Hà Nội: Nhà “rách” dân vá bằng “chuồng cọp”

(PLO) - Sống ngay giữa lòng thủ đô Hà Nội nhưng người dân sinh sống tại khu tập thể dệt 8-3 trên địa bàn quận Thanh Xuân đang phải  sinh hoạt trong điều kiện hết sức chật chội với cơ sở hạ tầng đã xuống cấp nghiêm trọng. Với tuổi thọ hơn 50 năm, khu tập thể già nua này đang tiềm ẩn những mối nguy hiểm khôn lường.
Hà Nội: Nhà “rách” dân vá bằng “chuồng cọp”

Nhà “rách”

Những ai đã đến khu tập thể dệt  8-3 đều không khỏi bàng hoàng về sự xuống cấp nghiêm trọng của những căn hộ nơi đây.  Trần của những căn hộ tại chân cầu thang dãy nhà A2, A3, B3, B6 khu tập thể nhà máy 8-3 xuất hiện những vết nứt lớn theo mối ghép các mảng bê tông. Những mảng vữa kèm theo cát vẫn rơi xuống hàng ngày. Lan can các tầng  4,5 tại dãy nhà B6, A3 cũng bị nứt, sụt, những mảng bê tông đứt gãy, lặc lìa làm lộ rõ cả những thanh thép hoen rỉ lâu năm. Nhiều đoạn tường bị thấm nước trong tình trạng cây cỏ và rêu bám quanh năm.
Trần nhà vệ sinh tầng 3 dãy nhà A1.
Trần nhà vệ sinh tầng 3 dãy nhà A1. 
Không chỉ điều kiện sống chật chội, mật độ nhân khẩu cao, hệ thống điện nước đều xuống cấp trầm trọng, ở đây cũng không được trang bị hệ thống cảnh báo chống cháy. Tại các dãy nhà cũng không hề có các hộp cứu hỏa khẩn cấp.
Điều khiến khách ám ảnh nhất khi tới khu nhà này là hệ thống nhà vệ sinh. Tất cả nhà vệ sinh đều không đạt yêu cầu vệ sinh tối thiểu và đang trong tình trạng xuống cấp, hư  hại nặng. Thứ mùi ngai ngái, khai nồng của nhà vệ sinh, kết hợp với mùi than tổ ong, tạo thành một thứ mùi đặc trưng rất khó chịu của khu nhà.
Những cái bẫy chết người lơ lửng trên cao
Những cái bẫy chết người lơ lửng trên cao 

Tại nhà vệ sinh tầng 2,3,4 của dãy  nhà A5, A6, những cánh cửa sổ thông gió bị cong vênh, mục gãy vẫn lủng lẳng những tấm kính lớn nứt vỡ. Điều đáng nói là ngay phía dưới là đường dân sinh. Hàng ngày vẫn có hàng trăm lượt người đi lại dưới những tấm kính treo lủng lẳng trên đầu mà không hề hay biết. Chuyện gì sẽ xảy ra nếu như có mưa lớn hoặc gió to, chưa ai lường đoán trước được.

Bà Nguyễn Thị H, 78 tuổi, một cựu công nhân nhà máy Dệt 8/3 sinh sống tại tầng 2 khu nhà A3 đã 50 năm qua. Mặc dù trần nhà đã xuất hiện những vết nứt nẻ ngang dọc theo mối các mảnh ghép bê tông từ cách đây rất lâu, nhưng vì kinh tế khó khăn, gia đình bà vẫn chưa thể thuê người sửa lại. Hàng ngày ở nhà trông cháu, nhưng bà vẫn lo ngay ngáy vì cát trên trần cứ rơi xuống đứa cháu đang nằm chơi.

Còn bà Dương Thị B, sống tại tầng 5 dãy nhà B6 cho biết, gia đình bà đã sửa sang, ốp tường, lát lại gạch, lắp hệ thống điều hòa, tuy nhiên vẫn phải chung sống với tình trạng dột vào mùa mưa vì mái ngói đã quá cũ và không được tu sửa hàng năm.

Đua nhau “nuôi cọp”

Vì điều kiện ăn ở chật chội, hầu hết các gia đình ở đây đều đeo thêm “chuồng cọp” để cơi nới diện tích sinh hoạt. Theo qua sát của chúng tôi, không chỉ có tầng thấp mà những gia đình sống trên tầng 4,5 cũng cơi nới. Diện tích mỗi “chuồng cọp” khoảng từ 3 đến 6 mét vuông.
Người dân cơi nới bằng mọi loại vật liệu
Người dân cơi nới bằng mọi loại vật liệu 

Vật liệu để làm rất thô sơ, với những thanh xà thép, tôn hoặc nhựa thậm chí nhiều gia đình còn sử dụng cả tre và phên cót ép. Ngoài dùng làm nơi nấu nướng, phơi áo quần, nhiều hộ còn làm nơi để ngủ.

Nghị định 121/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động xây dựng; kinh doanh bất động sản; khai thác, sản xuất, kinh doanh vật liệu xây dựng; quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật; quản lý phát triển nhà ở và công sở, quy định: Nếu tự ý cơi nới, xây “chuồng cọp”, chiếm dụng diện tích... làm thay đổi kiến trúc bên ngoài của nhà chung cư thì chủ hộ sẽ bị phạt tiền đến 60 triệu đồng.

Hầu hết người dân ở đây biết về quy định này, nhưng do điều kiện diện tích sinh hoạt quá nhỏ so với số nhân khẩu nên đa phần nhà nào cũng “nuôi cọp”./.

Đọc thêm