Ngoài ra, theo thống kê, Hà Nội còn khoảng 70.000-100.000 trẻ có nguy cơ mắc sởi do chưa được tiêm vắc-xin.
Đó là chưa kể tỉ lệ 5% số trẻ đã được tiêm đủ 2 mũi vẫn có khả năng mắc vì hiệu lực bảo vệ của vắc-xin đối với trẻ tiêm đủ 2 mũi là 95%.
Tiêm vắc-xin là cách phòng bệnh sởi chủ động, hiệu quả. (Ảnh: Vietnam+/TTXVN) |
Hiện Hà Nội đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền người dân đi tiêm vắc-xin, thậm chí việc này còn được giao cho tổ dân phố đến từng nhà dân để hỏi thông tin và vận động gia đình đưa trẻ đi tiêm chủng.
Cục Y tế dự phòng cho biết, Hà Nội là 1 trong 5 địa phương có tỉ lệ tiêm vét vắc-xin sởi cao nhất cả nước (đạt trên 90%), tuy nhiên, Hà Nội cũng là 1 trong 5 địa phương có số mắc sởi xác định 10 trường hợp trên 100.000 dân (cao nhất cả nước).
Do nhu cầu tiêm vắc-xin dịch vụ tăng cao nên đã xảy ra tình trạng thiếu vắc-xin. Chiều 23/4, Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã có công văn khẩn gửi sở y tế các địa phương, các đơn vị sản xuất kinh doanh, nhập khẩu vắc-xin đề nghị cung cấp đủ vắc-xin sởi cho nhu cầu phòng bệnh sởi.
Theo Cục Quản lý dược, việc lập dự trù, đặt hàng mua vắc-xin của một số cơ sở tiêm chủng không kịp thời, sát với thực tế dẫn đến thiếu vắc-xin cho nhu cầu tiêm chủng dịch vụ và giải thích không rõ nguyên nhân thiếu gây hiểu lầm trong dư luận là Bộ Y tế cấp phép không kịp thời.
“Các cơ sở tiêm chủng có nhu cầu tiêm dịch vụ vắc-xin phòng bệnh sởi, thủy đậu nói riêng và vắc-xin nói chung cần chủ động thực hiện việc lập dự trù, đặt hàng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu để được cung ứng vắc-xin mà không cần xin ý kiến Bộ Y tế”, ông Nguyễn Tất Đạt, Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược cho biết.