Theo Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội, kể từ ngày 7/6 đến hết ngày 30/6, toàn bộ 118 tuyến buýt trợ giá trên địa bàn sẽ điều chỉnh phương án vận hành.
Cụ thể, sau điều chỉnh, số xe hoạt động theo kế hoạch là 1.831 xe (giữ nguyên). Số xe vận hành ngày thường là 1.294 xe, giảm 238 xe (tương ứng giảm 15,5%), ngày Chủ nhật vận hành 1.288 xe, giảm 138 xe (tương ứng giảm 9,7%).
Vào ngày thường hoạt động 15.102 lượt xe (giảm 2.683 lượt, tương ứng 15,1%); ngày Chủ nhật hoạt động 15.018 lượt xe (giảm 1.620 lượt, tương ứng 9,7%)
Theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, việc điều chỉnh dịch vụ dựa trên nguyên tắc bảo đảm không làm xáo trộn lớn đến nhu cầu đi lại của hành khách; dịch vụ các tuyến được rà soát, điều chỉnh phải dựa trên nhu cầu đi lại và đặc thù hoạt động của từng tuyến. Đối với các tuyến buýt trục chính, lưu lượng hành khách đi lại cao, xem xét điều chỉnh giảm dịch vụ ở mức hợp lý.
Đối với các tuyến buýt có tần suất thấp (từ 20 phút/lượt trở lên) và các tuyến buýt có lộ trình độc đạo, xem xét điều chỉnh về mức 30 phút/lượt, giãn tần suất chạy xe giờ thấp điểm hoặc giữ nguyên dịch vụ.
Theo tìm hiểu của PLVN, trung bình mỗi năm, ngân sách nhà nước dành khoảng 1.300 tỷ đồng để trợ giá xe buýt Hà Nội. Tổng Công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) là đơn vị chính vận hành xe buýt ở Thủ đô. Như vậy, với việc giảm hàng nghìn lượt xe buýt được trợ giá mỗi ngày, ngân sách trợ giá cho xe buýt trong năm nay ở Hà Nội chắc chắn cũng được giảm theo.