Sở Kế hoạch Đầu tư TP Hà Nội vừa báo cáo UBND TP Hà Nội tình hình triển khai các dự án theo mô hình hợp tác công tư (PPP). Mô hình hợp tác công tư bao gồm cả hình thức BT (Xây dựng - Chuyển giao), BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), BTO (Xây dựng - Chuyển giao - Kinh doanh). Tuy nhiên, đa số các dự án PPP ở Hà Nội đều thực hiện theo hình thức hợp đồng BT.
|
Đến năm 2017, Hà Nội còn 115 dự án theo mô hình PPP. Đầu tháng 2/2018, Sở Kế hoạch & Đầu tư đề xuất xếp 35 dự án thuộc nhóm ưu tiên triển khai. Trong đó, 19 dự án giải quyết ùn tắc giao thông và môi trường bức xúc dân sinh đã được thành phố báo cáo Thanh tra Chính phủ đề xuất một số cơ chế đặc thù để triển khai sớm. 9 dự án địa phương đã đủ quỹ đất thanh toán. 51 dự án còn lại không thuộc danh mục các dự án trọng điểm, cấp bách ưu tiên triển khai.
|
Một tuyến đường tại Hà Nội được xây dựng theo hình thức BT. Ảnh:Bá Đô |
Cơ quan này cho biết, bên cạnh những vướng mắc về quy định pháp luật còn vấn đề thu xếp quỹ đất thanh toán cho các dự án. Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư, tổng diện tích đối ứng dự kiến là 8.858,5 ha, tiền sử dụng đất tạm tính xấp xỉ 119.000 tỷ đồng. Đất đối ứng chủ yếu nằm ở các khu vực ngoại thành như huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Thanh Oai. Tuy nhiên, cơ quan này cho biết những con số trên mới đáp ứng khoảng 44% nhu cầu, trong đó, riêng nhóm 35 dự án ưu tiên mới đáp ứng được chưa đầy một nửa.
Đa số các dự án PPP trên địa bàn theo hình thức hợp đồng BT nên việc quỹ đất thanh toán không đáp ứng, đặc biệt với nhóm các dự án ưu tiên, sẽ gây mất cân đối trong khả năng thanh toán cho nhà đầu tư. Điều này có thể dẫn đến tình trạng kéo dài quá trình triển khai thủ tục đầu tư, không đảm bảo tiến độ trong giai đoạn 2016-2020, không giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc dân sinh.
Để giải quyết, Sở kiến nghị trước hết các cấp chính quyền, sở ngành hướng dẫn nhà đầu tư hoàn thiện hồ sơ đề xuất hoàn thiện trước ngày 30/8. Quá hạn chưa trình thẩm định thì Sở Kế hoạch & Đầu tư sẽ rà soát, trình thẩm định tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Sở Quy hoạch & Kiến trúc cũng cần phối hợp với Sở Tài nguyên & Môi trường rà soát, giới thiệu quỹ đất thanh toán cho các dự án, tính tiền sử dụng đất theo chỉ đạo của thành phố.
Đối với 51 dự án không phải trọng điểm, cấp bách ưu tiên triển khai và chưa cân đối đủ quỹ đất đối ứng, Sở đề xuất sẽ kiểm tra, rà soát, báo cáo UBND thành phố chỉ đạo từng trường hợp cụ thể.
Theo Sở Kế hoạch & Đầu tư, nếu sớm giải quyết được những khó khăn, vướng mắc nói trên, dự kiến đến năm 2020 thành phố có 17 dự án PPP hoàn thành, 12 dự án đang triển khai và 15 dự án đã phê duyệt được công bố đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Mới đây Bộ Tài chính có công văn đề nghị UBND TP Hà Nội rà soát việc chấp thuận chủ trương sử dụng tài sản công (quỹ đất) để thanh toán cho nhà đầu tư. Theo lý giải, cơ quan này đã có đề nghị Chính phủ dừng xem xét, quyết định sử dụng tài sản công để thanh toán cho nhà đầu tư từ ngày 1/1/2018 cho đến khi nghị định về vấn đề này có hiệu lực thi hành.