Chính quyền chỉ đạo quyết liệt, doanh nghiệp “câu giờ”
Tính đến ngày 18/2, giá xăng Ron 92 chỉ còn 13.750 đồng/lít (giảm 16% so với thời điểm năm 2015), dầu diesel còn 9.850 đồng/lít (giảm khoảng 20%), thế nhưng nhiều DN vận tải vẫn không chịu giảm giá cước.
Tại Hà Nội, ngày 1/3 ông Nguyễn Văn Sửu, Phó Chủ tịch UBND thành phố đã ký công văn yêu cầu các DN kinh doanh vận tải hành khách cố định, taxi và các DN kinh doanh vận tải hàng hóa bằng container thực hiện kê khai giá cước phù hợp với xu hướng giảm giá nguyên liệu.
Ông Phạm Công Bình, Phó Giám đốc Sở Tài chính Hà Nội cho biết, trong xu thế giá xăng dầu giảm mạnh, từ đầu năm đến nay, Sở này đã hai lần làm công văn “giục” các đơn vị vận tải rà soát các chi phí đầu vào, thực hiện lại kê khai giá cước theo hướng giảm so với trước.
Ông Đỗ Văn Cường, Phó Trưởng ban Giá (Sở Tài chính Hà Nội) cho biết, quy định về giảm giá cước vận tải được các DN thực hiện căn cứ vào chi phí đầu vào, nhất là giá xăng dầu. Khi thấy giá nguyên liệu tăng hoặc giảm, DN phải tự động điều chỉnh rồi gửi thông báo lên Sở Tài chính, Sở Giao thông Vận tải và các cơ quan liên quan để thẩm định, phê duyệt.
Hiện nay giá xăng đang giảm sâu, nhưng một số DN chậm điều chỉnh giá cước vì liên quan đến lợi nhuận DN, hệ lụy là người dân bị “móc túi”. Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dùng dịch vụ taxi, cơ quan ban ngành đã nhiều lần yêu cầu các DN vận tải giảm giá cước.
Tuy nhiên, ông Cường lưu ý, DN cũng có những khó khăn riêng trong việc điều chỉnh giá cước, như giá xăng dầu thay đổi thất thường, nhiều lúc giảm một thời gian ngắn rồi tăng trở lại, khó điều chỉnh kịp thời. Việc điều chỉnh giá cần kiểm định, chỉnh sửa lại đồng hồ khiến chi phí tăng; việc quy tụ lại xe để điều chỉnh cũng ảnh hưởng đến hoạt động dịch vụ.
Giảm từ 300 đến 1.000 đồng/km
Trong danh sách các DN taxi giảm giá cước trong năm 2016 của Ban Giá (Sở Tài chính Hà Nội), DN giảm sớm nhất là từ ngày 5/1, muộn nhất là ngày 1/3. Mức điều chỉnh giảm dao động từ 300 đồng đến 1.000 đồng/km. Mức được nhiều hãng taxi giảm nhất là 500 đồng/km.
Cũng theo danh sách của Ban Giá, hãng taxi Đại Phúc chưa thực hiện việc giảm giá cước taxi. Tuy nhiên, khi phóng viên gọi điện thoại đến tổng đài của hãng này thì được biết, hãng taxi Vic đã mua lại hãng Đại Phúc cách đây không lâu.
Theo ông Cường, từ ngày 1/1/2016 quy định các hãng taxi hoạt động ở Hà Nội phải có số lượng từ 50 xe trở lên. Taxi Đại Phúc trước đây chỉ có 38 xe nên sáp nhập vào hãng taxi khác. Ông cũng cho biết, trong danh sách 86 hãng taxi hoạt động ở Hà Nội, có thể đã có những hãng sáp nhập hoặc giải thể do không đủ điều kiện về số lượng. Như vậy, khi không nắm được chính xác có bao nhiêu hãng taxi đang hoạt động thì rất khó để Ban Giá đưa ra con số chính xác hãng nào chưa giảm cước vận tải.
Ngoài Đại Phúc, trong danh sách 86 đơn vị kinh doanh vận tải, có hơn 10 đơn vị taxi khác cũng có số lượng dưới 50 xe. Đa số đây chính là những đơn vị nằm trong danh sách chưa giảm giá cước như Hương Nam, Cường Thịnh, Thành Lợi, Mê Kông, Thành Đạt, Xuân Mai…
Theo ông Cường, cơ bản các hãng taxi có số lượng lớn đã đồng loạt giảm giá cước, điều chỉnh theo mức phù hợp. Ông cũng cho rằng trong bối cảnh các hãng taxi cạnh tranh gay gắt, hãng nào không giảm mà vẫn giữ giá cao sẽ tự nhiên bị khách hàng tẩy chay, không thể cạnh tranh với các hãng taxi khác giá rẻ hơn. “Do đó mấy ngày qua, các DN tự động điều chỉnh giảm giá cho phù hợp; cũng là một hình thức cạnh tranh khách hàng”, ông Cường nói.
Theo Ban Giá, Sở Tài chính Hà Nội, từ đầu năm đến nay đã có 73/86 hãng taxi giảm giá cước. Về tuyến cố định, có 20/56 đơn vị vận tải điều chỉnh giảm giá từ 3% đến 9%, tùy từng tuyến.
Các hãng taxi chưa giảm giá cước bao gồm: Hương Nam, Cường Thịnh, Thành Lợi, Thành Đạt, Đồng Lạc, Ba Đình, Bảo Lâm, Trôi Phùng, Tiến Thành, Chiến Thắng, Long Biên, Hải Đăng.