 người, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội 215 người, tại bệnh viện 2647 người, cơ sở thu dung điều trị thành phố 1514 người, cơ sở thu dung quận/huyện 5256 người, theo dõi cách ly tại nhà 25.792 người. Tổng số bệnh nhân đã điều trị khỏi là 42.808 người; số bệnh nhân chuyển tầng điều trị là 249 người.
Hà Nội đã triển khai cấp phát các loại thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19 và lượng thuốc này đều được quản lý và kiểm soát chặt chẽ.
Túi thuốc phát cho F0 đang điều trị tại nhà bao gồm 3 gói A, B, C và sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân. Theo đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng.
Sở Y tế Hà Nội được các doanh nghiệp trên địa bàn hỗ trợ và cấp phát cho các trung tâm y tế quận/huyện/thị xã 11.700 túi thuốc A.
Đối với gói B bao gồm các loại thuốc kháng viêm và thuốc chống đông. Đây là những loại thuốc đặc trị, phải có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Các đơn vị tự chủ động cấp phát gói thuốc này cho bệnh nhân.
Cuối cùng là gói thuốc C có thuốc Molnupiravir, đây là thuốc kháng virus. Theo quy định của Sở Y tế Hà Nội, F0 được tham gia chương trình là người có kết quả xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên hoặc PCR dương tính trong vòng 5 ngày; từ 18 tuổi trở lên; cam kết đồng ý tham gia chương trình bằng văn bản và không có các chống chỉ định dùng thuốc. Trong trường hợp F0 điều trị tại nhà phải có văn bản của Chủ tịch UBND cấp xã hoặc cơ quan có thẩm quyền đồng ý cho cách ly tại nhà.
Quy trình cấp phát thuốc Molnupiravir gồm 4 bước. Sở Y tế Hà Nội lưu ý, trong trường hợp bệnh nhân không dùng hết thuốc hoặc ngừng thuốc vì bất cứ lý do gì thì trả lại thuốc kèm theo "Phiếu xác nhận trả thuốc" ghi rõ số lượng thuốc còn lại và ký tên vào phiếu.
Sở Y tế Hà Nội đã chuẩn bị 18.875 túi thuốc C và đã cấp phát 12.000 túi thuốc này về cho các đơn vị để chuyển đến cho các F0 đang điều trị tại nhà, trong đó có 10.000 bệnh nhân đủ điều kiện được cấp phát túi thuốc C. Số lượng túi thuốc còn lại sẽ chuyển cho các bệnh nhân trong thời gian tới.
Tại quận Đống Đa, nơi có diễn biến dịch COVID-19 phức tạp, số lượng F0 hàng ngày trên địa bàn trung bình trên 100 bệnh nhân. Ban chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 quận cũng như đội ngũ y bác sĩ của Trung tâm y tế (TTYT) quận Đống Đa luôn tích cực triển khai các biện pháp phòng chống dịch.
Giám đốc TTYT quận Đống Đa - Nguyễn Đức Tuấn cho biết: 100% bệnh nhân F0 điều trị tại nhà được cấp túi thuốc A. TTYT quận cũng đã chuẩn bị các túi thuốc B để khi bệnh nhân có những dấu hiệu sẽ điều trị theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế. Còn túi thuốc C hiện nguồn cung còn hạn chế, thuốc này được quản lý chặt chẽ và số lượng có hạn nên ban đầu ưu tiên sử dụng cho những trường hợp bệnh nhân cao tuổi, bệnh nền để phù hợp với số lượng cũng như đảm bảo việc quản lý thuốc này. Khi có đủ sẽ cấp phát theo đúng chỉ định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Thuốc kháng virus (gói thuốc C) phải được sử dụng đúng nhóm đối tượng. Những nhóm đối tượng khác như người trẻ, có sức khỏe tốt, không có triệu chứng khi mắc COVID-19, hoặc đã tiêm chủng hai liều vaccine phòng COVID-19… không thuộc đối tượng được cấp phát gói thuốc C mà chỉ được cấp phát các thực phẩm chức năng hỗ trợ, nâng cao thể trạng. Việc sử dụng thuốc không đúng chỉ định hoặc sử dụng thuốc không đúng sẽ dẫn đến hệ quả rất nghiêm trọng đó là kháng thuốc. Điều này rất nguy hiểm đối với cộng đồng.
Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan diện rộng, các ban ngành đoàn thể, đơn vị chuyên môn... cần chủ động trong mọi tình huống, giải quyết kịp thời các vấn đề phát sinh cho các F0 đang điều trị, hỗ trợ F0... Bên cạnh đó, ý thức người dân cũng là yếu tố tiên quyết, không nên chủ quan lơ là các biện pháp phòng chống dịch theo quy định của cấp độ dịch.