“Lão Quềnh” từng làm đủ nghề tay chân để không bỏ nghiệp diễn

(PLO) - Những năm tháng gian khó, anh từng lẳng lặng đi làm đủ việc mà cả khu văn nghệ sỹ Mai Dịch không biết anh làm gì để “lấy ngắn nuôi dài”. Anh đã từng đi mắc điện, lái xe thuê, đi mua đồ hậu kì, sân khấu ánh sáng, thậm chí là sửa chữa ô tô để kiếm tiền, miễn sao vẫn được đi diễn để thỏa cái đam mê của mình.
“Lão Quềnh”  từng làm đủ nghề tay chân để không bỏ nghiệp diễn
Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Hán Văn Tình sinh ra và lớn lên ở “làng cười” Văn Lang (Tam Nông, Phú Thọ). Những chuyện cười, chuyện “vống” cùng nét khôi hài hóm hỉnh đã ngấm vào máu của anh... Thế nên, cuộc đời vận vào anh đều là sự tình cờ…
Dù nghèo vẫn gắn bó với tuồng
Anh vốn là NSƯT tuồng, nhưng những nhân vật điện ảnh “tay trái” lại được đông đảo khán giả biết tới. Nhân vật Chu Văn Quềnh với câu nói bất hủ: “Không nên hoãn cái sự sung sướng đó lại” trong phim truyền hình “Đất và người” ngày nào giờ là Trưởng đoàn II thuộc Nhà hát Tuồng Việt Nam. 
Khi còn nhỏ, Hán Văn Tình chưa từng có ý định theo nghệ thuật bởi anh thích luật. Không ngờ mảnh đất “cười” Văn Lang đã ngấm vào máu người nghệ sĩ. Khi mới học hết lớp 7, với ngoại hình khiêm tốn cao chưa đầy 1m4, nặng 34kg, một lần tình cờ nộp đơn thi tuyển vào Trường Sân khấu Việt Nam, suýt nữa anh bị đánh trượt chỉ vì còn quá nhỏ. Do nhận thấy năng khiếu của một diễn viên cá tính nên nghệ sĩ Quang Tốn lúc bấy giờ đã bảo lãnh cho anh vào học. Và anh cũng là thí sinh đầu tiên của tỉnh Phú Thọ dự thi vào trường. Từ đó Tình bén duyên và dấn thân với nghệ thuật tuồng, dù ngày đó và ngay cả bây giờ nhiều người vẫn không mấy mặn mà với môn nghệ thuật này. 
Cuộc sống ngày ấy khó khăn, đồng lương ít ỏi sau mỗi đêm diễn không khiến anh phiền lòng, cốt sao mang đến cho khán giả một tác phẩm xuất sắc, anh diễn như  con tằm rút ruột. Những năm tháng gian khó, anh từng lẳng lặng đi làm đủ việc mà cả khu văn nghệ sỹ Mai Dịch không biết anh làm gì để “lấy ngắn nuôi dài”. Anh đã từng đi mắc điện, lái xe thuê, đi mua đồ hậu kì, sân khấu ánh sáng, thậm chí là sửa chữa ô tô để kiếm tiền, miễn sao vẫn được đi diễn để thỏa cái đam mê của mình.
Gắn bó với tuồng, điều làm anh băn khoăn là chính sách đãi ngộ cho anh em làm nghệ thuật tuồng và các loại hình sân khấu truyền thống. Muốn bảo lưu và phát huy các ngành này thì mức lương phải đảm bảo cho họ một cuộc sống đủ ăn, đủ mặc, ít nhất không phải lo chạy sô “chân trong chân ngoài” ảnh hưởng đến công việc và tâm huyết với nghề. Muốn diễn được tuồng cũng phải mất một thời gian học khá dài bởi đây là loại hình vốn đã khó hiểu, khó diễn lại kén khán giả. Những người gắn bó, tận tụy với nghiệp thì thường chịu cảnh nghèo khó, còn những người làm thêm thì lại mang tiếng không thực sự cống hiến cho đơn vị.
Gần 40 năm theo nghề, với anh, tuồng đã dần ngấm vào máu, thành đam mê, đam mê cũng như “con sáo ăn mặn vậy”, trót dính vào rồi thì cũng khó giẫy ra được. Làm nghệ sĩ vui và hạnh phúc vì được nhiều người biết và yêu quý, nhưng cũng phải chấp nhận việc không có điều kiện được gần gũi chăm sóc bố mẹ, kể cả những lúc ốm đau, bệnh tật. Khi đang trên sân khấu, anh nghe tin bố mất nhưng không thể bỏ về vì vai diễn còn dang dở, còn liên quan tới bao nhiêu con người trong chương trình. 
“Lúc ấy tôi thấy mình chẳng khác nào nhân vật kép Tư Bền của nhà văn Nguyễn Công Hoan, trong lòng nóng như lửa đốt nhưng vẫn phải cố diễn cho khán giả cười, diễn xong lên xe một mạch về nhà chịu tang bố” – nghệ sĩ Hán Văn Tình tâm sự. Đã nhiều năm rồi nhưng chuyện ấy vẫn khiến anh day dứt mãi vì sự “bất hiếu” của mình.   
Bỗng dưng… lấy vợ
Cuộc đời của NSƯT Hán Văn Tình có nhiều thứ bất ngờ, cũng giống như việc anh theo tuồng rồi nhất quyết sống chết vì nó; hay như việc anh “bỗng dưng” lấy vợ dù chẳng nghĩ mình sẽ lấy vợ. Tình yêu của anh chẳng phải là sét đánh ngang tai hay thiên tình sử cảm động mà rất đỗi bình thường. Khi đã ở cái tuổi quá “băm”, bạn bè đã một, hai đứa con nhưng anh vẫn cứ một mình. Nhiều người xì xào anh không phải “đàn ông”, có người bảo tại anh nghèo quá nên không ai thèm lấy. Thậm chí bố mẹ ở quê còn dọa từ mặt nếu anh không chịu lấy vợ. Vì thế tin anh làm đám cưới đã khiến nhiều người sốc và thở phào nhẹ nhõm.
Anh và chị gặp nhau tình cờ. Chị làm nhân viên hành chính ở Bệnh viện Xanh - Pôn, do có người họ hàng sống trong khu tập thể của Nhà hát Tuồng Việt Nam nên nhiều lần đến chơi và xem các nghệ sĩ trong nhà hát diễn, trong đó có anh. Rồi anh chị bắt chuyện với nhau cũng rất tự nhiên. 
Từ hồi yêu, cưới và sau bao nhiêu năm chung sống đến giờ, anh vẫn cương quyết bảo chưa bao giờ phải tán tỉnh vợ. Bởi theo cái lý của anh, tình yêu là duyên phận, tự đến, tự đi chứ chẳng có chuyện anh “trồng cây si, cây đa” như ai. Có lẽ vì vậy mà những mối tình của anh trước đây đều chỉ dừng ở mức độ “tình nhỏ”, bởi cô nào cũng “chê” nghệ sĩ như anh sao sống đơn giản quá, chẳng “thèm” lãng mạn gì. Hơn nữa, anh nói có lẽ do cái tạng anh đã chẳng giống… tài tử, lại hay đóng những vai “ghê gớm” nên chả có cô nào bền chặt với anh. Ấy thế mà Hán Văn Tình tổ chức đám cưới khi anh tròn 36 tuổi, còn cô dâu cũng đã 35 tuổi.
Lương của hai vợ chồng lúc đó chỉ được khoảng 4 triệu đồng/tháng, giữa Hà Nội sống chật vật lắm mới gọi là tạm đủ. Cũng may được cơ quan cấp cho căn hộ tập thể mà anh gọi đùa là cái “chuồng chim”, nếu không chẳng biết bao giờ anh mới mua được nhà. Sau nhiều lần “co kéo” lo nhà cửa, chạy khắp khu Cầu Giấy, giờ anh vẫn ở nhà cấp 4 ở Cầu Diễn nhưng vẫn chưa gọi là ổn định, vì đất chưa có sổ đỏ.
Anh sống đơn giản nên nhiều lúc vợ cũng có chạnh lòng trách anh vô tâm, đi diễn xa ít nhớ tới việc mua quà cho vợ con, dù chỉ là những món quà nhỏ. Chị nói vậy nhưng chẳng bao giờ giận vì biết tính anh vốn thế. “Thôi thì mình hơi khô khan, vô tâm nhưng bù lại không trăng hoa, rượu chè, chăm chỉ làm việc nên cũng kéo lại đôi phần tình yêu của vợ. Có được người vợ hiểu chồng, biết thu vén cho gia đình thì chẳng có gì để tôi đòi hỏi hơn thế” - anh chia sẻ.
Công việc của nhà hát khiến anh có những tuần, những tháng  phải đi diễn suốt, muốn được ở nhà cùng vợ con ngày thứ bảy, chủ nhật cũng khó. Hiện anh chị đã có hai con, đều không hướng tới làm nghệ thuật, anh bảo cũng là điều may vì làm nghệ thuật vất vả lắm. Nhưng nếu các con có nguyện vọng nối nghiệp cha thì anh cũng không cản, sẽ động viên và hướng các con theo đam mê và khả năng của chúng. Trong gia đình, anh là người cha nghiêm khắc nhưng không khắt khe và luôn biết lắng nghe những điều nhỏ nhất từ các con của mình. 
Anh quan niệm cuộc sống nhiều khi cũng nên đơn giản hóa một cách tối ưu, không vội vã, không chần chừ, không quá nhiều tham vọng, cũng không được phép bằng lòng với bản thân là cách mà anh tự tạo nên những niềm vui sống.

Đọc thêm