Hà Nội: Hiệu quả từ thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở phù hợp với nhiệm vụ của cơ quan

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Nhận thức rõ tầm quan trọng của việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, thời gian qua, các cơ quan, đơn vị, địa phương của TP Hà Nội đã có nhiều giải pháp để triển khai, qua đó phát huy sức mạnh, đoàn kết tập thể trong việc thực hiện các nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ chuyên môn tại đơn vị, đem lại nhiều kết quả tích cực.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Gắn việc thực hiện quy chế dân chủ với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị

Cuối tháng 10 vừa qua, Đoàn kiểm tra số 01 của Ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở TP Hà Nội do Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy, Trưởng ban Chỉ đạo xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở TP Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến làm Trưởng đoàn đã có cuộc làm việc với Sở Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Hà Nội.

Báo cáo tại cuộc làm việc, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương cho biết, thời gian qua, dưới sự chỉ đạo của Đảng ủy, Ban Giám đốc và sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức đoàn thể, việc thực hiện QCDC tại Sở TT&TT đã được triển khai nghiêm túc và dần đi vào nề nếp, góp phần tích cực trong thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và các chương trình công tác, nhiệm vụ chính trị của cơ quan.

Sở TT&TT đã gắn kết việc thực hiện QCDC với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ chính trị, thực hiện Luật Cán bộ công chức; Luật Phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm chống lãng phí; cải cách hành chính.

Ngoài ra, việc thực hiện các chế độ chính sách như nâng lương, chuyển ngạch, đào tạo, xử lý kỷ luật… đã được triển khai kịp thời, công khai dân chủ, tạo sự đồng thuận, phát huy được vai trò làm chủ và huy động tiềm năng trí tuệ của đội ngũ công chức, viên chức của cơ quan.

Qua đó, đề cao trách nhiệm cấp ủy, tăng cường vai trò quản lý của lãnh đạo Sở và đảm bảo kỷ luật, kỷ cương hành chính trong cơ quan; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước và phòng chống tệ nạn quan liêu, cửa quyền, tham nhũng, lãng phí trong cơ quan.

Phó Giám đốc Sở TT&TT Hà Nội Nguyễn Thị Mai Hương khẳng định, Ban Giám đốc Sở rất chú trọng và quan tâm thực hiện cải cách hành chính tại Sở.

Ngoài việc rà soát chức năng nhiệm vụ, sắp xếp lại tổ chức bộ máy đảm bảo tinh gọn, tránh chồng chéo, tích cực bồi dưỡng, đào tạo đội ngũ công chức, viên chức Sở quan tâm đến việc giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC).

Tính đến cuối tháng 10, Sở TT&TT đã công khai 34 thủ tục hành chính (TTHC) và đưa ra giải quyết theo cơ chế một cửa 34 TTHC.

Từ đầu năm 2021 đến hết ngày 15/9/2022, Sở đã tiếp nhận và trả kết quả 8.472 hồ sơ giải quyết TTHC (đạt 100%), không có hồ sơ nào giải quyết quá thời hạn; không có vụ việc kiến nghị, phản ánh, KNTC về việc giải quyết TTHC.

Sở TT&TT cũng đặc biệt chú trọng đến việc tổ chức tiếp công dân và giải quyết các vấn đề liên quan tới khiếu nại tố cáo, kiến nghị của tổ chức/công dân.

Từ năm 2021 đến ngày 15/9/2022, Sở đã tiếp 26 lượt công dân và tiếp nhận 390 đơn thư (trong đó 386 đơn kiến nghị phản ánh, 3 đơn khiếu nại, 1 đơn tố cáo). Đến nay, đã xử lý xong dứt điểm, không có tồn đọng và khiếu kiện kéo dài…

Phục vụ tốt hơn việc bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân Thủ đô

Trong khi đó, tại Sở Y tế Hà Nội, thời gian qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở Y tế Hà Nội luôn quan tâm, chỉ đạo việc thực hiện QCDC tại Cơ quan Sở Y tế và tại các đơn vị trực thuộc. Nội dung thực hiện dân chủ được đưa vào các Nghị quyết của Đảng ủy để chỉ đạo các chi bộ, đơn vị triển khai.

Để công khai, minh bạch, rõ người, rõ trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, Sở Y tế đã ban hành Quyết định số 744/QĐ-SYT ngày 12/5/2022 của Sở Y tế về việc ban hành Quy chế làm việc của Sở Y tế TP Hà Nội; Quyết định số 808/QĐ-SYT ngày 26/5/2022 phân công công tác của Ban giám đốc Sở Y tế Hà Nội.

Sở Y tế tổ chức giao ban định kỳ, hàng tuần, hàng tháng, 6 tháng và tổng kết năm để kịp thời đánh giá kết quả thực hiện các nhiệm vụ được giao, đề ra nhiệm vụ của thời gian tới và có thông báo kết luận giao ban tới toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để biết, thực hiện.

Thực hiện đánh giá, xếp loại đối với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc thẩm quyền quy định. Luôn lắng nghe ý kiến của cán bộ công chức, viên chức, người lao động.

Phát huy vai trò của tổ chức Công đoàn trong thực hiện dân chủ ở cơ sở, Sở Y tế và Công đoàn ngành Y tế ban hành kế hoạch về việc tổ chức hội nghị cán bộ công chức, viên chức, người lao động ngay từ đầu năm 2022. Theo đó, 100% các đơn vị trực thuộc Sở Y tế đã tổ chức hội nghị đúng quy định.

Công đoàn ngành Y tế tiếp tục hướng dẫn công đoàn cơ sở đảm bảo thực hiện QCDC ở cơ sở, tập trung các giải pháp hoàn thành chỉ tiêu chuyên môn, nghiệp vụ chính trị, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.

Đối với các nội dung trong QCDC, quy chế chi tiêu nội bộ, thi đua khen thưởng, xử lý vi phạm, giải quyết công việc với công dân, tổ chức có liên quan… được Sở Y tế xây dựng và triển khai một cách công khai, dân chủ, minh bạch. Công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo được duy trì và chỉ đạo giải quyết theo đúng thẩm quyền…

Việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại các đơn vị thuộc Sở Y tế đã trực tiếp góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và phát huy sức mạnh của tập thể của đơn vị. Qua đó, củng cố tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong công tác chuyên môn, thực hiện tốt các quy định về y đức, văn hóa công sở để phục vụ ngày một tốt hơn công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho người dân Thủ đô.

Từng bước hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo

Trong khi đó, tại Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội, ngay sau Đại hội Đảng bộ cơ quan, Đảng ủy cơ quan Sở Khoa học và Công nghệ đã xây dựng, ban hành chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, chương trình công tác toàn khóa, trong đó có công tác dân vận và thực hiện QCDC ở cơ sở.

Ban Chỉ đạo thực hiện QCDC của cơ quan luôn quan tâm công tác chỉ đạo triển khai và tổ chức thực hiện, tập trung phổ biến, tuyên truyền tới toàn thể đảng viên, công chức, viên chức, người lao động các văn bản của Trung ương và TP về xây dựng và thực hiện QCDC ở cơ sở.

Việc thực hiện QCDC đã tác động tích cực trên nhiều mặt cả về nhận thức, tư tưởng, trách nhiệm, tổ chức và kỷ luật, bảo đảm sự đồng bộ, thông suốt, theo phương châm 5 rõ: “Rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ quy trình, rõ hiệu quả”.

Việc phân công nhiệm vụ cho các bộ phận, công chức, viên chức thực hiện theo hướng chuyên môn hóa từng khâu, từng loại công việc theo nguyên tắc “Một đầu mối - một việc xuyên suốt” đã làm thay đổi lề lối làm việc, nâng cao ý thức thực thi công vụ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan; không có hiện tượng quan liêu, cửa quyền, nhũng nhiễu với nhân dân; dân chủ, công khai giúp cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động được phát huy quyền làm chủ, kỷ cương hành chính được tăng cường, quy định của cơ quan được thực hiện tốt, đoàn kết nội bộ được duy trì, góp phần xây dựng cơ quan trong sạch, vững mạnh.

Tại phường Xuân La, Quận Tây Hồ, việc thực hiện QCDC ở cơ sở được Đảng ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phường tổ chức thực hiện nghiêm túc. Qua đó, đã góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; đời sống dân sinh được nâng lên, từng bước hạn chế đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân.

Đáng chú ý, việc thực hiện QCDC đã gắn với nhiệm vụ quản lý đất đai, quản lý trật tự xây dựng đô thị, nên dù là phường có nhiều dự án giải phóng mặt bằng nhưng Xuân La không để xảy ra khiếu kiện, trở thành điểm “nóng”.

Còn tại phường Nhật Tân, việc thực hiện QCDC ở cơ sở đã góp phần thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội, xóa bỏ hủ tục lạc hậu; từng bước nâng cao ý thức trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, từ đó có tác dụng ngăn ngừa, đẩy lùi các biểu hiện tiêu cực…, góp phần giúp phường Nhật Tân xây dựng thành công mô hình “Phường văn hóa” và đang tiến tới “Phường đạt chuẩn văn minh đô thị” trong giai đoạn 2020-2025.

Qua những điển hình nêu trên, có thể thấy, việc thực hiện QCDC ở cơ sở tại các cơ quan, đơn vị của TP Hà Nội đã góp phần nâng cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền và phát huy sức mạnh của tập thể của đơn vị. Qua đó, củng cố tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong công tác chuyên môn, thực hiện tốt các quy định để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị.

Đọc thêm