Hà Nội tăng cường quản lý thực phẩm có nguồn gốc động vật

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - UBND TP Hà Nội vừa ban hành Kế hoạch 254/KH-UBND về việc triển khai các nhiệm vụ trọng tâm nhằm tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật và bảo đảm an toàn thực phẩm (ATTP) có nguồn gốc động vật trên địa bàn giai đoạn 2023 - 2030.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Kế hoạch nhằm xây dựng được các cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh (ATDB) với gia súc, gia cầm phục vụ tiêu dùng trong nước và hướng tới xuất khẩu. Bảo đảm vệ sinh thú y, ATTP trong chăn nuôi, vận chuyển, giết mổ, sơ chế, chế biến, kinh doanh động vật và sản phẩm động vật. Kiểm soát thuốc, vaccine thú y bảo đảm đạt yêu cầu chất lượng, an toàn, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phòng, chống dịch bệnh động vật, ATTP, giảm thiểu nguy cơ kháng thuốc.

Theo đó, phấn đấu đến 2026, TP có ít nhất 1 vùng chăn nuôi gia cầm cấp xã đạt ATDB theo quy định của Việt Nam. Phấn đấu từ 2027 trở đi, TP có ít nhất 1 vùng chăn nuôi gia cầm cấp xã đạt ATDB theo tiêu chuẩn của Tổ chức Thú y Thế giới (WOAH).

Giai đoạn 2023 - 2030, có 100% động vật đưa vào cơ sở giết mổ động vật tập trung được cơ quan thú y thực hiện kiểm soát giết mổ; 100% chương trình giám sát ATTP với sản phẩm động vật được thực hiện từ cơ sở giết mổ động vật, sơ chế, bảo quản, kinh doanh đến các chợ buôn bán sản phẩm động vật.

Đến 2025, xây dựng vận hành thành công Cơ sở dữ liệu dùng chung ngành nông nghiệp trên địa bàn TP.

Đến 2030, duy trì vận hành, phát triển Cơ sở dữ liệu dùng chung ngành Nông nghiệp trên địa bàn TP và sẵn sàng liên thông với kho dữ liệu quốc gia. Đồng thời, khai thác có hiệu quả các phần mềm, kho dữ liệu của Bộ NN&PTNT; kết nối, trao đổi, chia sẻ thông tin với các tỉnh, thành trong công tác quản lý.

Để thực hiện được các mục tiêu trên, kế hoạch đề ra 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm: Tăng cường năng lực quản lý, kiểm soát dịch bệnh động vật, bệnh truyền lây giữa động vật và người; tăng cường năng lực quản lý, kiểm dịch động vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y và ATTP với động vật, sản phẩm động vật; nâng cao năng lực quản lý, nghiên cứu, sản xuất, kiểm nghiệm, khảo nghiệm thuốc, vaccine thú y bảo đảm chất lượng, an toàn, hiệu quả; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác thú y.

Đọc thêm