Hà Nội: Quận Hà Đông hành xử bất thường với công viên nước Thanh Hà

(PLVN) - Xác định công viên nước Thanh Hà xây dựng “không phép” là vi phạm quy định về trật tự xây dựng, UBND quận Hà Đông đã ra quyết định buộc khắc phục hậu quả và cưỡng chế thực hiện quyết định này. Thế nhưng, thay vì tháo dỡ và di rời công trình vi phạm, UBND quận Hà Đông đã tạo nên một đống đổ nát, gây ra hậu quả còn lớn hơn việc xây dựng không phép.
Hà Nội: Quận Hà Đông hành xử bất thường với công viên nước Thanh Hà

Chủ đầu tư đề nghị tự tháo dỡ, quận Hà Đông từ chối

Công viên nước Thanh Hà do Công ty cổ phần Phát triển địa ốc Cienco5 (Cienco5 Land) xây dựng trên khu đất ký hiệu A2.2-CCĐT01, phường Phú Lương, quận Hà Đông. Đây là ô đất quy hoạch là đất công cộng mà doanh nghiệp sẽ phải bàn giao cho UBND TP Hà Nội theo hợp đồng BT.

Theo chủ đầu tư, việc xây dựng công viên này không nhằm thu lợi nhuận mà mục đích chính là tạo nơi vui chơi cho trẻ em khu vực quận Hà Đông. Tuy nhiên, sau khi công viên nước vận hành, đã có hai vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra khiến công viên phải đóng cửa và chủ đầu tư cũng quyết định dừng khai thác.

Khi kiểm tra việc xây dựng công viên nước Thanh Hà, UBND quận Hà Đông đã định đây là công trình xây dựng phải có giấy phép nhưng chủ đầu tư chưa được cấp phép. Do đó đầu năm 2019, UBND quận Hà Đông đã lập biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực trật tự xây dựng đối với chủ đầu tư.

Công viên nước Thanh Hà khi chưa bị phá hủy
 Công viên nước Thanh Hà khi chưa bị phá hủy

Ngày 25/11/2019, Đội trật tự xây dựng quận Hà Đông đã có tờ trình UBND quận ra quyết định áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả đối với Cienco 5 Land.

Ngày 27/11/2019, UBND quận đã có quyết định buộc khắc phục hậu quả. Theo đó, công ty phải tháo dỡ công viên nước Thanh Hà và phải thực hiện trong vòng 15 ngày.

Công ty Cienco5 Land cũng đã có văn bản gửi UBND quận Hà Đông thông báo việc công viên đã dừng khai thác và công ty sẽ tự tháo dỡ các hạng mục xây dựng.

Trao đổi với phóng viên, đại diện Công ty Cienco5 Land cho biết, do hai vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra tại công viên nước nên công ty cũng không muốn tiếp tục vận hành công viên mà quyết định sẽ tháo dỡ và di chuyển công viên đến địa phương khác. Khối lượng thiết bị trong công viên nước Thanh Hà rất lớn, đa phần là thiết bị lắp đặt theo thiết kế kỹ thuật nên phải có kỹ sư của nhà thầu đã lắp đặt thực hiện tháo dỡ nên không thể thực hiện tháo dỡ trong vòng 15 ngày theo yêu cầu của UBND quận Hà Đông.

Trước tình huống này, Cienco5 Land đã có văn bản gửi UBND quận Hà Đông báo cáo và đề nghị để công ty có thời gian xử lý như đã thông báo trước đó. Tuy nhiên, UBND quận Hà Đông không đồng ý.

Ngày 24/12/2019, UBND quận Hà Đông đã có quyết định cưỡng chế thực hiện quyết định buộc khắc phục hậu quả. Theo quyết định này, quận Hà Đông sẽ cưỡng chế tháo dỡ các hạng mục của công viên nước, trong đó có cả các hạng mục không bị buộc phải “khắc phục hậu quả”, như cây xanh trong trong công viên là một ví dụ.

Cưỡng chế tháo dỡ đã biến thành một vụ phá dỡ quy mô lớn

Sau khi có quyết định cưỡng chế thực hiện tháo dỡ, UBND quận Hà Đông đã giao cho UBND phường Phú Lương và các đơn vị tham mưu của quận thực hiện việc cưỡng chế.

Ngày 30/12/2019, UBND phường Phú Lương có thông báo việc cưỡng chế khắc phục hậu quả và yêu cầu Công ty Cienco5 Land phải thực hiện xong trước ngày 10/1/2020.

Tuy nhiên, với khối lượng công việc rất lớn và không có đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật của nhà thầu Trung Quốc thực hiện, việc tháo dỡ công viên nước Thanh Hà là nhiệm vụ bất khả thi đối với chủ đầu tư.

UBND quận Hà Đông dùng máy cơ giới phá hủy công viên nước Thanh Hà khi cưỡng chế tháo dỡ
 UBND quận Hà Đông dùng máy cơ giới phá hủy công viên nước Thanh Hà khi cưỡng chế tháo dỡ

Do vậy, ngày 15/1/2020, lực lượng cưỡng chế khoảng 100 người và gần chục thiết bị máy móc đã được huy động đến để thực hiện cưỡng chế tháo dỡ công viên nước Thanh Hà.

Theo đại diện Cienco5 Land, lúc lực lượng cưỡng chế đến thực hiện cưỡng chế vẫn có các nhóm thợ của Cienco5 Land đang thực hiện tháo dỡ các hạng mục đơn giản. Sau khi lực lượng cưỡng chế thực hiện nhiệm vụ, nhóm thợ đã phải dời hiện trường.

Trong 2 ngày 15 và 16/1/2020, lực lượng cưỡng chế của UBND quận Hà Đông và UBND phường Phú Lương đã sử dụng các máy móc cỡ lớn như máy múc, máy ủi đập tan hệ thống tường rào và toàn bộ các hạng mục lắp đặt tại công viên nước Thanh Hà, không có hạng mục nào còn nguyên vẹn, kể cả nhiều cây xanh trồng trong công viên nước này.

Sau khi kết thúc việc “cưỡng chế” khắc phục hậu quả của UBND quận Hà Đông, công viên nước Thanh Hà đã biến thành một đống phế liệu khổng lồ. Đến nay đã gần 3 tuần, hiện trường vụ cưỡng chế vẫn còn nguyên và đồng phế thải này vẫn chưa được di dời.

Các hạng mục xây dựng là thiết bị kỹ thuật đã không được tháo dỡ mà đã bị đập bỏ, gây thiệt hại về tài sản cho doanh nghiệp
 Các hạng mục xây dựng là thiết bị kỹ thuật đã không được tháo dỡ mà đã bị đập bỏ, gây thiệt hại về tài sản cho doanh nghiệp

Bình luận về việc cưỡng chế của UBND quận Hà Đông, một bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam sống tại địa bàn phường Phú Lương cho rằng, UBND quận thực chất là không thực hiện việc tháo dỡ công trình vi phạm, trả lại mặt bằng như cũ mà chỉ biến một công trình xây dựng thành một đống đổ nát; biến tài sản thành phế liệu. Xét cho cùng thì việc tháo dỡ đã không được thực hiện mà thực chất đây là một vụ việc phá hủy công trình xây dựng không phép.

Về phía chủ đầu tư, đại diện Công ty Cienco5 Land cho biết, sau vụ cưỡng chế của UBND quận Hà Đông, toàn bộ tài sản của Công ty trong khuôn viên khu đất này đã hư hỏng và không còn sử dụng được. Hiện nay, Công ty đã thực hiện thống kê và lập hồ sơ xác định thiệt hại về tài sản để báo cáo cơ quan có thẩm quyền.

Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam, Luật sư Lê Văn Kiên, Trưởng VPLS Ánh sáng Công ty cho biết, theo quy định tại Điều 28 và Điều 30 Luật Xử lý vi phạm hành chính thì chủ thể vi phạm phải khắc phục hậu quả bằng việc tháo dỡ công trình xây dựng không phép hoặc không đúng giấy phép.

“Việc tháo dỡ phải được hiểu là di dời công trình vi phạm khỏi khu vực vi phạm chứ không phải là phá hủy công trình vi phạm như cách UBND quận Hà Đông đã làm. Thực tế, UBND quận Hà Đông chưa di rời công trình vi phạm khỏi khu đất mà mới chỉ thực hiện xong việc phá hủy công trình vi phạm”, Luật sư Lê Văn Kiên nhấn mạnh.

Một công trình xây dựng không phép hay sai phép là vi phạm hành chính sẽ bị xử lý nhưng tài sản của tổ chức, cá nhân vi phạm vẫn được bảo vệ theo pháp luật. Việc UBND quận Hà Đông phá hủy công trình không phép và phá hủy cả tài sản hợp pháp của doanh nghiệp sẽ là một vấn đề pháp lý lớn, không dễ giải quyết.

Sau đây là một số hình ảnh của vụ cưỡng chế do UBND quận Hà Đông thực hiện

Thiết bị bị phá hủy thành phế liệu
Thiết bị bị phá hủy thành phế liệu
Cây xanh vô tội cũng bị quật đổ
Cây xanh vô tội cũng bị quật đổ
Phương tiện cơ giới hạng nặng được sử dụng để cưỡng chế
Phương tiện cơ giới hạng nặng được sử dụng để cưỡng chế
 
Một đống hoang tàn
Một đống hoang tàn
Tài sản này không thể sử dụng lại, chỉ có thể bán phế liệu
Tài sản này không thể sử dụng lại, chỉ có thể bán phế liệu

Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.

Đọc thêm