Hà Nội lập 5 đội cơ động chống dịch cúm A/H7N9

Chậm nhất 30 phút kể từ khi nhận lệnh, các thành viên của các đội phải lên đường đến xử lý các ổ dịch, đồng thời phối hợp nhịp nhàng với các tuyến. Các đội còn có nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn triển khai các kỹ thuật chuyên môn về chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm khi có dịch. Đội được trang bị các phương tiện phòng hộ, cứu thương, thuốc, dịch truyền và các thiết bị cần thiết để phục vụ, cứu chữa bệnh nhân.

[links()]Nhằm phòng chống dịch cúm A/H7N9, ngành Y tế Hà Nội thành lập 5 đội cơ động phòng chống dịch, túc trực 24/24 giờ.

Theo đó, chậm nhất 30 phút kể từ khi nhận lệnh, các thành viên của các đội cơ động phải lên đường đến xử lý các ổ dịch, đồng thời phối hợp nhịp nhàng với các tuyến.

Các đội cơ động còn có nhiệm vụ hỗ trợ, hướng dẫn triển khai các kỹ thuật chuyên môn về chẩn đoán, điều trị và phòng lây nhiễm khi có dịch. Đội được trang bị các phương tiện phòng hộ, cứu thương, thuốc, dịch truyền và các thiết bị cần thiết để phục vụ, cứu chữa bệnh nhân.

Hiện nay, các bệnh viện trên địa bàn sẵn sàng tiếp nhận, điều trị bệnh nhân cúm A/H7N9.

Nhân viên tại Sân bay quốc tế Nội Bài theo dõi thân nhiệt hành khách bằng máy đo tia hồng ngoại.
Nhân viên tại Sân bay quốc tế Nội Bài theo dõi thân nhiệt hành khách bằng máy đo tia hồng ngoại.

Là bệnh viện đầu ngành của Hà Nội điều trị các bệnh truyền nhiễm, trong đó có cúm A/H7N9, Bệnh viện Đống Đa đã xây dựng và tích cực triển khai kế hoạch phòng chống dịch nhằm phát hiện sớm các ca bệnh nghi ngờ, phối hợp với hệ thống giám sát dịch tễ xác định ca bệnh đầu tiên để tổ chức cách ly, khoanh vùng và xử lý ổ dịch; thành lập Ban chỉ đạo phòng chống dịch, đội phòng chống dịch lưu động; phân công bảo đảm chế độ trực chuyên môn, trực phòng chống dịch 24/24 giờ.

Bệnh viện Bắc Thăng Long phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Y tế Dự phòng Hà Nội, Trung tâm Y tế huyện Đông Anh giám sát và lấy mẫu bệnh phẩm khi có ca bệnh nghi ngờ để cách ly, khoanh vùng, xử lý ổ dịch.

Hiện Bệnh viện bố trí khu cách ly riêng, 2 máy thở, 2 máy truyền dịch, 1 máy X quang di động và một số trang thiết bị y tế cần thiết phục vụ công tác cấp cứu và sẵn sàng tiếp nhận điều trị bệnh nhân nhiễm cúm.

Tại cửa khẩu Sân bay Nội Bài, Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế cũng đã bố trí 2 máy đo thân nhiệt hồng ngoại và 2 phòng cách ly đặt tại Sân bay để đo thân nhiệt cho tất cả khách nhập cảnh.

Trong trường hợp phát hiện khách qua cửa khẩu sốt hoặc có biểu hiện cúm, nhân viên y tế sẽ khám sàng lọc, cách ly những trường hợp nghi ngờ nhiễm cúm A/H7N9, cúm A/H5N1 hoặc chuyển bệnh nhân đến các bệnh viện được quy định để điều trị.

Lực lượng cấp cứu của Trung tâm vận chuyển cấp cứu 115 Hà Nội được huy động thường trực tại sân bay 24/24 giờ hỗ trợ vận chuyển cấp cứu khi phát hiện bệnh nhân.

Tiến sỹ Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội lưu ý các đơn vị không được chủ quan trong công tác phòng chống dịch cúm A/H7N9. Mặc dù, Việt Nam chưa phát hiện trường hợp nhiễm virus cúm A/H7N9 nhưng nguy cơ lây lan rất cao.

Theo TTXVN