Hà Nội: Nhiều xưởng tái chế nhựa gây ô nhiễm môi trường tại xã Tiên Dược

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hiện nay tình trạng ô nhiễm môi trường không khí, môi trường nước do hoạt động tái chế nhựa không có các biện pháp kỹ thuật đảm bảo về môi trường tại xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn gây ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt và sức khỏe của người dân xung quanh.  
Trụ sở Công ty Công ty Cổ phần sản xuất Bao bì và Xuất nhập khẩu Thanh Long
Trụ sở Công ty Công ty Cổ phần sản xuất Bao bì và Xuất nhập khẩu Thanh Long

Những năm qua, nhiều cơ sở tạo hạt nhựa xây dựng trên đất nông nghiệp, gây ô nhiễm môi trường tại xã Tiên Dược đã bị cơ quan chức năng huyện Sóc Sơn cưỡng chế. Tuy nhiên, ngay sau đó, một số cơ sở này lại chuyển máy móc, thiết bị vào hẳn khu dân cư để hoạt động.

Theo một số người dân xóm Dược Hạ, xã Tiên Dược cho biết, các cơ sở sản xuất nhựa này hoạt động bất kể ngày đêm gây tiếng ồn lớn và xả khói; nước thải trực tiếp ra môi trường khiến ô nhiễm không khí, ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt của nhân dân sinh sống liền kề.

Cũng theo một số người dân địa phương, để tránh sự chú ý, những cơ sở này thường đốt rác vào ban đêm, nên không khí vào thời điểm này vô cùng ngột ngạt.

“Trong một, hai năm trở lại đây xóm Dược Hạ có không ít gia đình có người thân ốm đau, mắc bệnh liên quan đến nguồn nước sinh hoạt và môi trường không khí. Nếu tình trạng hoạt động trái phép của một số nhà xưởng, công ty tái chế nhựa tại đây không được chính quyền ngăn chặn, kiểm soát và xử lý thì chúng tôi rất lo ngại về sức khỏe”, một người dân nói.

Theo một số người dân địa phương cho biết, gần 20 năm nay, hàng chục hộ dân tại xã Tiên Dược và khu vực lân cận phải sống chung với ô nhiễm môi trường do hoạt động của những cơ sở sản xuất tái chế hạt nhựa gây ra. Các cơ sở này hoạt động từ những năm 2004 và tập trung chủ yếu ở thôn Dược Hạ.

“Trước đây, cả thôn có mấy chục hộ theo nghề này, nhưng do ô nhiễm môi trường và việc nhà xưởng xây dựng trên đất nông nghiệp nên đã bị UBND huyện Sóc Sơn cưỡng chế nên nhiều hộ bỏ nghề còn một số cơ sở tồn tại như hiện nay phải có thân quen với cán bộ nào đó tại địa phương”, một số người dân cho biết.

“Chúng tôi đã nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, thậm chí phải nhắn tin, gọi điện cho ông Chủ tịch huyện giữa đêm bởi không thể chịu đựng được ô nhiễm nhưng chẳng hiểu sao thực trạng không có gì thay đổi, loạt cơ sở này vẫn vô tư ngày đêm đầu độc chúng tôi”, ông N.N đại diện người dân xóm Hạ cho biết.

Theo tìm hiểu của phóng viên, từ đầu tháng 12/2016, thực hiện chỉ đạo của UBND huyện Sóc Sơn, UBND xã Tiên Dược đã tổ chức cưỡng chế 27/27 cơ sở sản xuất gioăng kính, nhựa tái chế hoạt động trên đất nông nghiệp.

Cơ sở sản xuất hạt nhựa của gia đình bà Trịnh Thị Thắm hoạt động bất chấp giãn cách xã hộiCơ sở sản xuất hạt nhựa của gia đình bà Trịnh Thị Thắm hoạt động bất chấp giãn cách xã hội

Nhưng ngay sau thời gian bị cưỡng chế, một số hộ lại chuyển máy về khu vực dân cư tại thôn Dược Hạ để sản xuất nhựa tái chế. Chính điều này đã làm cho môi trường sống của người dân xung quanh bị “đầu độc” bởi ô nhiễm không khí, nguồn nước và tiếng ồn.

“Trước đây các cơ sở này chỉ đốt bao tải xi măng nhưng bây giờ cứ thứ gì tạo ra được nhựa là họ đốt hết, thậm chí cả bỉm của trẻ em. Các cơ sở này đều không đảm bảo quy định luật bảo vệ môi trường, không có đánh giá tác động môi trường, cũng như không có bất kỳ hệ thống xử lý chất thải, nước thải”, ông N.N nói thêm.

Đáng nói, một số cơ sở tại đây không chỉ hoạt động trái phép trong những điều kiện bình thường mà ngay trong thời gian này Hà Nội đang thực hiện việc giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Chính phủ, vẫn có một số cơ sở ngang nhiên hoạt động, trong đó có cơ sở sản xuất hạt nhựa của gia đình bà Trịnh Thị Thắm.

Theo một số người dân phản ánh, ngày 4/9/2021 tại cơ sở của bà Trịnh Thị Thắm thuộc thôn Dược Hạ, xã Tiên Dược vẫn có 5 công nhân hoạt động bình thường, bất chấp trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.

Được biết, UBND huyện Sóc Sơn đã có chỉ đạo, yêu cầu chính quyền xã giám sát các cơ sở, doanh nghiệp trên địa bàn dừng hoạt động để chống dịch.

Theo đó, cơ sở tái chế nhựa của gia đình bà Trịnh Thị Thắm không được UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt kế hoạch sản xuất trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 17/CT-UBND ngày 23/7/2021.

Cách cơ sở của bà Thắm không xa là các cơ sở của Công ty Cổ phần sản xuất Bao bì và Xuất nhập khẩu Thanh Long và một kho xưởng hoạt động chui có dấu hiệu hoạt động trái phép và có hiện tượng tập kết phế thải, rác thải gây ô nhiễm môi trường không khí, môi trường sống nghiêm trọng nhưng không được chính quyền địa phương kiểm tra, xử lý.

Trước những vấn đề nhức nhối về môi trường và bất chấp pháp luật ngang nhiên hoạt động trái phép giữa mùa dịch cho thấy sự quản lý lỏng lẻo của chính quyền địa phương xã Tiên Dược và thiếu trách nhiệm chỉ đạo công tác kiểm tra, xử lý của UBND xã.

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Đọc thêm