Hà Nội - cờ đỏ tung bay trong nắng Ba Đình

(PLO) - Gần 70 năm qua, mỗi khi thu về, lòng mỗi người dân Việt lại hướng về Thủ đô yêu quý, nhớ về mùa Thu lịch sử Tháng Tám năm 1945, cờ đỏ sao vàng tung bay trong nắng Ba Đình; Nhân dân thành phố vùng lên khởi nghĩa giành chính quyền, đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân, phong kiến, cùng cả nước đưa Cách mạng Tháng Tám đến thắng lợi hoàn toàn, lập ra  nước Việt Nam dân chủ cộng hòa… 
Duyệt binh lần đầu tiên ở Hà Nội ngày 26/8/1945  sau khi giành được chính quyền
Duyệt binh lần đầu tiên ở Hà Nội ngày 26/8/1945 sau khi giành được chính quyền
Trở lại những ngày tháng lịch sử cho thấy, đến đầu tháng 8/1945, Hà Nội mới có 50 đảng viên Đảng Cộng sản (ĐCS), nhưng có hàng ngàn hội viên các đoàn thể cứu quốc trong Mặt trận Việt Minh, hơn 2.000 đội viên tự vệ cứu quốc, trong đó có khoảng 800 tự vệ chiến đấu được trang bị súng trường, vài chục súng ngắn và các loại vũ khí thô sơ; hàng loạt đội tuyên truyền xung phong được thành lập; ngoài ra, số quần chúng cảm tình với cách mạng lên tới hàng chục vạn người. Lúc này ở Hà Nội, Nhật vẫn còn khoảng 10.000 quân cùng hơn 1.000 bảo an binh, cảnh sát. 
Từ ngày 14-15/8, Xứ ủy Bắc kì họp tại Vạn Phúc - Hà Đông quyết định gấp rút chuẩn bị khởi nghĩa giành chính quyền tại Hà Nội và 10 tỉnh Đồng bằng Bắc bộ; thành lập Ủy ban Quân sự cách mạng do đồng chí Nguyễn Khang làm Chủ tịch, các ủy viên gồm Trần Quang Huy, Nguyễn Quyết, Lê Trọng Nghĩa, Nguyễn Duy Thân. Ngày 16/8, các đội tuyên truyền xung phong tổ chức diễn thuyết kêu gọi nhân dân ủng hộ Việt Minh, sẵn sàng tham gia khởi nghĩa; rải truyền đơn vận động quân Nhật không can thiệp vào công việc nội bộ của ta. 
Được tin tổng hội công chức của chính quyền thân Nhật tổ chức mít tinh lớn vào chiều 17/8 tại Nhà hát Lớn ủng hộ Chính phủ Trần Trọng Kim, Ủy ban Quân sự cách mạng Hà Nội chủ trương biến cuộc mít tinh này thành diễn đàn của cách mạng, nhằm biểu dương lực lượng, thử sức và tập dượt quần chúng trước giờ khởi nghĩa, đồng thời thăm dò phản ứng của quân Nhật. 
Khi cuộc mít tinh vừa bắt đầu, các đội viên tự vệ chiến đấu, tuyên truyền xung phong bất ngờ giương cao cờ đỏ sao vàng, chiếm diễn đàn, thông báo tin phát xít Nhật đã đầu hàng Đồng minh, phổ biến 10 chính sách lớn của Mặt trận Việt Minh, kêu gọi nhân dân chuẩn bị khởi nghĩa, sau đó cuộc mít tinh biến thành biểu tình tuần hành qua nhiều đường phố. Quân Nhật án binh bất động, chính quyền thân Nhật bất lực, một bộ phận bảo an binh, cảnh sát ngả về cách mạng. Tối 17/8, khâm sai Bắc kì - Phan Kế Toại từ chức.
Nhận thấy thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi, Ủy ban Quân sự cách mạng quyết định khởi nghĩa. Ngày 18/8, tại một số xã ngoại thành, các đội tự vệ xung phong hỗ trợ nhân dân nổi dậy giành chính quyền thắng lợi. Trong thành phố, 3.000 công nhân biểu tình trước phủ khâm sai ủng hộ Việt Minh; tù chính trị ở Hỏa Lò đấu tranh đòi Nhật trả tự do để tham gia khởi nghĩa. 
Biểu tình cướp chính quyền ngày 19 tháng 8 năm 1945 tại Phủ khâm sai Bắc kỳ
Biểu tình cướp chính quyền ngày 19 tháng 8 năm 1945 
tại Phủ khâm sai Bắc kỳ
Ngày 19/8, từ sáng sớm, ta huy động quần chúng biểu tình từ khu vực Hạ Yên Quyết, Chính Kinh, Thượng Đình đến ấp Thái Hà…mở đầu cuộc khởi nghĩa. Hàng vạn nhân dân ngoại thành và các huyện Thanh Trì, Thường Tín, Hoài Đức, Đan Phượng, Gia Lâm kéo về Hà Nội cùng với nhân dân và tự vệ cứu quốc trong nội thành, với hơn 20.000 người, đã tập trung tại Quảng trường Nhà hát Lớn dự cuộc mít tinh do Mặt trận Việt Minh tổ chức.
Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Quân sự cách mạng, cuộc mít tinh bắt đầu lúc 11 giờ và nhanh chóng chuyển thành biểu tình thị uy tỏa đi chiếm các mục tiêu trọng yếu trong thành phố. Tại Phủ khâm sai, trước khí thế áp đảo của quần chúng, đội bảo an binh vội hạ vũ khí, mở cổng để nhân dân và lực lượng tự vệ chiến đấu vào bắt giữ những người cầm đầu “ủy ban chính trị” của chính quyền thân Nhật. Sau khi chiếm Phủ khâm sai, Ủy ban Quân sự cách mạng điện cho các Thị trưởng Hải Phòng, Nam Định, Tỉnh trưởng Hải Dương, Bắc Ninh, Hà Nam... thông báo Việt Minh đã giành chính quyền ở Hà Nội, ra lệnh cho họ mau chóng trao chính quyền cho cách mạng. 
Việc chiếm tòa thị chính, kho bạc, bưu điện, sở cảnh sát trung ương, ty liêm phóng... diễn ra nhanh chóng, thuận lợi. Tại trại bảo an binh, lực lượng cách mạng đột nhập buộc viên chỉ huy giao nộp vũ khí; Nhật cho quân lính đến giải tỏa, nhưng trước áp lực của quần chúng và việc vận động, thuyết phục khôn khéo của ta, đến 16 giờ đã phải rút lui. Tối 19/8, khởi nghĩa ở Hà Nội kết thúc thắng lợi. Ngày 20/8, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Bắc bộ và Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Hà Nội. 
Thắng lợi của khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội có tác dụng quyết định đối với phong trào tổng khởi nghĩa giành chính quyền trong cả nước, góp phần thúc đẩy, cổ vũ và đóng góp những kinh nghiệm quý để nhân dân các tỉnh, thành từ Bắc đến Nam liên tiếp đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền; tạo điều kiện để các cơ quan trung ương của ĐCS Đông Dương, Mặt trận Việt Minh, Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam về Thủ đô Hà Nội... tiếp tục chỉ đạo cuộc tổng khởi nghĩa trong cả nước giành thắng lợi hoàn toàn. 
Khởi nghĩa ở Hà Nội thành công nhanh chóng và không đổ máu là do Đảng bộ Hà Nội, được sự chỉ đạo trực tiếp của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã nắm đúng thời cơ, hạ quyết tâm khởi nghĩa kịp thời, chính xác; dựa hẳn vào nhân dân, sử dụng bạo lực chính trị của quần chúng là chủ yếu, có lực lượng vũ trang hỗ trợ, với sách lược đúng đắn, cô lập, phân hóa kẻ thù để giành thắng lợi. Bài học về vận động, tập hợp quần chúng đấu tranh cách mạng là bài học sâu sắc có ý nghĩa cả về lý luận và thực tiễn trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng ta. Trong tình hình hiện nay, bài học đó vẫn là những vấn đề nóng hổi để tạo nên sức mạnh to lớn trong sự nghiệp bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ trước kẻ thù xâm lược…

Đọc thêm