Hà Nội - “mỏ vàng” cảm hứng cho thi ca, điện ảnh

(PLVN) - Hà Nội là nguồn cảm hứng chưa bao giờ vơi cạn với nghệ thuật. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng, những tác phẩm điện ảnh, âm nhạc hay nhất về Hà Nội đã nằm ở những thập niên trước. Giờ đây, chúng ta đang thiếu những tác phẩm nghệ thuật có tầm vóc về Thủ đô xinh đẹp.
Liveshow “Hà Nội riêng tôi” của ca sĩ Vũ Thắng Lợi là một “bữa tiệc âm nhạc” cho những người yêu Hà Nội. (Ảnh: BTC)

Âm nhạc về Hà Nội: Còn nhiều tiềm năng cần khai phá

Hà Nội từ lâu đã trở thành nguồn cảm hứng, thành đề tài bất tận cho các nhạc sĩ. Trong kháng chiến, có những ca khúc bất hủ như “Người Hà Nội” của “Nguyễn Đình Thi” (1947), “Tiến về Hà Nội” của Văn Cao (1949), “Hà Nội niềm tin và hy vọng” của Phan Nhân... Ở thời bình, lại có hàng loạt ca khúc về mảnh đất Thăng Long ra đời, làm say lòng công chúng: “Có phải em mùa thu Hà Nội” (Trần Quang Lộc), “Hà Nội mùa thu” (Vũ Thanh), “Nhớ về Hà Nội” (Hoàng Hiệp), “Hà Nội mùa thu” (Trịnh Công Sơn), “Hà Nội đêm trở gió” (Trọng Đài), “Hà Nội mùa vắng những cơn mưa” (Trương Quý Hải), “Hoa sữa” (Hồng Đăng)...

Hà Nội cũng là vùng đất đặc biệt, nơi sản sinh ra những người nghệ sĩ đậm chất Hà Nội, trở thành “nhạc sĩ của Hà Nội” bởi “gia tài” ca khúc về Thủ đô đã trở thành bất hủ. Có thể kể đến nhạc sĩ Phú Quang, một nhạc sĩ “vẽ” nên một Hà Nội rất riêng trong ca khúc của mình. “Em ơi Hà Nội phố”, “Im lặng đêm Hà Nội”, “Mơ về nơi xa lắm”, “Hà Nội ngày trở về”... của Phú Quang như đưa người ta chìm vào những bức tranh Hà Nội cổ xưa, trầm mặc, bảng lảng sương giăng đầy xúc cảm. Là nỗi nhớ nhung của một người con xa xứ lòng vẫn đau đáu hướng về Hà Nội.

Với “kẻ du ca” Trần Tiến, Hà Nội không lãng đãng mà “đời” hơn, sống động hơn. Trong hàng loạt bài hát của Trần Tiến như “Ngẫu hứng phố”, “Phố nghèo”, “Hà Nội ngày ấy”, hiện ra một Hà Nội lãng mạn trong sự bụi bặm, trong cái chân thực của đời sống va đập vào tâm hồn. Một Hà Nội rất nghèo mà cũng rất giàu.

Sau một “thế hệ vàng” đã sáng tác nên những ca khúc bất hủ về Hà Nội, những nhạc sĩ trẻ thế hệ 8x, 9x sau này không ít người đem tình yêu Hà Nội vào âm nhạc. Các sáng tác về Hà Nội những năm qua mang âm hưởng rất trẻ, mới mẻ và thú vị. Đinh Mạnh Ninh có “Hà Nội mùa lá bay” dịu dàng mà rộn ràng của Dương Trường Giang, “Hà Nội 12 mùa hoa lãng mạn” nhưng đầy sức sống trong âm nhạc Giáng Son, “Gọi tôi Hà Nội” của Trịnh Minh Hiền như một “cuộc du hành” nho nhỏ qua phố phường Hà Nội với nhiều kí ức xưa - nay... Hà Nội còn có mặt trong các ca khúc “rap”, thể loại âm nhạc “thời thượng” của giới trẻ ngày nay với rất nhiều sức sống: “Người Hà Nội” của nhóm FOSent, “Hà Nội đây rồi” (Richchoi), “Hà Nội xịn” (LK)...

Cuối năm 2022, khán giả âm nhạc được thỏa lòng yêu Hà Nội với Liveshow “Hà Nội riêng tôi” của ca sĩ Vũ Thắng Lợi. Liveshow là một “bữa tiệc âm nhạc” về Hà Nội với rất nhiều ca khúc hay với nhiều phong cách khác nhau, nằm trong một mạch truyện về Thủ đô ngàn năm văn hiến. Liveshow được mở màn với bài hát hát “Truyền thuyết Hồ Gươm” (Hoàng Phúc Thắng) và “Tình yêu Hà Nội” (Hoàng Vân) như một cách dẫn chuyện đầy ý tứ, để rồi tiếp tục đưa khán giả đến với Hà Nội của kí ức trong những ca khúc đầy hoài niệm được sáng tác từ rất lâu, như “Sẽ về Thủ đô” (Huy Du), “Hà Nội và tôi” (Lê Vinh) thật cảm động, “Hà Nội ngày chia xa” (Hữu Xuân - Lê Kim Thanh); “Hà Nội ngày ấy” (Trần Tiến), “Em ơi Hà Nội phố”, “Tôi muốn mang Hồ Gươm đi” (Phú Quang), “Ngày về” (Hoàng Giác)...

Trả lời báo chí, ông Trịnh Sinh Nha, Tổng Giám đốc Công ty Hồ Gươm Audio, một trong những đơn vị hàng đầu về bản quyền thu âm đã chia sẻ, đến nay, các ca khúc về Hà Nội vẫn có chỗ đứng đặc biệt trong lòng người nghe. Trong hơn 2.500 ca khúc đã được Hồ Gươm Audio đăng ký bản quyền, có tới hàng trăm bài về Hà Nội. Ngoài ra còn có hàng nghìn ca khúc về Hà Nội đã được sáng tác, phát hành ở các kênh âm nhạc khác nhau. Hà Nội vẫn là một nguồn cảm hứng, một tiềm năng lớn đối với các nghệ sĩ trẻ hiện nay, bởi lòng yêu thích, mộ điệu của khán giả đối với Hà Nội.

Một Hà Nội đẹp sâu lắng qua những thước phim

Từ sau Thống nhất cho đến những năm đổi mới, nền điện ảnh nước ta đã có một “kho tàng” tác phẩm về Hà Nội rất chất lượng, ghi dấu ấn không phai trong lòng công chúng. Có thể kể đến “Em bé Hà Nội” (1974), “Sao tháng Tám” (1976), “Hà Nội mùa chim làm tổ” (1981), “Điện Biên Phủ” (1992), Cạnh đó, còn có các phim tài liệu gây tiếng vang như: “Tiếp quản Thủ đô” (1954), “Phong cảnh Hà Nội” (1958), “Hà Nội tháng 5” (1967), “Một ngày Hà Nội” (1967), “Xuân nào vui hơn” (1976), “Mùa xuân thống nhất” (1976), “Bài ca dâng Bác” (1978), “Hoa Tết Hà Nội” (1980), “Hà Nội trong mắt ai” (1983)…

Phim “Hoa nhài” là bộ phim mới về Hà Nội, được nhiều khán giả yêu thích. (Ảnh: BTC)

Thập niên 2000 trở về sau, tác phẩm điện ảnh Việt Nam về Hà Nội có “Mùa ổi” (2000), “Hà Nội 12 ngày đêm” (2002), “Hà Nội - Hà Nội” (2006), “Những người kể chuyện phố cổ” (2020)... Mới đây nhất, điện ảnh Việt có “Hoa nhài”, bộ phim truyện điện ảnh mới nhất của đạo diễn, NSND Ðặng Nhật Minh. Phim đã đại diện điện ảnh Việt Nam dự tranh giải Liên hoan Phim quốc tế Hà Nội lần thứ VI. Như cái tên của mình, “Hoa nhài” là một bộ phim đem lại những góc nhìn dung dị về một Hà Nội đời thường, một Hà Nội có cả những góc khuất nhưng luôn thấm đẫm cái tình của người với người. Phim được khán giả Hà Nội và cả nước yêu thích.

Một dự án điện ảnh về Hà Nội đang được quan tâm đó là dự án phim truyện “Đào, phở và piano” do Bộ VHTT&DL, Cục Điện ảnh đặt hàng Công ty CP phim truyện I sản xuất. “Đào, phở và piano” khắc họa những khoảng khắc dữ dội và hào hùng nhất trong cuộc chiến 60 ngày đêm của quân và dân Thủ đô. Với kinh phí lớn, nhà sản xuất đã dựng hẳn một phim trường đẳng cấp Hollywood. Phim mong muốn tái hiện một Hà Nội của năm 1946, một Hà Nội máu và hoa, quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Hà Nội với những con người bất khuất, kiên cường, yêu nước, không sợ hy sinh nhưng cũng đầy hào hoa, lãng mạn, sống hết mình, sống mãnh liệt, sâu sắc.

Phát biểu với báo chí, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông đã nhận định rằng, chúng ta có một Hà Nội nhiều màu sắc, chứa trong lòng mình rất nhiều vẻ đẹp thiên nhiên, con người, di sản văn hóa... Nhìn lại Hà Nội qua góc những thước phim là một cách để phát hiện, thể hiện, quảng bá bản sắc văn hóa Thăng Long - Hà Nội, trong đó, tác động mạnh đến việc các đoàn làm phim trong nước cũng như nước ngoài chọn Hà Nội làm bối cảnh cho tác phẩm điện ảnh của mình.

Có thể nhận thấy, các tác phẩm âm nhạc và điện ảnh về Hà Nội trong thập niên qua đã có sự kế thừa những tinh hoa của một thời vàng son của điện ảnh Việt. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận một cách thực tế, thì so với “kỉ nguyên vàng” của âm nhạc và điện ảnh Việt, những bài hát, bộ phim về Hà Nội của những thập niên về sau vẫn chưa thể sánh bằng. Chúng ta vẫn còn thiếu đi những tác phẩm lớn, có giá trị, để lại dấu ấn sâu sắc cho nền âm nhạc, điện ảnh, trường tồn qua nhiều thế hệ.

Cạnh đó, như đã nói, vẻ đẹp sâu lắng, những câu chuyện trong lòng Hà Nội, từ kí ức đến hiện đại vẫn là nguồn cảm hứng, chất liệu vô tận cho các tác phẩm điện ảnh, âm nhạc đương đại. Điện ảnh và âm nhạc Việt hiện nay dường như chỉ đang khai thác một khía cạnh, một phần nhỏ những thứ làm nên hồn cốt đất kinh kì. Còn rất nhiều điều đẹp đẽ mà nếu đi sâu vào khác thác, sẽ là một “mỏ vàng”.

Tuy nhiên, để thị trường âm nhạc và điện ảnh khai thác hết tiềm năng của “mỏ vàng” này, cần nhiều hơn nữa sự đầu tư, khuyến khích những người làm nghệ thuật. Có thể thấy, cách đây khá lâu, cuộc thi sáng tác hưởng ứng 1000 năm Thăng Long – Hà Nội đã góp phần cho ra đời nhiều tác phẩm âm nhạc, điện ảnh nói riêng và nghệ thuật nói chung rất đặc sắc, có giá trị. Hay như bộ phim truyện “Đào, phở và piano” được đầu tư chỉn chu, quy mô lớn, được khán giả mong đợi, cũng đến tự sự đặt hàng của đơn vị nhà nước.

Chất liệu đã có, nhưng rất cần sự “đánh thức”, để Hà Nội lại một lần nữa tỏa sáng trong thi ca, trong nghệ thuật thứ 7. Và cũng thông qua các tác phẩm âm nhạc, điện ảnh, Hà Nội càng được quảng bá rộng rãi, thu hút du khách gần xa, trong và ngoài nước.