Hà Nội đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ổn định giá cả

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  2 ngày cuối tuần qua trùng đúng vào 2 ngày đầu tiên Hà Nội thực hiện giãn cách xã hội phòng chống dịch Covid-19 theo Chỉ thị 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Theo ghi nhận của PLVN, hàng hóa cung cấp cho Hà Nội vẫn khá dồi dào, giá cả tương đối ổn định.
Hà Nội đảm bảo nguồn cung hàng hóa, ổn định giá cả

Giá cả tăng nhẹ nhưng đủ nguồn cung

Vào ngày đầu tiên thực hiện giãn cách (24/7), từ sáng sớm đã có rất đông người đổ xô đến các khu chợ để mua sắm, chuẩn bị sẵn nhu yếu phẩm cần thiết cho thời gian thực hiện giãn cách sắp tới. Sự đông đúc kèm thêm việc giá nhiều sản phẩm tăng cao khiến người dân nhốn nháo.

Tại 1 khu chợ quận Cầu Giấy, nhiều tiểu thương cho biết ngay từ sáng sớm họ đã bán hết hàng. Lượng rau xanh bày bán tại chợ gần như không đủ cung ứng và đây cũng là mặt hàng tăng giá mạnh nhất ở thời điểm hiện tại.

Những mặt hàng khác như trái cây, hoa tươi cũng nhanh chóng “cháy hàng” vì là ngày rằm, người nào ra chợ muộn là chẳng còn đồ để mua. Tương tự tại một khu chợ quận Nam Từ Liêm, ngay từ sáng sớm, lực lượng chức năng quận đã có mặt để đi tuần tra.

Theo ghi nhận tại Vinmart tại Times City (quận Hai Bà Trưng) lượng người mua hàng vào đầu giờ sáng ngày 24/7 tăng đột biến. Đa phần người dân “mua nhiều hơn bình thường để không phải đi nhiều lần”.

Nhân viên siêu thị liên tục phải bổ sung rau xanh, thực phẩm tươi vào các quầy. Tuy nhiên, đến tầm trưa, lượng người đến mua sắm đã bớt hẳn và sang ngày thứ 2 (25/7), lượng người đến siêu thị này đã tương đương như các dịp cuối tuần trước đây.

Bà Nguyễn Thị Phương, Phó Tổng Giám đốc Vận hành Công ty VinCommerce cho biết, đơn vị đã làm việc với các nhà cung cấp lớn tăng lượng cung ứng gấp 3 đối với hàng thực phẩm thiết yếu, trứng và rau xanh tăng gấp 5 lần. Các loại sản phẩm có thể dự trữ lâu như bí xanh, khoai tây... cũng nhiều hơn để đảm bảo hàng trên quầy kệ không bị trống.

Tương tự, bà Nguyễn Thị Kim Dung, Giám đốc Coopmart Hà Nội thông tin, Coopmart Hà Đông đã dự trữ số lượng hàng hóa gấp 3 lần so với bình thường. Ngoài nguồn cung đều đặn mỗi ngày, Coopmart còn dự trữ 11 nhóm sản phẩm thiết yếu như gạo, mì, giấy vệ sinh, nước rửa tay... Siêu thị cũng đặt hàng dự trữ về các kho trung tâm của đơn vị ở Bắc Ninh, Hải Dương và sẵn sàng điều hàng từ các địa phương này về Hà Nội vào bất kỳ thời điểm nào để phục vụ nhu cầu người dân…

Nhìn chung, các hệ thống siêu thị lớn tại Hà Nội đều đã kích hoạt các phương thức bán hàng đa kênh và có kế hoạch giao hàng sớm nhất cho người tiêu dùng; đảm bảo không tăng giá bán nên đều khuyến cáo người dân Thủ đô yên tâm mua sắm và thực hiện giãn cách để chống dịch, không cần phải tích trữ thực phẩm nhiều.

Tại các chợ truyền thống ở một số quận, huyện đã xuất hiện hiện tượng hết hàng từ rất sớm vào sáng ngày 24/7. Hiện tượng tăng giá nông sản thực phẩm cũng diễn ra với một số mặt hàng như trứng, bí xanh… Tuy nhiên, hiện tượng này chỉ xảy ra ở vài chợ.

Sang ngày 25/7, hầu hết các chợ đều quay trở lại nhịp bán hàng ngày thường. Theo ghi nhận, ngoài một số mặt hàng có dấu hiệu tăng giá nhẹ thì nhìn chung, giá cả không có đột biến gì nhiều so với trước khi giãn cách. Đa số mọi người dân đều chấp hành nghiêm các yêu cầu theo Chỉ thị 16 của Chính phủ.

Dự trữ hơn 200.000 tỷ đồng hàng hóa

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, Hà Nội bảo đảm dự trữ đầy đủ 17 nhóm hàng thiết yếu, đáp ứng các nhu cầu tiêu dùng của người dân trong mọi tình huống.

Cụ thể, lượng hàng hóa chuẩn bị sẵn sàng phục vụ nhân dân trên địa bàn trong 3 tháng (trị giá khoảng 194.000 tỷ đồng); lượng hàng hóa dự kiến hỗ trợ cho các tỉnh khoảng 21.500 tỷ đồng. Ngoài ra, các doanh nghiệp (DN) còn dự trữ lượng hàng hóa theo chương trình bình ổn thị trường năm 2021 là 5.698 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, để phục vụ công tác phòng chống dịch Covid-19, Hà Nội đã rà soát bố trí sẵn sàng 1.920 địa điểm tại các quận, huyện làm kho dự trữ hàng, mở thêm các điểm bán hàng cố định và các điểm bán hàng lưu động khi cần thiết. Sẵn sàng huy động hàng nghìn xe chở hàng hóa của các DN phân phối và các quận, huyện đưa hàng kịp thời đến 7.500 điểm bán hàng hóa thiết yếu trên địa bàn.

Sở Công Thương Hà Nội cũng đã đề xuất UBND TP Hà Nội chấp thuận cho phép 132 xe ô tô, xe sitec của 20 DN được hoạt động 24/7 cung ứng hàng hóa thiết yếu, nhu yếu phẩm phục vụ nhu cầu nhân dân, bình ổn thị trường và công tác phòng, chống dịch. Ngoài ra, cũng sẽ tiếp tục trình thành phố cho phép thống nhất phương án chấp thuận cho xe các tỉnh, thành phố và xe của DN lưu thông 24/7 ngày phục vụ vận chuyển hàng hóa phòng chống dịch.

Đồng thời, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải, Công an TP Hà Nội tạo điều kiện cho 495 xe ô tô chở hàng hóa, nông sản, nguyên vật liệu tỉnh Bắc Giang (đã bảo đảm các quy định phòng chống dịch về người, phương tiện, hàng hóa) được phép lưu thông trên địa bàn Hà Nội, qua các chốt, trạm kiểm dịch theo quy định để kịp thời cung cấp hàng hóa phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Đại diện Sở Công Thương Hà Nội khẳng định, với 459 chợ, 28 trung tâm thương mại, 123 siêu thị, 1.800 cửa hàng tiện ích, 141 chuỗi, 2.382 điểm bán hàng hóa bình ổn giá, hàng chục nghìn cửa hàng tạp hóa, Hà Nội đảm bảo cung cấp đủ lương thực, thực phẩm, rau xanh cho người dân trong suốt thời kỳ giãn cách để phòng chống dịch, đảm bảo giá cả hàng hóa ổn định.

Tăng cường kiểm tra, xử lý

Ngày 25/7, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đã tới thăm, kiểm tra Sở Chỉ huy công tác phòng chống Covid-19 TP Hà Nội và dự họp trực tuyến với Sở Chỉ huy các sở, ngành, quận, huyện, thị xã. Chỉ đạo tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, nguy cơ lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng còn rất cao nên tuyệt đối không được phép chủ quan; nhưng phải thật bình tĩnh để ứng phó. Các cấp, các ngành cần tiếp tục vào cuộc thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ một cách quyết liệt, hiệu quả từ tuyến cơ sở.

Về một số nhiệm vụ cấp bách cần triển khai ngay, Bí thư Thành ủy Hà Nội lưu ý, bên cạnh phần lớn người dân thực hiện nghiêm, còn tình trạng vi phạm diễn ra nhiều nơi của tổ chức, cá nhân. Vì vậy, các quận, huyện, thị xã phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát, xử phạt nghiêm các trường hợp vi phạm và tuyên truyền công khai để giáo dục, răn đe. Kỷ luật chính là sức mạnh hiệu quả trong phòng, chống dịch.

* Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Đọc thêm