Hà Nội: Hạn chế tối đa việc xây dựng công trình ngầm tại khu phố cổ

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND TP Hà Nội vừa có quyết định phê duyệt Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - thành phố Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050, tỷ lệ 1/10.000.
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Theo đó, khu vực nghiên cứu chính không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm thuộc địa giới hành chính 20 quận, huyện gồm: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín. Khu vực nghiên cứu định hướng, kết nối tại 5 đô thị vệ tinh gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên.

Về công trình ngầm, theo quy hoạch sẽ phân vùng chức năng để xây dựng. Cụ thể, phân bố theo chiều ngang trong đô thị trung tâm các khu vực có tiềm năng xây dựng công trình ngầm gồm: khu vực nội đô (nội đô lịch sử và nội đô mở rộng); khu vực phát triển mới cao tầng tại Bắc Sông Hồng và chuỗi đô thị Đông vành đai 4, các dự án trong vành đai xanh và tại các trục không gian Hồ Tây - Ba Vì, Tây Hồ Tây, Hồ Tây - Cổ Loa và khu vực dọc theo hành lang các tuyến đường sắt đô thị.

Khu phố cổ Hà Nội sẽ hạn chế tối đa việc xây dựng công trình ngầm. Các hoạt động xây dựng, khai thác không gian ngầm sẽ bị cấm tại Khu vực bảo vệ các công trình, khu vực được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt ở đô thị trung tâm: Khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội; Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch; Khu Văn Miếu - Quốc Tử Giám; Khu Cổ Loa; Khu Đền Hai Bà Trung; Khu Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn.

Về không gian ngầm, các đầu mối giao thông công cộng lớn của thành phố sẽ là hạt nhân phát triển không gian xây dựng công cộng ngầm. Trong phạm vi 500m từ các đầu mối trên, sử dụng tối đa chiều sâu để hình thành không gian công cộng ngầm tại các công trình cao tầng, trung tâm thương mại, thể dục thể thao, quảng trường, sân vận động…

Không gian ngầm gồm giao thông ngầm, bãi đỗ xe công cộng ngầm, hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm, hệ thống công trình công cộng ngầm, đấu nối kỹ thuật và kết nối không gian ngầm.

Về giao thông ngầm, các tuyến giao thông đường bộ ngầm chủ yếu bố trí tại các nút giao thông khác mức, các quảng trường, qua các khu vực công trình đầu mối sân bay, đường sắt quốc gia (sân bay Gia Lâm, khu vực ga Hà Nội, ga Ngọc Hồi, ga Giáp Bát…).

Mạng lưới đường sắt đô thị ngầm gồm: các tuyến số 2, 3, 4, 5, 7 và 8 xây dựng kết hợp giữa đi trên cao, trên mặt đất và đi ngầm với tổng chiều dài phần xây dựng ngầm khoảng 86,5 km và 81 ga ngầm trên các tuyến.

Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm - TP Hà Nội đến 2030, tầm nhìn đến 2050 được phê duyệt nhằm đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về xây dựng, quản lý và sử dụng công trình ngầm khu vực đô thị trung tâm TP. Đồng thời nhằm khớp nối, kết nối đồng bộ các không gian xây dựng ngầm trên địa bàn TP.

Làm cơ sở cho việc triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu không gian xây dựng ngầm đô thị, lập quy hoạch chi tiết không gian xây dựng ngầm cho các khu vực đô thị, lập dự án đầu tư xây dựng ngầm trong khu vực đô thị trung tâm TP. Qua đó, góp phần xây dựng Thủ đô hiện đại, văn minh, phát triển bền vững.

Đọc thêm