Hà Nội sẽ có cơ sở dữ liệu về hoạt động Thừa phát lại

(PLO) - Hôm qua (19/6), UBND thành phố Hà Nội đã tổ chức Hội nghị triển khai các văn bản của Trung ương và thành phố Hà Nội về thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Hà Nội.
Một Thừa phát lại đang tiến hành lập vi bằng ghi nhận hiện trạng nhà theo yêu cầu của người dân
Phó Chủ tịch UBND Hà Nội Lê Hồng Sơn, Trưởng ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại trên địa bàn thành phố Hà Nội; Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Bộ Tư pháp Nguyễn Văn Sơn cùng đại diện tất cả các sở, ban, ngành, quận, huyện của thành phố Hà Nội đã tham dự hội nghị. 
Theo Kế hoạch triển khai thực hiện thí điểm chế định Thừa phát lại đã được UBND thành phố phê duyệt, bên cạnh việc tổ chức hội nghị quán triệt chủ trương của Đảng, Nhà nước và các văn bản pháp luật có liên quan, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên sâu về Thừa phát lại, đồng thời tăng cường phối hợp, hỗ trợ trong việc triển khai thực hiện thí điểm chế định này. 
Để tạo điều kiện thuận lợi cho các Văn phòng Thừa phát lại cũng như tăng cường sự tin cậy của người dân đối với loại hình dịch vụ pháp lý mới này, Sở Tư pháp Hà Nội sẽ chủ trì xây dựng Cơ sở dữ liệu về hoạt động Thừa phát lại bao gồm việc thụ lý hồ sơ, thống kê kết quả công việc, lưu trữ, tra cứu, tổng hợp, báo cáo…, đồng thời chia sẻ cơ sở dữ liệu của Thừa phát lại với các cơ quan liên quan, tiếp nhận, tra cứu thông tin, dữ liệu của các cơ quan liên quan. 
Hiện UBND thành phố đã đề nghị Tòa án nhân dân thành phố chuyển giao, chỉ đạo TAND các quận, huyện, thị xã chuyển giao các văn bản cần tống đạt cho Thừa phát lại, phối hợp với Sở Tư pháp hướng dẫn nghiệp vụ tống đạt cho Thừa phát lại và Thư ký Thừa phát lại. Viện kiểm sát nhân dân thành phố đã được đề nghị chỉ đạo Viện kiểm sát nhân dân các quận, huyện, thị xã kiểm soát hoạt động Thừa phát lại theo quy định của pháp luật. 
UBND thành phố cũng giao các nhiệm vụ cụ thể cho Cục Thi hành án dân sự, Công an thành phố, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính, Cục Thuế thành phố, Trung tâm Đăng ký giao dịch, tài sản tại thành phố Hà Nội, Sở Thông tin và Truyền thông… cung cấp các thông tin cần thiết và có các hoạt động phối hợp, hỗ trợ cho các Văn phòng Thừa phát lại hoạt động thuận lợi và hiệu quả. 
Dự kiến, ngoài 5 Văn phòng đã được cấp phép và đi vào hoạt động, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục thành lập thêm 3 văn phòng Thừa phát lại nữa để đáp ứng một cách tốt nhất nhu cầu của nhân dân Thủ đô.
Sau khi Báo Pháp luật Việt Nam đăng tải loạt bài về nghề Thừa phát lại và các Văn phòng Thừa phát lại trên địa bàn Thủ đô, nhiều độc giả đã gọi điện tới Báo để hỏi thăm địa chỉ và thông tin về các Văn phòng Thừa phát lại.  Để đáp ứng yêu cầu của độc giả, Báo Pháp luật Việt Nam xin giới thiệu địa chỉ và số điện thoại của 5 Văn phòng Thừa phát lại đã đi vào hoạt động  trên địa bàn Thủ đô để nhân dân thuận tiện trong việc liên hệ: 
VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI BA ĐÌNH
Trưởng Văn phòng: Nguyễn Văn Lạng
Địa chỉ: số 292 phố Đội Cấn, phường Cống Vị, quận Ba Đình, Hà Nội, 
Điện thoại : 04.22320424
VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI HAI BÀ TRƯNG 
Trưởng Văn phòng: Phạm Anh Dũng
Địa chỉ: số 3, A11 Đầm Trấu, đường Nguyễn Khoái, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Điện thoại: 04.66899996; 0965128128
Website: http: thuaphatlaihaibatrung.com
VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI QUẬN HÀ ĐÔNG
Trưởng Văn phòng: Bùi Trọng Hào
Địa chỉ: B14 khu đấu giá quyền sử dụng đất Vạn Phúc, phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội (Ngã tư đường Tố Hữu - đường Vạn Phúc )
Điện thoại: 04 66583355                       
Đường dây nóng: 0919 256 838                
VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI HOÀN KIẾM
Trưởng Văn phòng: Nguyễn Toàn Thắng.
Địa chỉ : Số 08 Hàm Long, phường Phan Chu Trinh, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội
Điện thoại: 043 963 0055
VĂN PHÒNG THỪA PHÁT LẠI HÀ NỘI 
Trưởng Văn phòng: Hoàng Văn Ánh, 
Địa chỉ số: 101 phố Ngụy Như Kon Tum, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân, Hà Nội
Đường dây nóng 24/24h: 090 88 99 668
Điện thoại: 043.883.6666

Đọc thêm