Thiết thực nâng cao chất lượng cuộc sống Nhân dân Thủ đô
Phát biểu tại buổi Lễ phát động ra quân khám sức khỏe toàn dân của huyện Mê Linh, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn - Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội - nhấn mạnh, đây là hoạt động rất thiết thực và ý nghĩa, nhằm cụ thể hoá các nội dung, mục tiêu, chỉ tiêu của Chương trình 08-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống nhân dân Thủ đô, giai đoạn 2021-2025”.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cho biết, trong những năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ và các cấp, các ngành của TP rất quan tâm, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện tốt công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của nhân dân.
TP xác định đây là nhiệm vụ trọng tâm, là yêu cầu cấp thiết để đảm bảo sự phát triển bền vững, tiến bộ, công bằng xã hội, thể hiện truyền thống nhân ái, cao đẹp của dân tộc ta.
Xuất phát từ ý nghĩa đó, Thành ủy Hà Nội khoá XVII đã ban hành 10 Chương trình công tác, trong đó, có Chương trình số 08-CTr/TU về “Phát triển hệ thống an sinh xã hội, nâng cao phúc lợi xã hội, chất lượng cuộc sống Nhân dân Thủ đô, giai đoạn 2021-2025” với 27 chỉ tiêu, 12 nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp trọng tâm, có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, liên quan trực tiếp đến cuộc sống của nhân dân Thủ đô.
Đến nay, sau nửa nhiệm kỳ Đại hội, việc triển khai, thực hiện Chương trình số 08-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, góp phần đảm bảo an sinh xã hội, nhất là trong bối cảnh TP và cả nước bị ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 tác động rất lớn đến phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của Nhân dân.
Đã có 14/27 chỉ tiêu của Chương trình 08-CTr/TU đã được hoàn thành sớm trước 2 năm theo kế hoạch cả nhiệm kỳ, trong đó có nhiều chỉ tiêu rất quan trọng như tỷ lệ hộ nghèo, giải quyết việc làm, tỷ lệ thất nghiệp.
Nhiều cơ chế, chính sách đặc thù của TP Hà Nội đã được ban hành để kịp thời phục vụ công tác phòng, chống dịch, chăm sóc sức khoẻ, hỗ trợ người dân, những đối tượng có hoàn cảnh khó khăn; hỗ trợ doanh nghiệp, người lao động chịu ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cũng nhấn mạnh, theo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành uỷ Hà Nội, có 3 chỉ tiêu rất quan trọng, đó là đến năm 2025, TP có 15 bác sĩ/1 vạn dân; 30 đến 35 giường bệnh/1 vạn dân; 100% người dân được quản lý sức khoẻ.
Theo tổng hợp của Ban Chỉ đạo Chương trình, kết quả đến nay, TP mới chỉ đạt 13,7 bác sĩ/1 vạn dân; 28,5 giường bệnh/1vạn dân; chất lượng công tác y tế chủ yếu tập trung ở các quận nội thành; đối với các huyện ngoại thành, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe nhân dân còn những hạn chế, bất cập nhất định.
“Đây là những chỉ tiêu, nhiệm vụ có thể nói là khó nhất, phức tạp nhất trong số các chỉ tiêu của Chương trình số đó là đến năm 202, TP có 15 bác sĩ/1 vạn dân và các Chương trình công tác của Thành uỷ. Vì vậy, cần sự lãnh đạo, chỉ đạo, quyết liệt, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong triển khai, thực hiện. Xuất phát từ ý nghĩa đó, huyện Mê Linh là một trong 3 địa phương của TP phối hợp Sở Y tế triển khai Chương trình khám, chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn”, Trưởng Ban chỉ đạo Chương trình số 08-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.
Đánh giá, rút kinh nghiệm để xem xét nhân rộng
Để chương trình khám, chăm sóc sức khoẻ nhân dân trên địa bàn huyện Mê Linh và TP đạt được hiệu quả thiết thực, ông Nguyễn Ngọc Tuấn đề nghị huyện Mê Linh tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện hiệu quả kế hoạch công tác khám, quản lý, chăm sóc sức khỏe nhân dân đảm bảo thiết thực, ý nghĩa; thu hút đông đảo nhân dân tham gia.
Quá trình thực hiện, đánh giá, rút kinh nghiệm, báo cáo Ban Chỉ đạo Chương trình 08-CTr/TU Thành ủy, Sở Y tế Hà Nội kết quả thực hiện; trên cơ sở đó, TP sẽ xem xét chỉ đạo nhân rộng mô hình này tới các địa phương trên địa bàn TP.
Chủ tịch HĐND TP Hà Nội cũng đề nghị đội ngũ cán bộ y, bác sĩ của các bệnh viện tuyến Trung ương, các bệnh viện của Hà Nội phát huy tinh thần y đức người thầy thuốc, phối hợp chặt chẽ với cấp ủy, chính quyền huyện Mê Linh tổ chức tốt công tác khám sức khỏe cho nhân dân, tư vấn điều trị kịp thời các trường hợp phát hiện bệnh, nhằm thực hiện tốt nhất công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân trên địa bàn; nâng cao chất lượng sức khỏe nhân dân.
Tham gia chương trình, người dân được khám, kiểm tra các bệnh liên quan đến huyết áp, nhịp thở, thị lực, tim mạch... |
Hoạt động khám sức khỏe cho nhân dân trên địa bàn huyện Mê Linh dc triển khai từ ngày 24/4 đến hết tháng 5/2023 với sự tham gia của hơn 400 các y, bác sĩ giỏi, có nhiều kinh nghiệm đến từ 15 bệnh viện lớn của Trung ương, TP như Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Nhiệt đới TW, Bệnh viện Medlatec, Bệnh viện Tim Hà Nội, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Bệnh viện Ung Bướu Hà Nội, Bệnh viên phổi Hà Nội, Bệnh viện Việt Nam Cu Ba, Bệnh viện Đức Giang, Bệnh viện đa khoa Xanh Pôn, Bệnh viện Thanh Nhàn…; đồng thời huy động đông đảo các tổ chức, cá nhân và gần 1.000 đoàn viên thanh niên, hội viên các đoàn thể, giáo viên, tình nguyện viên từ huyện đến cơ sở tham gia hỗ trợ.
Theo kế hoạch, huyện Mê Linh tổ chức khám, lập hồ sơ quản lý sức khoẻ cho trên 180.000 người dân (chiếm khoảng 75% dân số huyện), gồm 5 đối tượng được khám và tư vấn, quản lý sức khỏe đợt này là trẻ em dưới 5 tuổi; học sinh tiểu học, THCS, THPT; người cao tuổi, hưu trí; cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan nhà nước và người dân lao động tự do.
Tham gia chương trình, người dân được khám, kiểm tra các bệnh liên quan đến huyết áp, nhịp thở, thị lực, tim mạch, hô hấp, tiêu hóa, tiết niệu, cơ xương khớp, thần kinh, tâm thần, da liễu, vận động, tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt, mắt.
Đối với người trên 45 tuổi được kiểm tra đường huyết mao mạch và siêu âm ổ bụng tổng quát theo chỉ định của bác sĩ. Các trường hợp phát hiện bệnh lý bất thường sẽ được hỗ trợ theo dõi, điều trị hoặc hướng dẫn đến bệnh viện kiểm tra chuyên sâu.
Theo Bí thư huyện ủy Mê Linh Nguyễn Thanh Liêm, từ khi triển khai kế hoạch đến nay, toàn huyện Mê Linh đã tổ chức khám, thiết lập hồ sơ quản lý sức khoẻ điện tử cho 41.352 người dân tại các xã, thị trấn Quang Minh, Chi Đông, Kim Hoa, Thanh Lâm, Tiền Phong, Thạch Đà, Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thịnh, Chu Phan, Đại Thịnh.
Qua đó, kịp thời kiểm tra, tầm soát, phát hiện sớm các căn bệnh để tư vấn, hướng dẫn cho người dân có biện pháp theo dõi, điều trị kịp thời, đồng thời giúp cơ quan y tế có thể phân tích dữ liệu sức khoẻ trên phần mềm phục vụ công tác quản lý, bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ cho nhân dân trên địa bàn huyện.