Bệnh nhân viêm não đang điều trị tại BV Nhi TƯ |
PGS.TS. Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng trả lời một số câu hỏi về bệnh bệnh Viêm não vi rút và viêm não Nhật Bản:
1. Các biểu hiện của bệnh và nguyên nhân nào gây bệnh viêm não vi rút?
Về triệu chứng của bệnh viêm não vi rút là một tình trạng bệnh nguy hiểm do nhiều loại vi rút gây nên thường gây tổn thương ở não, để lại di chứng thần kinh và tử vong cao. Biểu hiện chính của bệnh là có sốt cao và kèm theo các triệu chứng liên quan đến tổn thương hệ thần kinh trung ương bao gồm: nhức đầu dữ dội, buồn nôn và nôn mửa, cứng cổ, lú lẫn, mất định hướng, thay đổi nhân cách, co giật, rối loạn nghe nói, ảo giác, mất trí nhớ, đờ đẫn, hôn mê...
Người già và trẻ em là những người có nguy cơ cao bị mắc bệnh nặng, biến chứng và tử vong.
Về nguyên nhân tại nước ta, các căn nguyên gây viêm não thường là các vi rút arbo (trong đó có vi rút viêm não Nhật Bản), vi rút herpes, các vi rút đường ruột (như EV 71 gây bệnh tay chân miệng), sởi, quai bị và các vi rút khác mà ta chưa biết rõ, ...
2. Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm não vi rút trong đó có bệnh viêm não Nhật Bản vậy bệnh viêm não Nhật Bản là gì?
Bệnh viêm não Nhật Bản (VNNB) là bệnh nhiễm vi rút cấp tính do vi rút VNNB gây ra. Bệnh làm tổn thương nghiêm trọng hệ thần kinh trung ương, thường gặp ở trẻ em dưới 15 tuổi.
Bệnh VNNB không lây trực tiếp từ người sang người. Bệnh được truyền sang người qua muỗi đốt. Muỗi hút máu động bị vật nhiễm vi rút (thường là từ lợn) rồi từ đó lại đốt người và truyền bệnh cho người. Muỗi truyền bệnh VNNB được gọi là véc tơ truyền bệnh.
Ăn uống chung, dùng chung đồ dùng, tiếp xúc gần gũi với người bệnh không làm lây bệnh.
Bệnh VNNB có thể xảy ra quanh năm nhưng mùa dịch thường bắt đầu vào các tháng mùa hè, đỉnh điểm dịch vào các tháng 5, 6, 7.
3. Bệnh viêm não Nhật Bản có nguy hiểm không và có biểu hiện như thế nào?
Bệnh thường có biểu hiện rất cấp tính bao gồm sốt cao đột ngột, nhức đầu, nôn mửa; rối loạn tinh thần ở các mức độ khác nhau: vật vã mê sảng hoặc ly bì, lú lẫn, hôn mê kèm theo co giật, cử động bất thường hoặc bị liệt. Tỷ lệ tử vong cao có thể lên đến 10% - 20%.
Các nước Đông Nam Á, Ấn Độ, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Philippin, vùng viễn đông Liên bang Nga hàng năm đều có dịch bệnh VNNB với số người mắc khá cao.
Hầu hết các nước này có nhiệt độ cao vào mùa hè và mưa nhiều thuận lợi cho việc trồng lúa nước. Chim di trú và tập quán chăn nuôi lợn theo hộ gia đình còn phổ biến đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu hành virut VNNB trong tự nhiên, từ đó dẫn đến tình trạng lưu hành bệnh VNNB ở người.
4. Ở Việt Nam bệnh viêm não Nhật Bản xuất hiện từ khi nào và lưu hành ở những vùng nào?
Ở Việt Nam, bệnh VNNB được ghi nhận lần đầu tiên vào năm 1952. Bệnh VNNB lưu hành trong cả nước, nhiều nhất ở các tỉnh đồng bằng và trung du miền Bắc. Các ổ dịch phần lớn tập trung ở những vùng trồng nhiều lúa nước kết hợp với chăn nuôi lợn hoặc vùng trung du bán sơn địa có trồng nhiều hoa quả và nuôi lợn.
5. Nguồn truyền nhiễm của bệnh VNNB là gì?
Động vật nhiễm vi rút có vai trò là nguồn truyền nhiễm bệnh VNNB cho người.
- Nguồn truyền nhiễm trong thiên nhiên là các loài chim, và một số loài bò sát.
- Nguồn truyền nhiễm ở súc vật gần người quan trọng nhất là lợn do dễ bị nhiễm vi rút và được chăn nuôi ở nhiều hộ gia đình. Ngoài ra một số gia súc khác như trâu, bò, dê, cừu cũng có thể là ổ chứa của vi rút.
6. Biện pháp phòng bệnh VNNB như thế nào?
Bệnh VNNB đã có vắc xin phòng bệnh nên việc tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh quan trọng, hiệu quả và khả thi nhất. Ngoài tiêm vắc xin, các biện pháp sau đây cũng góp phần phòng bệnh cho cộng đồng, bao gồm:
- Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, giữ gìn nhà ở sạch sẽ, vệ sinh chuồng trại để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà.
- Ngủ màn, không cho trẻ em chơi gần chuồng gia súc đặc biệt lúc chập tối đề phòng muỗi đốt. Các hộ gia đình thường xuyên sử dụng các biện pháp thông thường để xua, diệt muỗi.
- Khi có dấu hiệu sốt cao cùng với các triệu chứng tổn thương hệ thần kinh trung ương cần phải đưa trẻ ngay đến cơ sở y tế để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
7. Tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản được thực hiện như thế nào?
Đối với trẻ em dưới 5 tuổi :
Tiêm 3 liều cơ bản theo lịch tiêm của chương trình TCMR.
- Mũi 1: lúc trẻ đủ 1 tuổi
- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
- Mũi 3: sau mũi 2 là một năm
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Đối với trẻ trên 5 tuổi nếu chưa từng được tiêm vắc xin VNNB thì cũng tiêm với 3 liều cơ bản:
- Mũi 1: càng sớm càng tốt
- Mũi 2: sau mũi 1 từ 1 đến 2 tuần
- Mũi 3: sau mũi 2 là một năm.
Sau đó cứ 3-4 năm tiêm nhắc lại một lần cho đến khi trẻ qua 15 tuổi.
Vắc xin viêm não Nhật Bản đã được đưa vào chương trình tiêm chủng mở rộng từ năm 1997, ban đầu ở một số tỉnh, thành phố nguy cơ cao và hàng năm mở rộng dần ra các địa phương khác. Đến năm 2013 đã triển khai tại 580 huyện của 60 tỉnh, thành phố và năm 2014 triển khai tại tất cả các tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hiện nay vắc xin viêm não Nhật Bản trong chương trình tiêm chủng mở rộng mới chỉ áp dụng cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi là nhóm trẻ có nguy cơ mắc và biến chứng cao nhất.
8. Khi đi tiêm vắc xin viêm não Nhật Bản nên chú ý có thể gặp những tác dụng phụ nào?
Cũng như các vắc xin khác khi tiêm Vắc xin VNNB có một tỷ lệ nhất định có tác dụng phụ, bao gồm: Tại chỗ tiêm: có thể bị đau, sưng, đỏ, thường gặp ở 5-10% người được tiêm. Một số ít có phản ứng toàn thân như sốt nhẹ, đau đầu, mệt mỏi. Các phản ứng phụ nêu trên xuất hiện khoảng vài giờ sau khi tiêm và thường tự hết sau 1-2 ngày.
Ngoài ra có một tỷ lệ vô cùng nhỏ (khoảng 1 /1 triệu mũi tiêm) có thể gặp choáng (sốc phản vệ) sau khi tiêm trong vòng vài giờ, cần được đưa ngay tới cơ sở y tế gần nhất để xử trí cấp cứu.
9. Cộng đồng và người dân cần làm gì để phòng các bệnh mùa hè và bệnh viêm não Nhật Bản?
- Chủ động đưa con em đi tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch tất cả các loại vắc xin trong đó có vắc xin VNNB, bởi vì vắc xin chính là biện phấp phòng bệnh quan trọng nhất, hiệu quả nhất và chỉ có tỷ lệ tiêm chủng cao mới có khả năng bảo vệ được cá nhân và cộng đồng trước các dịch bệnh nguy hiểm trong đó có VNNB.
- Thường xuyên giữ gìn vệ sinh môi trường sống sạch sẽ; chủ động thực hiện các biện pháp diệt muỗi, diệt loăng quăng bọ gậy tại hộ gia đình. Vệ sinh chuồng trại chăn nuôi để muỗi không có nơi trú đậu, nên dời chuồng gia súc xa nhà.
- Khi phát hiện các triệu chứng nghi ngờ mắc bệnh truyền nhiễm thì cần đến ngay các có sở y tế gần nhất để được khám, hướng dẫn và phòng lây nhiễm cho người khác.
- Toàn thể người dân và cộng đồng cùng chung tay thực hiện và phối hợp thật tốt với ngành y tế trong tất cả các hoạt động phòng chống dịch bệnh được triển khai tại hộ gia đình cũng như tại cồng đồng.