Hà Nội: nhóm “siêu trộm” xe máy hầu tòa

(PLO) - Khi đang chuẩn bị ăn trộm chiếc xe máy Airblade dựng trên đường chùa Láng thì Cương bị người dân phát hiện và dẫn đến CQĐT trình báo. Từ đó, đường dây trộm cắp, tiêu thụ xe gian trên địa bàn Thủ đô dần dần được hé lộ….
Các bị cáo trước vành móng ngựa.
Theo cáo trạng, khoảng 9h30 ngày 5/3/2014, Lương Ngọc Thanh (SN 1984, ở phố Cầu Đất, thị trấn Thanh Sơn, Thanh Sơn, Phú Thọ) đi xe máy đến nhà Phạm Đức Cương (SN 1985, trú ở thị trấn Đông Chiều, huyện Đông Chiều, Quảng Ninh) rủ đi ăn trộm xe máy và được Cương đồng ý. Sau đó, Cương mang theo một bộ vam phá khóa các loại để trong cốp xe rồi để Thanh chở đi.
Cả hai đi đến ngõ 84 chùa Láng, Láng Thượng, Đống Đa, Hà Nội cả hai phát hiện chiếc xe Airblade màu trắng không có người trông giữ nên Cương bảo Thanh đứng ngoài cảnh giới còn mình vào trong phá khóa. Sau đó, thấy cổ xe không khóa Cương nhanh chóng dắt xe máy ra ngoài.
Khi dắt xe được khoảng 1 mét, Cương định nổ máy bỏ chạy thì bị người dân bắt giữ đưa về Công an phường Láng Thượng trình báo. Thanh đứng ngoài nhìn thấy nhanh chóng phóng xe về nhà.
Tại CQĐT, Cương khai nhận, trong khoảng thời gian từ ngày 18/3/2013 đến lúc bị bắt hắn đã chuẩn bị dụng cụ, phương tiện là xe máy và các loại vam phá khóa của nhiều loại xe máy để đi trộm cắp. Sau đó, Cương rủ Thanh đi cùng và giao nhiệm vụ cho Thanh chở hắn đi. Thanh đứng phía ngoài cảnh giới để hắn thực hiện việc phá khóa, lấy xe rồi bán, cầm cố tại cửa hàng của Nguyễn Văn Quý và Vương Đình Lợi lấy tiền chia nhau ăn tiêu.
CQĐT xác định, trong số 18 vụ trộm cắp xe máy của Cương và Thanh thì tổng giá trị tài sản Cương chiếm đoạt của các bị hại là hơn 562 trệu đồng, Thanh là hơn 541 triệu đồng.
Mặt khác,  CQĐT xác định Quý và Lợi là hai đối tượng đã tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có, bản thân Quý tiêu thụ 10 xe máy với tổng giá trị là hơn 382 triệu đồng, còn Lợi tiêu thụ 1 chiếc xe máy với tổng giá trị 50 triệu đồng.
Ngày 20/4/2015, bị cáo Phạm Đức Cương và Lương Ngọc Thanh bị truy tố về tội Trộm cắp tài sản theo quy định tại điểm a Khoản 4 Điều 138 BLHS. Còn hai bị cáo Nguyễn Văn Quý (SN 1986, trú xã Tân Phú, Tân Sơn, Phú Thọ) và Vương Đình Lợi (SN 1984, ở xã Tân Ước, Thanh Oai, Hà Nội) đến hầu tòa về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có theo quy định tại điểm a Khoản 3 và Khoản 1 Điều 250 BLHS.
Chân khập khiễng tới dự phiên xử,, ông Lương Đức Rồng (bố đẻ Thanh) mặc bộ quần áo cựu chiến binh tâm sự, ông đi bộ đội từ năm 1970, đến năm 1975 ông trúng đạn của quân giặc bị trấn thương sọ não, gãy hai chân với tỉ lệ thương tật vĩnh viễn 81%. 
Kể về cuộc đời của cậu con trai, ông Rồng ngậm ngùi, trước đây Thanh thi vào trường Đại học luật nhưng không đỗ, sau đó chuyển sang học Trung cấp kế toán hơn 1 năm. Đến khi ra trường Thanh không có công ăn việc làm ổn định rồi lấy vợ sinh con, hai ông bà phải chăm lo cho cả vợ chồng Thanh cùng con nhỏ.
Lấy vợ đến năm 2008, cuộc sống vợ chồng Thanh có nhiều mâu thuẫn nên đã ly hôn. Sau đó, vợ Thanh đòi quyền nuôi con nhỏ nhưng chỉ được một thời gian lại đem con trả lại gia đình Thanh. Từ đó, Thanh trở thành “gà trống nuôi con”, là lao động chính trong gia đình.
Hôm Thanh bị bắt, ông Rồng ngã ngửa người bởi vì từ trước đến giờ Thanh là một người con tốt trong gia đình, là một công dân có đạo đức tốt, sống chan hòa với mọi người. Còn mẹ Thanh ở nhà trông cháu, một mình ông Rồng phải lê đôi chân đi thu thập hồ sơ, tài liệu, vay mượn tiền nong để đến dự Tòa.
Đồng cảm với ông Rồng, luật sư Nguyễn Hoàng Trung – Trưởng văn phòng luật sư Hoàng Trung và Anh Em thuộc đoàn luật sư TP Hà Nội đến dự phiên tòa bào chữa cho bị cáo Thanh đưa ra quan điểm.
Vai trò của bị cáo Thanh trong vụ án này chỉ là đồng phạm giúp sức, không giữ vai trò tổ chức và thực hiện trực tiếp. Đồng thời, trong quá trình điều tra cũng như tại tòa, bị cáo Thanh luôn thể hiện việc thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, nhân thân tốt.
Bản thân không làm gì ra tiền nên Thanh bị áp lực tài chính, bị cáo có bố mẹ là những người con ưu tú, đã tham gia chiến đấu hi sinh cho Tổ quốc, gia đình bị cáo lại là gia đình chính sách kiểu mẫu, bố mẹ bị cáo được trao tặng huân chương kháng chiến hạng nhì. 
Hiện tại, gia đình bị cáo có hoàn cảnh kinh tế rất khó khăn, bố mẹ đều là thương bệnh binh không còn đủ sức khỏe lao động, không những vậy Thanh lại phải nuôi con nhỏ. Tất cả đều là các tình tiết giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.
Sau khi xem xét toàn diện nội dung vụ án, HĐXX đã quyết định tuyên phạt bị cáo Cương 14 năm tù, bị cáo Thanh 12 năm tù, bị cáo Quý 6 năm 6 tháng tù và bị cáo Lợi 20 tháng tù theo đúng tội danh bị đưa ra truy tố.
Tiễn con ra chiếc xe chở phạm nhân, ông Rồng chỉ biết khuyên con cố gắng cải tạo tốt để nhanh chóng trở về đoàn tụ với gia đình và chăm nuôi con nhỏ./.

Đọc thêm