Hà Nội: Khơi thông vướng mắc, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Phát biểu tại phiên chất vấn về việc thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp trên địa bàn TP Hà Nội do Thường trực HĐND TP tổ chức sáng 12/5, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định trong nhiệm kỳ này, TP sẽ cơ bản hoàn thành các quy hoạch chi tiết, để cùng với quy hoạch chung Thủ đô, khơi thông các vướng mắc và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên chất vấn.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại phiên chất vấn.

Tạo cơ sở pháp lý thúc đẩy nông nghiệp công nghệ cao

Tại phiên chất vấn, các đại biểu tập trung vào 3 nhóm vấn đề, bao gồm quy hoạch, cơ chế trong phát triển nông nghiệp, vi phạm trên đất nông nghiệp. Trong đó, quan tâm đến việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao, Đại biểu Đàm Văn Huân (Trưởng Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội) dẫn dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên tại huyện Đông Anh đã được phê duyệt gần 10 năm nhưng chưa được triển khai, gây nhiều ý kiến trong dư luận. Đại biểu Duy Hoàng Dương (Trưởng Ban Pháp chế HĐND TP Hà Nội) đặt câu hỏi về trách nhiệm của các cơ quan liên quan trong quá trình thúc đẩy các khu nông nghiệp công nghệ cao.

Trả lời vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là một trong những định hướng quan trọng của Hà Nội. TP phấn đấu đến năm 2025, giá trị sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao sẽ đạt 70% tổng giá trị sản xuất của toàn ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, cả về cơ chế, chính sách của Trung ương cũng như triển khai các chính sách cụ thể của TP nên kết quả chưa được như mong muốn. “Chúng tôi đang có các giải pháp để thúc đẩy nội dung này”, ông Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định.

Về dự án Khu nông nghiệp sinh thái ứng dụng công nghệ cao Hoa Lâm Viên, Phó Chủ tịch Hà Nội cho biết, dự án đã được Thường trực Thành uỷ Hà Nội thông qua năm 2013; đến năm 2014 đã được UBND phê duyệt Quy hoạch chi tiết 1/500. Dự án này bảo đảm các điều kiện quy hoạch. Về đầu tư, tháng 8/2022, khi thẩm quyền phê duyệt cấp phép đầu tư vào dự án vẫn thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT), đã có nhà đầu tư nộp hồ sơ xin ý kiến của Bộ này. Sau khi Luật Đầu tư có hiệu lực, ngày 15/2/2023, Bộ KH&ĐT đã có văn bản trả lời nhà đầu tư, trong đó có nêu thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư thuộc về TP Hà Nội. “TP đã giao Sở KH&ĐT hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện các thủ tục, trên cơ sở đó sẽ xin ý kiến của Thành ủy xem xét phê duyệt chủ trương đầu tư trong thời gian tới”, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền thông tin.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cũng cho biết thêm, ngoài dự án nêu trên, UBND TP đã rà soát, đề xuất Bộ NN&PTNT bổ sung thêm 7 dự án khu nông nghiệp công nghệ cao khác nhằm cụ thể hoá Quyết định số 575/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền khẳng định, TP Hà Nội rất chủ động trong việc xây dựng 7 khu nông nghiệp công nghệ cao. Bên cạnh đó, trên địa bàn TP có 285 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Các mô hình này đang phát huy giá trị, giúp nâng cao năng suất từ 10 - 12%, hiệu quả kinh tế tăng từ 25 -28%. Dù vậy, việc phát triển các khu nông nghiệp công nghệ cao hiện vẫn còn nhiều khó khăn do đòi hỏi nguồn lực đầu tư ban đầu lớn nhưng thời gian thu hồi vốn chậm, giá trị đất trên địa bàn Thủ đô cao, dẫn đến việc nhà đầu tư có xu hướng dịch chuyển sang các địa bàn lân cận.

Về giải pháp, với những vấn đề về cơ chế, chính sách tích tụ ruộng đất, TP đã có đề nghị để sửa đổi Luật Đất đai. UBND TP cũng đang giao Sở NN&PTNT, Sở Tư pháp phối hợp với các sở, ngành rà soát các cơ chế, chính sách mang tính đặc thù, chưa được quy định trong các văn bản khác hoặc còn vướng mắc trong các văn bản luật khác để tổng hợp đề xuất trong Luật Thủ đô (sửa đổi) nhằm tạo cơ sở pháp lý, cơ chế đột phá thúc đẩy hỗ trợ các tổ chức, doanh nghiệp đầu tư hình thành các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Xây dựng đầy đủ các cơ chế, chính sách hỗ trợ

Tham gia trả lời, làm rõ các thông tin đại biểu và cử tri quan tâm liên quan cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh khẳng định, cả hệ thống chính trị của TP quan tâm đầy đủ, kịp thời với lĩnh vực nông nghiệp. TP đã lãnh đạo, chỉ đạo xuyên suốt, ban hành hàng loạt chính sách, cơ chế thực hiện.

Hà Nội là 1 trong 3 tỉnh, TP có tỷ trọng nông nghiệp lớn nhất cả nước với 383 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới. “Trong năm nay, TP quyết tâm hoàn thành xây dựng nông thôn mới với tất cả các huyện. Đây là kết quả quyết tâm của bà con nông dân và sự quan tâm, đầu tư đầy đủ của TP. Nông nghiệp tăng trưởng được 1,2% là rất khó, nếu không có đột phá về mô hình, phương thức sản xuất, nhưng TP đã đạt được mức tăng trưởng 3 - 5% là nỗ lực rất lớn”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh cũng chỉ rõ, trong nhiệm kỳ này, TP sẽ cơ bản hoàn thành các quy hoạch chi tiết, để cùng với quy hoạch chung Thủ đô, khơi thông các vướng mắc và đẩy mạnh kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. TP cũng chỉ đạo Sở KH&ĐT trong năm 2023 xây dựng danh mục kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trình HĐND TP thông qua. Liên quan đến các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, Chủ tịch UBND TP Hà Nội yêu cầu các đơn vị rà soát kỹ càng, xây dựng đầy đủ, sớm trình HĐND TP xem xét.

Theo báo cáo, việc chủ động, tích cực triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương và TP đã góp phần duy trì mức tăng trưởng của ngành nông nghiệp Thủ đô trung bình trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt 2,53%; từ năm 2021 -2022 đạt trên 3%. Đến nay, TP Hà Nội có 15/18 huyện, thị xã đạt chuẩn nông thôn mới; 382/382 (đạt 100%) xã đạt chuẩn nông thôn mới; 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2022 đạt 56,3 triệu đồng/người/năm, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện.

Đọc thêm