Tất cả hệ thống siêu thị ở địa bàn Hà Nội (bao gồm Big C, Coopmart, Hapro, Intimex, Mega Maket, Aeon) đều khẳng định không thiếu nguồn cung cho bất cứ mặt hàng nào, từ hàng tươi sống đến hàng khô, hàng đông lạnh, từ rau củ quả đến thịt lợn… và giá cả luôn giữ ổn định với mức giá bình ổn nhất.
Đại diện Central Group khẳng định, ngay từ khi Việt Nam công bố dịch, hệ thống siêu thị Big C và Go Maket đã chuẩn bị lượng hàng hóa dự trữ tăng lên đến 300%. Central Group đã tính đến phương án huy động hết nguồn cung trong nước, làm việc với nhà cung cấp tăng tần suất giao hàng gấp 4 lần so với mọi ngày với mặt hàng thực phẩm tươi sống, đồng thời chủ động nhập khẩu 15 tấn thịt heo nên nguồn cung không có vấn đề lớn, hàng hóa không bao giờ thiếu, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Big C cũng sẽ mở cửa từ 7 giờ sáng hàng ngày từ ngày 8/3/2020 phục vụ cho đến khi hết khách mới đóng cửa.
Đại diện BRG cho biết, hệ thống của BRG Retail đã lên kế hoạch chuẩn bị hàng hóa cả 1 tháng nay. Riêng các mặt hàng như gạo, mỳ tôm, dầu ăn, chất tẩy rửa, giấy vệ sinh... đã chuẩn bị tại các hệ thống siêu thị và tổng kho, tăng gấp 5 lần so với bình thường.
Theo ông Nguyễn Thái Dũng, Tổng Giám đốc bán lẻ BRG, hiện tượng tăng giá đột biến chỉ xảy ra ở chợ truyền thống và các cửa hàng nhỏ, do đó ông đề nghị người dân nên vào các siêu thị để mua sắm, tránh bị các tiểu thương lợi dụng tình hình dịch bệnh tăng giá.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Hà Nội Coopmart cũng thông tin, ngay trong đêm 6/3, Saigon Coop đã có chỉ đạo toàn bộ nguồn hàng phải cung ứng đầy đủ cho phía Bắc, lượng hàng trị giá trên 100 tỷ đồng (bằng 20% lượng dự trữ của toàn tổng hệ thống Coopmart) và gấp 3 lần lượng hàng Hà Nội vẫn luôn dự trữ.
Giá cả cũng luôn được giữ bình ổn, đặc biệt mặt hàng khẩu trang kháng khuẩn đang bán ra bằng giá mua vào. Saigon Coop cũng đã huy động tất cả các kho trung tâm phân phối miền Nam và miền Tây chuyển hàng cho kho phân phối Hà Nội và miền Bắc nên nguồn hàng luôn đầy đủ.
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Vụ đã xây dựng các kịch bản để ứng phó với diễn biến của dịch bệnh. Theo đó, kịch bản 1 được xây dựng trong bối cảnh dịch Covid-19 sẽ kéo dài đến hết quý I và kịch bản hai là dịch tiếp tục phức tạp đến hết quý II. Kịch bản thứ ba là dịch có thể kéo dài.
Các địa phương cũng được yêu cầu xây dựng cả kịch bản cách ly trong trường hợp dịch diễn biến phức tạp. Với mỗi kịch bản, Bộ Công Thương đều yêu cầu các Sở Công Thương chuẩn bị các phương án đối phó và phương án cung ứng hàng hóa phục vụ đời sống dân sinh.
Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội còn cho biết, thành phố đã chuẩn bị 4 kịch bản ứng phó với dịch, trong đó có mức cao nhất lên đến 1.000 người nhiễm Covid-19. Kể cả trong trường hợp có 1.000 người nhiễm Covid-19 thì Hà Nội vẫn đủ hàng hóa để cung ứng cho tình huống số lượng người nhiễm Covid cao hơn thế nhiều lần.
Thậm chí, UBND TP Hà Nội cũng đã chuẩn bị hệ thống cung ứng hàng hóa cho vùng dịch. Cụ thể, hệ thống Vinmart đã trở thành đơn vị phân phối cung ứng hàng hóa cho vùng dịch của Hà Nội, trước mắt là khu vực Tây Hồ nói chung, khu vực Trúc Bạch nói chung…
Sàn thương mại điện tử sẵn sàng vào cuộc
Ông Đặng Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, Cục đã và đang vận động được các sàn thương mại điện tử (TMĐT) và các đơn vị vẫn chuyển miễn phí cho người dân trong thời gian này. Trước mắt, Sendo.vn và Vnpost đã đồng ý vận chuyển miễn phí cho người dân ở Hà Nội trong vòng 24h khi đặt mua các mặt hàng thiết yếu trên TMĐT.
Thậm chí, đơn vị này cũng đã đề xuất lên Bộ trưởng Bộ Công Thương tạm nới quy định khuyến mại cao nhất 50% đối với tất cả các mặt hàng để có thể có những chiến dịch lớn bán hàng trên TMĐT cho các mặt hàng thiết yếu, ví dụ có thể vận động các DN sản xuất kinh doanh gạo giảm giá đến 90% trong thời điểm này để khuyến khích khách hàng ở nhà, giảm thiểu sự tiếp xúc, tránh sự lây nhiễm tối đa…