Hà Nội - dòng chảy thành phố sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Từ năm 2019, khi tham gia Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO đến nay, Hà Nội đã luôn nỗ lực triển khai các sáng kiến, giải pháp phát huy tiềm năng sáng tạo thành nguồn lực phát triển, thực hiện có hiệu quả các cam kết của thành phố với UNESCO.
Triển lãm sắp đặt hội họa với chủ đề “Tiếng gọi” của họa sĩ Trần Thị Thu đánh tan không gian âm u của phân xưởng 3B1 (Nhà máy Xe lửa Gia Lâm). (Nguồn ảnh: Hanoimoi)
Triển lãm sắp đặt hội họa với chủ đề “Tiếng gọi” của họa sĩ Trần Thị Thu đánh tan không gian âm u của phân xưởng 3B1 (Nhà máy Xe lửa Gia Lâm). (Nguồn ảnh: Hanoimoi)

Thành phố đầu tiên có Nghị quyết về công nghiệp văn hóa

Tại một hội thảo quốc tế về thành phố sáng tạo mới đây, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, trên chặng đường 4 năm phát triển thương hiệu Thành phố sáng tạo sau khi được UNESCO công nhận, Hà Nội là thành phố duy nhất của cả nước xây dựng một Nghị quyết về phát triển công nghiệp văn hóa. Đó là Nghị quyết 09-NQ/TU Hà Nội về phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Cùng với đó, dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) có điều khoản riêng về lĩnh vực văn hóa sáng tạo, với việc thành phố sẽ có quy hoạch chung về thiết kế đô thị, phát triển nguồn lực cho xây dựng, phát triển thành phố sáng tạo.

Ông Đỗ Đình Hồng cũng cho biết, thành phố cũng có chính sách về phát triển nguồn lực cho xây dựng thành phố sáng tạo, bao gồm chính sách đối với nghệ nhân, việc truyền dạy cho thế hệ sau. Dù vậy, để xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo không dễ dàng. Đó là làm sao để Hà Nội đi tắt đón đầu trong xây dựng thành phố, khích lệ sự sáng tạo trong cộng đồng, tạo ra các sản phẩm văn hóa huy động nguồn lực sáng tạo, tạo thêm nhiều sinh kế cho người dân...

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh thẳng thắn bày tỏ, Hà Nội là thành phố có sức thu hút, hội tụ rất lớn so với các thành phố khác ở Việt Nam, là thành phố với 10 triệu dân, cơ hội có rất nhiều. Nhưng đến bây giờ, chúng ta chưa tận dụng và phát huy hết cơ hội đó.

Là người sáng lập không gian sáng tạo Zone 9, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh còn cho biết, Hà Nội có những không gian trống, bỏ hoang. Như các nhà máy công nghiệp, hoàn toàn có thể đưa vào khai thác nhờ ý tưởng sáng tạo của đội ngũ thiết kế. Nhưng hiện nay, quỹ đất dành cho công nghiệp sáng tạo chưa có. Điều này đến từ nhận thức về vai trò của công nghiệp sáng tạo chưa được coi trọng và đặt đúng vị trí. Do vậy, khó khăn trong phát triển các không gian sáng tạo đến từ chính quỹ đất dành cho công việc này.

Theo đó, kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh cho rằng: Khi có các dự án về bất động sản, chúng ta nên dành quỹ đất hình thành không gian phát triển công nghiệp sáng tạo. Khi có sự kiện diễn ra sẽ có nhiều người đến. Từ đó đưa đến lợi ích kép, vừa tăng giá trị của bất động sản, vừa tạo ra một cộng đồng sáng tạo. Còn nhà thiết kế Vũ Thảo lại đề cao niềm tin vào sự sáng tạo. Nhưng niềm tin này không thể một sớm một chiều có được, nó phải được nuôi dưỡng trong thời gian dài, với sự phối hợp giữa quản lý nhà nước, địa phương và người dân.

Còn ông John Peto (đại diện Bắc Ireland) đề cao tới nguồn lực tài chính trong xây dựng thành phố sáng tạo. Bởi theo ông Peto, một trong những thách thức là làm sao phát huy được sự sáng tạo. Mặc dù ý tưởng sáng tạo ở khắp nơi nhưng làm thế nào để tập hợp, phát huy nó thì chúng ta cần nhiều không gian khác nhau để sáng tạo và cần tạo ra cơ hội cho các sân chơi sáng tạo khác nhau, trang thiết bị để phát huy sáng tạo lên tầm cao hơn. Chúng ta cũng cần đào tạo, tập hợp và hỗ trợ đội ngũ thiết kế sáng tạo. Và để làm được tất cả những công việc ấy thì cần nguồn lực tài chính đủ mạnh. Cơ quan quản lý có vai trò quan trọng, chính quyền địa phương cần cởi mở hơn, chấp nhận rủi ro.

Cần đến những vẻ đẹp của thiên nhiên

Theo bà Ngô Thị Phương Thảo (Thảo Kin), điều phối viên của các mạng lưới Sinh thái toàn cầu - khu vực châu Á - Thái Bình Dương, thay vì chờ đợi thành phố quy hoạch để có không gian cây xanh thì bản thân mỗi người dân nên bắt đầu từ những việc mà mình có thể làm được.

Ông Lê Quang Bình, điều phối viên Mạng lưới Vì một Hà Nội đáng sống cho biết, để trở thành một thành phố sáng tạo thì chúng ta cần phải có những con người làm trong mảng sáng tạo và các lĩnh vực khác. Để cho tầng lớp sáng tạo này định cư ở Hà Nội hoặc đến Hà Nội thì cần 3 yếu tố. Đầu tiên là một nền văn hóa tôn vinh sự khác biệt. Một nền văn hóa như vậy thì làm cho tầng lớp sáng tạo sẽ muốn ở nơi đấy. Thứ hai là một cuộc sống đô thị náo nhiệt, giàu có. “Tôi nghĩ Hà Nội khá náo nhiệt và giàu có. Cái văn hóa ở vỉa hè là một trong những điều kiện tôi thấy rất đặc biệt của Hà Nội. Thứ ba, mọi người ít khi nhắc đến hơn đó là điều kiện về thiên nhiên”, ông Lê Quang Bình chia sẻ.

Làm sao chúng ta có một thiên nhiên hài hòa, giàu có và chúng ta biết Hà Nội có tỷ lệ cây xanh trên đầu người hiện nay còn thấp. Tuy nhiên, theo ông Lê Quang Bình, rất may trong chiến lược phát triển Thủ đô đến năm 2030 và tầm nhìn 2050, Hà Nội đặt mục tiêu nâng tỷ lệ cây xanh lên khoảng 10 - 15m²/đầu người. Cam kết này của Hà Nội có thể hiện thực hóa nếu chúng ta định nghĩa lại mối quan hệ của chúng ta với thiên nhiên. Nếu như chúng ta không coi thiên nhiên là gì, chúng ta có thể tàn phá hoặc thay thế nó.

Ngược lại, chúng ta có một mối quan hệ khác với thiên nhiên, tôn trọng nó hơn và coi thiên nhiên là một phần tất yếu của cuộc sống, của sinh cảnh thì chúng ta sẽ có những giải pháp để nâng tỷ lệ cây xanh/đầu người lên. Điều này giúp Hà Nội có thêm những không gian xanh và những khoảng rừng.

TS Đặng Hoàng Giang cho rằng, hiện chúng ta đang bị “ô nhiễm âm thanh”. Chúng ta đang đánh mất một “viên ngọc” đẹp đẽ ở xung quanh mình. Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mọi người không còn cảm nhận được những âm thanh của thiên nhiên quanh mình, cũng như đánh mất thói quen cảm nhận âm thanh từ thiên nhiên.

“Tôi rất tâm đắc với người Nhật khi họ có dự án bảo tồn 100 âm cảnh của quê hương. Người Hà Nội cũng phải đặt ra câu hỏi có những âm cảnh nào phải gìn giữ. Tôi ước một điều là những nhà thành lập chính sách quan tâm đến yếu tố này”, TS Đặng Hoàng Giang chia sẻ. Và hơn thế, chúng ta cần đến với những vẻ đẹp hoang sơ của thiên nhiên thay vì đến với vẻ đẹp nhân tạo.

Bà Ngô Thị Phương Thảo cho biết, trong thành phố, trước hết phải là sự quan tâm, tha thiết muốn có sự tự nhiên trong mỗi người sẽ thúc đẩy hành động ở bên ngoài. Chẳng hạn các khu dân cư cần phải có vườn hoa với sự đa dạng. Hoặc những không gian còn sót lại của Hà Nội sẽ sử dụng vào việc gì?...

Đơn cử, Nhà máy xe lửa Gia Lâm có thể trở thành các đại đô thị hay không? Những cây cổ thụ tại nơi này sẽ sống được bao lâu nếu không được chăm sóc, giữ gìn? Trong một đô thị đất chật người đông thì sự cạnh tranh về mặt không gian đến trực tiếp từ sự cạnh tranh giữa con người với thiên nhiên. Vậy làm sao để giảm được sự cạnh tranh này, chúng ta có thể nuôi dưỡng thiên nhiên để nó gần hơn với mình không? Để trả lời được câu hỏi này không phải dễ dàng. Do đó, việc đầu tiên, thay vì chờ đợi thành phố quy hoạch để có không gian cây xanh hơn thì bản thân mỗi người nên bắt đầu từ những việc mà mình có thể làm được, bà Thảo bày tỏ…