Đây là động thái mới nhất trong chiến lược ứng dụng AI vào quản lý nhà nước, góp phần thúc đẩy "thành phố thông minh", một sáng kiến được Chủ tịch Tập Cận Bình đặc biệt quan tâm.
Tại Trịnh Châu, thủ phủ tỉnh Hà Nam, Bí thư Thành ủy An Vĩ đã chỉ đạo các quan chức cấp cao phải "nghiên cứu sâu và làm chủ việc sử dụng các mô hình AI như DeepSeek, tận dụng AI để hỗ trợ ra quyết định và phân tích tình hình". Một tài liệu hướng dẫn cũng đã được ban hành để đào tạo cán bộ về cách AI có thể giúp Đảng ủy thành phố đưa ra quyết sách khoa học.
Tại Lai Tân, thuộc khu tự trị Quảng Tây, các cán bộ địa phương cũng nhận được chỉ thị phải "chủ động tiếp nhận và học hỏi công nghệ mới", đặc biệt là ứng dụng AI trong quản lý nhà nước. Trong khi đó, thành phố Phật Sơn (tỉnh Quảng Đông) đã tích hợp DeepSeek AI vào hệ thống dịch vụ công trực tuyến, nhằm hỗ trợ các cơ quan hành chính trong việc xử lý thông tin.
DeepSeek AI là một sản phẩm của công ty công nghệ có trụ sở tại Hàng Châu, đã gây chấn động giới công nghệ toàn cầu khi ra mắt hai mô hình AI tiên tiến: mô hình ngôn ngữ V3 và mô hình suy luận R1. Cả hai được đánh giá có khả năng cạnh tranh với những chatbot hàng đầu của OpenAI hay Google, nhưng lại có chi phí đào tạo thấp hơn đáng kể.
Trước sức ảnh hưởng ngày càng lớn của DeepSeek, nhiều quốc gia phương Tây đã bày tỏ lo ngại về vấn đề kiểm duyệt. Các cơ quan chính phủ tại Mỹ, Ý, Úc và Hàn Quốc đã ban hành lệnh cấm sử dụng DeepSeek. Đặc biệt, Hàn Quốc còn ra quyết định gỡ bỏ ứng dụng này khỏi các kho tải.
Không chỉ dừng lại ở các cơ quan nhà nước, nhiều trường đại học Trung Quốc cũng đã đưa DeepSeek AI vào hệ thống giảng dạy kể từ học kỳ mùa xuân năm nay. Điều này cho thấy AI đang dần trở thành một phần quan trọng trong hệ sinh thái giáo dục và nghiên cứu tại quốc gia này.