Hà Nội vừa xây dựng đề án “Triển khai mô hình cải thiện an toàn thực phẩm đối với dịch vụ ăn uống tại các quận, thị xã và thị trấn của các huyện thuộc thành phố Hà Nội giai đoạn 2011-2015”, trong đó có nội dung sẽ gom hàng ăn rong về một điểm cố định để dễ quản lý. Tuy nhiên, với điều kiện hiện nay của thành phố, mong muốn đó thực quá xa vời.
Tơ hơ gà “cởi truồng” chờ vào bụng thực khách. |
Tập trung để quản lý...
Nói về lý do chính để xây dựng đề án, ban soạn thảo cho rằng: Việc thiếu cơ sở hạ tầng và các dịch vụ vệ sinh môi trường của các hàng ăn rong, thói quen vứt rác và không thu gom rác ở mặt bằng kinh doanh hiện nay đã đến hồi báo động; việc kiểm soát vệ sinh thực phẩm vô cùng khó khăn. Đặc biệt, số các ca ngộ độc thực phẩm do thức ăn đường phố và tình trạng mất vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) ngày càng gia tăng khiến chúng ta phải chấn chỉnh lại hoạt động này.
Theo PGS.TS.Trần Đáng, có 6 nguyên tắc cơ bản để quản lý và bảo đảm được VSATTP: 1. Chính quyền phải là người chủ trì trong công tác này; 2. Ngành y tế phải là người tham mưu thông minh; 3. Xây dựng được các tiêu chí phù hợp; 4. Có sự phối hợp liên ngành chặt chẽ và hiệu quả; 5. Cam kết của chủ cửa hàng trong việc thực hiện đầy đủ các điều kiện về VSATTP; 6. Duy trì tốt hoạt động thanh, kiểm tra và xử lý kịp thời, dứt điểm các sai phạm về VSATTP. |
Hơn nữa, để tiện cho công tác quản lý hàng ăn rong cũng như đảm bảo công tác VSATTP, chỉ còn cách gom hàng ăn rong về một mối. Theo dự thảo của đề án, mô hình quản lý sẽ dựa trên nguyên tắc: Người bán hàng rong được bố trí tập trung tại một địa điểm cố định do doanh nghiệp hoặc cá nhân đại diện quản lý tập trung, thuê, mượn mặt bằng; đảm bảo cung cấp nước sạch, bố trí các khu chế biến ăn uống hợp vệ sinh; người bán hàng được tham gia các lớp tập huấn để cung cấp kiến thức về VSATTP, được khám sức khỏe, xét nghiệm tìm người lành mang trùng định kỳ... Tóm lại, mô hình này, theo đánh giá của các nhà soạn thảo, không những tạo được sự hợp tác giữa người bán hàng rong, người tiêu dùng và cơ quan quản lý nhà nước về VSATTP, mà còn khắc phục được nhược điểm của hàng rong tạm bợ, mang tính mùa vụ khiến cơ quan quản lý không kiểm soát được như hiện nay.
... nhưng, không dễ!
Vẫn biết, mục tiêu của việc gom hàng rong về một điểm sẽ quản lý được vấn đề VSATTP, nhưng thực tế hiện nay, gần một nửa hàng ăn cố định có phép trên khắp địa bàn thành phố vẫn chưa được cấp giấy chứng nhận VSATTP. Kể cả những cơ sở được cấp vẫn vi phạm VSATTP.
Thống kê cho thấy, cả thành phố có 18.745 cơ sở dịch vụ ăn uống, nhưng số cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP mới chỉ là 12.102 cơ sở, đạt tỷ lệ 64.6%. Thậm chí, có nơi như thị trấn Ba Vì mới chỉ có 9,9% cơ sở được cấp giấy giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP. Thực tế, các hàng ăn cố định của thành phố còn chưa đạt yêu cầu, cơ quan quản lý VSATTP cũng chưa thống kê nổi số hàng ăn rong hiện có trên địa bàn thành phố, nói chi đến việc cấp phép và quản lý được loại hình kinh doanh phức tạp và đầy “nhạy cảm” này.
Bác Bùi Thị Hạnh - chủ hàng bún đậu, mắm tôm trên phố Đoàn Thị Điểm (Hà Nội) cho biết: “Tôi bán hàng ăn ở khu vực này quen rồi, khách ăn cũng toàn người quen nên nếu có phải di chuyển đến một điểm tập trung nào đó tôi cũng sẽ không đi. Hôm nào họ “làm căng” thì tôi nghỉ, bữa nào “lơi lỏng” thì lại dọn hàng. Tôi nghĩ, cấm làm sao được hàng rong, cấm được hôm nay, ngày mai lại đâu vào đó thôi. Tập trung hàng ăn rong lại một chỗ cũng không ổn vì dân ta tiện đâu ăn đó, chứ có phải ai cũng có thời gian mà đến một điểm nào đó để ăn uống đâu...”. |
Ai cũng biết rằng, trong điều kiện lực lượng thanh tra y tế kiêm nhiệm quản lý về VSATTP mỏng như hiện nay, việc tập trung những người làm dịch vụ ăn uống vào một điểm cố định sẽ khiến cho công tác quản lý dễ dàng và hiệu quả hơn. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, việc làm đó sẽ quá khó trước thói quen “tiện đâu ăn nấy” và tập quán phục vụ ăn uống “tận nơi” ở Thủ đô như hiện nay.
Bàn về tính khả thi của đề án trên, PGS.TS.Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm cho biết, mô hình tập trung các hàng ăn rong là một mô hình rất hay và đã được thực hiện thành công ở nhiều nước trong khu vực và thế giới (Thái Lan, Trung Quốc, Úc...). Trong điều kiện hiện nay, Hà Nội khó có thể thực hiện nội dung này của đề án. Nếu làm, với cách làm không quyết liệt, nhiệt tình, không xử lý đến nơi đến chốn như hiện nay thì cũng sẽ “giải tán sớm”.
Thêm vào đó, với qui hoạch đô thị hiện tại, sẽ không có chỗ để phát triển các điểm hàng ăn cố định. “Không có không gian công cộng, nước sạch khan hiếm, nồng độ bụi cao, ô nhiễm môi trường nghiêm trọng thì hàng ăn rong ngồi vào đâu?” - ông Đáng phàn nàn. Ông Đáng còn đưa ra dẫn chứng: “Bánh mỳ bán rong đầy đường vành đai, đường cao tốc, khắp các ngã tư đường phố, ô nhiễm, bẩn thỉu, mà chính quyền địa phương còn không xử lý được thì việc gom hàng rong về một điểm làm sao thực hiện được!”.
Cũng theo ông Đáng, việc cấm bán hàng rong trên các tuyến phố là rất khó. Quan trọng là phải quản lý được. Cụ thể, có thể bán hàng ăn rong bằng xe đẩy hoặc quang gánh nhưng phải bảo đảm ATVSTP; quy định về thời gian bán (sáng, trưa hoặc tối); quy định đoạn phố được bán; thậm chí thực phẩm được bán cũng phải quy định (có danh sách hẳn hoi). Tóm lại, ông Đáng cho rằng: Tập trung hàng ăn vào một điểm cố định chỉ là một trong các giải pháp, vẫn phải có các hàng ăn cố định, hàng ăn rong di động... trong đó người bán hàng cũng như các mặt hàng được bán phải được quản lý, giám sát đầy đủ, thường xuyên, nếu không sẽ không tránh khỏi thất bại.
Hải Long