Hà Nội: Hòa giải thành công hơn 80% vụ việc mâu thuẫn tại cơ sở

(PLVN) -Trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố Hà Nội đã hòa giải thành công 1.577/1.953 vụ việc, đạt tỷ lệ 80,75%, nhờ đó góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội các địa bàn dân cư.
Hà Nội: Hòa giải thành công hơn 80% vụ việc mâu thuẫn tại cơ sở

Xác định việc hòa giải từ cơ sở giữ vai trò quan trọng trong việc bảo đảm trật tự an toàn tại cộng đồng, thời gian qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng kiện toàn, nâng cao chất lượng các tổ hòa giải. Với nhiều mô hình, cách làm độc đáo, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn thành phố Hà Nội trung bình hàng năm đều đạt trên 80%.

Cụ thể, theo Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội vừa gửi Bộ Tư pháp về sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và nhiệm vụ, giải pháp công tác 6 tháng cuối năm 2021, đối với công tác hòa giải ở cơ sở, toàn thành phố hiện có 4.975 tổ hòa giải với tổng số 32.075 hòa giải viên, trong đó có 2.637/4.975 tổ hòa giải đạt “Tổ hòa giải 5 tốt” (chiếm 53%).

“Tổ hòa giải 5 tốt” tại Hà Nội có 5 tiêu chí gồm: Phát hiện vụ việc kịp thời, tổ chức hòa giải tốt, đạt tỷ lệ hòa giải thành 85% trở lên; Phối hợp tốt giữa Ban công tác Mặt trận, các chi hội đoàn thể ở cơ sở, các tổ hòa giải và tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hòa giải ở cơ sở; Được cung cấp tài liệu liên quan đến hoạt động hòa giải; tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng kiến thức pháp luật, bồi dưỡng, tập huấn hòa giải viên tốt; Được hỗ trợ kinh phí thực hiện công tác hòa giải đúng, kịp thời theo quy định của pháp luật; Định kỳ giao ban sáu tháng, hằng năm trao đổi kinh nghiệm hòa giải, báo cáo tình hình tổ chức, hoạt động hòa giải; ghi chép, quản lý sổ theo dõi hoạt động hòa giải ở cơ sở theo đúng quy định.

Việc đưa ra 5 tiêu chí trên đã gắn trách nhiệm của chính quyền và hòa giải viên trong công tác hòa giải, tỷ lệ hòa giải thành trên địa bàn thành phố tăng cao qua từng năm. Một số địa bàn duy trì và tích cực triển khai mô hình này là quận Tây Hồ, Long Biên, Hoàn Kiếm, Ba Đình... Trong đó, các quận Long Biên, Cầu Giấy, Đống Đa đã đưa hoạt động hòa giải thành một tiêu chuẩn thi đua, làm cơ sở khen thưởng cuối năm.

Trong 6 tháng đầu năm, toàn thành phố đã tiếp nhận tổng số 2.098 vụ việc hòa giải (bao gồm cả số vụ chưa giải quyết xong kỳ trước chuyển sang), đã hòa giải thành công 1.577/1.953 vụ việc, 145 vụ việc đang hòa giải (tỷ lệ hòa giải thành công đạt 80,75%).

Về kết quả thực hiện các quy định về xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, có 558/579 xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đạt tỷ lệ 96,37%. Trong đó, nhiều quận, huyện, thị xã có số phường, xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn tiếp cận pháp luật đạt tỷ lệ 100%.

Trong 6 tháng cuối năm 2021, thành phố Hà Nội sẽ tiếp tục tăng cường truyền thông về vị trí, vai trò, ý nghĩa của hòa giải ở cơ sở để từng bước hình thành thói quen sử dụng phương thức này trong giải quyết những mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.

Trong quá trình thực hiện công tác hòa giải, tiếp tục phát huy sự phối hợp chặt chẽ giữa chính quyền, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP, các tổ chức chính trị-xã hội và nhân dân, gắn kết được người dân và chính quyền trong công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn thành phố. Khuyến khích chính quyền, nhất là chính quyền cơ sở ở xã, phường, thị trấn, quan tâm hơn đến công tác hòa giải về kinh phí, hoạt động đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Qua đó, góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành, giảm mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư; giải quyết các điểm nóng, ổn định an ninh, chính trị trên địa bàn Thủ đô.

Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ hòa giải viên để họ không ngừng nâng cao kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải. Việc lựa chọn các hòa giải viên cần đảm bảo về năng lực, uy tín, từ đó phát huy được nhiều thuận lợi trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, đảm bảo hiệu quả. Đồng thời, các cấp cần quan tâm hơn nữa tới công tác khen thưởng đối với đội ngũ hòa giải viên, tổ hòa giải ở cơ sở để kịp thời khuyến khích, động viên các hòa giải viên, tổ hòa giải có thành tích tốt.

Cùng với lĩnh vực hòa giải ở cơ sở, thành phố Hà Nội cũng sẽ chú trọng thực hiện tốt công tác giải quyết thủ tục hành chính, phục vụ công dân; triển khai hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý; thực hiện nghiêm thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh... Hà Nội cũng đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động chỉ đạo điều hành, chất lượng công tác trên các lĩnh vực, đồng thời, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, đổi mới lề lối làm việc của ngành Tư pháp Thủ đô.

Đọc thêm