Theo nhận định của các bác sĩ, số ca mắc của miền Bắc năm nay tăng nhanh, diễn biến bất thường là do khí hậu thay đổi, mưa nhiều. Sau mưa, những nơi nước đọng là điều kiện để ổ muỗi gây bệnh SXH đẻ trứng từ đó bọ gậy nở ra ngày càng nhanh và nhiều. Trong khi đó, thuốc phun chỉ giết được muỗi trưởng thành mà lứa bọ gậy mới nhiều hơn muỗi trưởng thành cũ.
Tại Hà Nội, trong tuần qua đã ghi nhận thêm gần 1.200 ca bệnh mắc SXH. Trong 2 tuần qua số bệnh nhân vào BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám do SXH tăng nhanh. Khoảng 200 người bệnh khám mỗi ngày, tăng đột ngột cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ năm ngoái, tỷ lệ nhập viện lên đến 10 - 20%, nhiều ca diễn biến nặng, phải nhập viện cấp cứu. Mỗi ngày 3 xe cấp cứu của bệnh viện vận chuyển hết công suất để luân chuyển khoảng 30 – 40 bệnh nhân mỗi ngày.
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Văn Kính - Giám đốc BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, dịch SXH tại Hà Nội đang rất căng thẳng và diễn biến phức tạp, trung bình một tuần ghi nhận thêm gần 1.200 ca bệnh. BV phải mở thêm 3 phòng khám chuyên về SXH, đồng thời phải luân chuyển bệnh nhân liên tục. Bệnh nhân đã ổn định sức khỏe sẽ được chuyển về tuyến dưới; người nào thoát sốc thì chuyển sang cơ sở 2 của BV tại Đông Anh để tiếp tục điều trị.
Theo Ths. bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng khoa Cấp cứu, BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết, từ đầu mùa dịch đến giờ, hàng ngày khoa phải xử lý từ 4 -5 ca có biến chứng. Bên cạnh đó, những ca biến chứng đặc biệt nghiêm trọng, phải nằm điều trị tại khoa nhiều ngày có khoảng hàng chục ca, trong đó đã có 2 ca tử vong.
Gần đây nhất là trường hợp một nam bệnh nhân (51 tuổi, ở Ba Đình, Hà Nội) cũng tử vong do xuất huyết não. Bệnh nhân này trước khi đến viện nằm điều trị tại một BV ở Hà Nội, được chẩn đoán SXH, chụp CT phát hiện trong não có các ổ xuất huyết lớn, toàn bộ gan bị phá huỷ, được chuyển sang BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương và tử vong sau đó 2 ngày. Đây cũng là trường hợp thứ 2 ở Hà Nội tử vong do SXH.
Hiện tại, ở Khoa Hồi sức cấp cứu của BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn 2 bệnh nhân nặng biến chứng SXH. Đó là bệnh nhân nữ 43 tuổi bị viêm cơ tim, vừa thoát thở máy sau hơn 10 ngày điều trị tích cực và một bệnh nhân hạ tiểu cầu nặng, đi tiểu ra máu, bội nhiễm vi khuẩn.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp đánh giá: “Dịch SXH năm nay có những diễn biến bất thường, đến sớm hơn mọi năm và ngay từ đầu mùa dịch đã xuất hiện các ca biến chứng nặng. Với tình hình này, rất có thể đến cuối mùa dịch, số lượng các ca mắc bệnh sẽ tăng mạnh và sẽ xuất hiện nhiều ca biến chứng nặng khác”.
Trước những diễn biến bất thường của bệnh, bác sĩ Cấp khuyến cáo, bệnh nhân SXH có đau vùng gan, sốt cao vật vã là dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Nhất là với những người đã từng bị SXH khi bị lại sẽ nặng hơn. Bản chất của SXH là vi rút gây rối loạn tiểu cầu, rối loạn chức năng gan, rối loạn đông máu, chảy máu không cầm. Vì thế, việc theo dõi chặt để kịp thời nhập viện điều trị là rất quan trọng, phòng nguy cơ sốc, trụy mạch, xuất huyết. Đặc biệt SXH có điểm riêng biệt, từ ngày thứ 4 trở đi sốt có dấu hiệu lui dần nhưng đây là lúc xuất hiện biến chứng cô đặc máu hoặc hạ tiểu cầu. Chính vì vậy, với SXH, mặc dù bệnh nhân sang giai đoạn lui sốt nhưng người nhà tuyệt đối không được chủ quan, cần phải có biện pháp can thiệp, điều trị kịp thời.
Trước những diễn biến thất thường, mưa nhiều ở miền Bắc thì việc diệt muỗi, ngăn muỗi đốt, phun thuốc mũi… chỉ diệt được phần ngọn. Muốn tiêu diệt SXH phải tiêu diệt loăng quăng, tức là không có những nơi tồn đọng nước để muỗi có thể đẻ trứng. Do đó, cộng đồng cũng phải diệt bọ gậy bằng sự tự giác từ chính bản thân, gia đình bởi chỉ khi tiêu diệt, không còn loăng quăng mới không còn bệnh SXH.