Khoa học công nghệ đang thay đổi thế giới

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Những năm gần đây, sự tiến bộ vượt bậc trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) đã định hình lại cách con người tương tác với công nghệ và thế giới xung quanh. Hai trong số những phát triển nổi bật nhất là ChatGPT của OpenAI và DeepSeek, một startup AI đến từ Trung Quốc. Cả hai mô hình AI này đều minh chứng cho sức mạnh của khoa học và công nghệ trong việc định hình thế giới - một kỷ nguyên mới, nơi AI không chỉ hỗ trợ mà còn thay đổi cách sống và làm việc.
Cuộc đua AI tại Trung Quốc đang mở rộng mạnh mẽ, không chỉ dừng lại ở DeepSeek mà còn có Zhipu AI và nhiều công ty khác. (Ảnh: SCMP)
Cuộc đua AI tại Trung Quốc đang mở rộng mạnh mẽ, không chỉ dừng lại ở DeepSeek mà còn có Zhipu AI và nhiều công ty khác. (Ảnh: SCMP)

Sự trỗi dậy của ChatGPT đe dọa “người khổng lồ” Google

ChatGPT, được phát triển bởi OpenAI, đã đánh dấu một bước ngoặt trong việc ứng dụng AI vào giao tiếp hàng ngày. Với khả năng hiểu và tạo ra ngôn ngữ tự nhiên, ChatGPT đã mở ra nhiều cơ hội trong các lĩnh vực như dịch vụ khách hàng, giáo dục và y tế. Theo Reuters, ChatGPT đã đặt nền móng cho sự bùng nổ của các ứng dụng AI trong nhiều ngành công nghiệp, từ đó thúc đẩy sự phát triển của các mô hình ngôn ngữ lớn và các ứng dụng liên quan. Minh chứng là chỉ sau 40 ngày sau ngày ra mắt 30/11/2022, ChatGPT đã thu hút hơn 10 triệu người dùng hàng ngày - một con số vượt xa tốc độ tăng trưởng ban đầu của Instagram.

Ngay lập tức, sự thành công của ChatGPT đã gây ra một “báo động đỏ” tại Google. Theo The New York Times, CEO Sundar Pichai đã kích hoạt mức cảnh báo cao nhất trong công ty khi nhận thấy ChatGPT có thể đe dọa vị thế thống trị của Google tìm kiếm. Google từ lâu đã kiểm soát mảng tìm kiếm trực tuyến, nhưng với sự xuất hiện của ChatGPT - một chatbot có thể trả lời câu hỏi trực tiếp thay vì chỉ cung cấp danh sách kết quả - Google buộc phải thay đổi chiến lược. Ngay trong tháng 12/2022, Google đã tổ chức một loạt cuộc họp khẩn cấp để thảo luận về cách đối phó với sự trỗi dậy của ChatGPT. Google lo ngại rằng AI có thể làm thay đổi thói quen tìm kiếm của người dùng, khiến Google mất đi doanh thu quảng cáo khổng lồ.

Sự phát triển của ChatGPT cho thấy AI đang bước vào giai đoạn mới, nơi các mô hình ngôn ngữ có thể thay đổi cách con người tìm kiếm, học hỏi và làm việc. Các công ty như Google, Microsoft và Meta đều gấp rút phát triển các mô hình AI cạnh tranh như Gemini, Llama. Tuy nhiên, cùng với cơ hội, AI cũng mang đến thách thức về đạo đức, quyền riêng tư và kiểm soát thông tin. Câu hỏi đặt ra không chỉ là AI có thể làm được gì, mà là con người sẽ kiểm soát và sử dụng công nghệ này như thế nào để mang lại lợi ích tốt nhất cho xã hội.

The Guardian chỉ ra rằng AI có thể tạo ra thông tin sai lệch hoặc thiên vị do dữ liệu huấn luyện không cân bằng. CEO của OpenAI, Sam Altman cũng thừa nhận rằng ChatGPT vẫn còn nhiều hạn chế và không nên được sử dụng như một công cụ quyết định quan trọng. Nhiều ý kiến cho rằng mặc dù ChatGPT mang lại nhiều lợi ích, nhưng cũng cần có các biện pháp kiểm soát để đảm bảo rằng công nghệ này được sử dụng một cách có trách nhiệm và minh bạch.

Các “ông lớn” công nghệ Mỹ công bố kế hoạch đầu tư mạnh hơn vào AI năm 2025. (Ảnh Reuters)

Các “ông lớn” công nghệ Mỹ công bố kế hoạch đầu tư mạnh hơn vào AI năm 2025. (Ảnh Reuters)

DeepSeek - Sự cạnh tranh từ công nghệ AI giá rẻ

Đầu năm 2025, sự xuất hiện của DeepSeek R1, một mô hình AI từ Trung Quốc với hiệu suất gần ngang bằng OpenAI nhưng chi phí huấn luyện chỉ 5,6 triệu USD đã gây chấn động thị trường. Theo Reuters, DeepSeek R1 được cho là có khả năng tương đương với các mô hình hàng đầu của Mỹ nhưng với chi phí thấp hơn đáng kể. Sự kiện này đã làm dấy lên những lo ngại về sự thống trị của Mỹ trong lĩnh vực AI và cho thấy khoảng cách công nghệ giữa Trung Quốc và Mỹ đang dần thu hẹp.

Tuy vậy, các tập đoàn công nghệ Mỹ như OpenAI, Meta và Microsoft lại không quá tỏ ra lo lắng. Sam Altman - CEO OpenAI gọi DeepSeek là "mối đe dọa bị thổi phồng quá mức", trong khi Mark Zuckerberg - CEO Meta khẳng định rằng Meta vẫn sẽ đầu tư mạnh mẽ vào AI. Satya Nadella - CEO Microsoft thậm chí cho rằng DeepSeek là một dấu hiệu cho thấy công nghệ AI đang ngày càng phổ cập, mang lại lợi ích lớn cho người tiêu dùng.

Dù cổ phiếu công nghệ sụt giảm sau thông tin về DeepSeek, các “ông lớn” công nghệ Mỹ vẫn bình thản, thậm chí công bố khoản đầu tư lớn hơn vào thị trường công nghệ AI đang mở rộng. Meta đã công bố khoản đầu tư 60 - 65 tỷ USD vào AI trong năm 2025, trong khi Microsoft dự kiến chi 80 tỷ USD để xây dựng trung tâm dữ liệu phục vụ AI. Các tập đoàn này tin rằng AI càng dễ tiếp cận thì nhu cầu sử dụng càng tăng, thúc đẩy sự đầu tư vào cơ sở hạ tầng để đảm bảo vị thế dẫn đầu. Một trong những lý do khiến “ông trùm” công nghệ Mỹ không lo lắng là DeepSeek dựa vào mô hình mã nguồn mở thay vì phát triển một nền tảng AI độc quyền. DeepSeek đã tận dụng các mô hình AI có sẵn, tối ưu hóa để giảm chi phí huấn luyện và công khai toàn bộ mô hình để mọi người có thể sử dụng.

Tổng thống Donald Trump gọi DeepSeek là “hồi chuông cảnh tỉnh” cho ngành công nghệ Mỹ, yêu cầu các công ty tập trung cạnh tranh để giành chiến thắng. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng sự xuất hiện của DeepSeek có thể giúp ngành AI Mỹ tiết kiệm chi phí thay vì phải chi hàng chục tỷ đô la cho nghiên cứu và phát triển.

Một số nhà phân tích cho rằng, thay vì làm các tập đoàn công nghệ Mỹ mạnh hơn, DeepSeek lại chứng minh một điều quan trọng: sự đổi mới đến từ cạnh tranh, không phải từ các tập đoàn độc quyền. Như Lina Khan, cựu Chủ tịch Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) nhận định: “Các tập đoàn khổng lồ không tạo ra đột phá, mà những startup đói khát như OpenAI, Anthropic hay DeepSeek mới làm điều đó. Chúng ta cần bảo vệ sự đổi mới khỏi các tập đoàn độc quyền, chứ không phải bảo vệ tập đoàn khỏi sự đổi mới”. Bằng chứng rõ ràng nhất là Google từng phát triển một chatbot AI từ hơn hai năm trước khi OpenAI ra mắt ChatGPT. Tuy nhiên, do lo sợ chatbot AI có thể ảnh hưởng đến doanh thu từ quảng cáo tìm kiếm, Google đã trì hoãn công bố sản phẩm này. Trong khi đó, OpenAI - một startup mới - không bị ràng buộc bởi mô hình kinh doanh cũ và đã đẩy mạnh phát triển ChatGPT, tạo ra làn sóng bùng nổ AI toàn cầu.

Các mô hình AI đang ngày càng phổ biến toàn cầu. (Ảnh: Getty)

Các mô hình AI đang ngày càng phổ biến toàn cầu. (Ảnh: Getty)

Tương lai của công nghệ AI

Trong giai đoạn đầu, các công ty tập trung phát triển mô hình AI mạnh nhất. Nhưng ở giai đoạn tiếp theo, AI sẽ được ứng dụng rộng rãi vào các ngành y tế, tài chính, sản xuất và nhiều lĩnh vực khác. Điều này đòi hỏi một thị trường cạnh tranh thực sự, thay vì bị thống trị bởi các công ty công nghệ lớn. Mỹ đã có động thái mạnh mẽ để chống lại sự độc quyền trong ngành công nghệ. Bộ Tư pháp Mỹ đã kiện Google vi phạm luật chống độc quyền trong lĩnh vực tìm kiếm và quảng cáo trực tuyến. FTC cũng đang kiện Meta vì thâu tóm Instagram và WhatsApp để duy trì thế độc quyền trong mạng xã hội.

Dù DeepSeek có thể mở ra một kỷ nguyên mới nơi AI trở nên phổ cập hơn, các “ông lớn” như OpenAI, Microsoft và Meta vẫn có lợi thế nhờ cơ sở hạ tầng khổng lồ. Trong tương lai, AI không còn là sản phẩm độc quyền của một số công ty lớn, nhưng để duy trì vị thế, các tập đoàn công nghệ hàng đầu tại Mỹ chắc chắn sẽ tiếp tục tăng cường đầu tư và củng cố sức mạnh của mình. DeepSeek có thể là một lời nhắc nhở về tầm quan trọng của đổi mới và cạnh tranh, nhưng nó chưa đủ sức để làm lung lay đế chế của những “gã khổng lồ” công nghệ Mỹ.

Đáng chú ý, không chỉ có DeepSeek, Trung Quốc hiện sở hữu hàng loạt doanh nghiệp AI mạnh mẽ như: Alibaba Cloud, Zhipu AI, Moonshot AI, ByteDance, Tencent, tất cả đều đang cạnh tranh quyết liệt để giành vị thế dẫn đầu. Sự trỗi dậy của DeepSeek chỉ là bề nổi của một làn sóng đổi mới mạnh mẽ trong ngành AI Trung Quốc. Điển hình, Alibaba Cloud vừa công bố Qwen 2.5-Max, khẳng định mô hình này vượt trội hơn DeepSeek-V3 và Llama 3.1 của Meta theo 11 tiêu chí đánh giá. Họ tin rằng phiên bản tiếp theo sẽ còn mạnh hơn nữa. Zhipu AI, một startup có trụ sở tại Bắc Kinh và được Alibaba hậu thuẫn, đang phát triển AutoGLM, trợ lý AI giúp điều khiển điện thoại bằng giọng nói với các lệnh phức tạp. ByteDance, công ty mẹ của TikTok, đang mở rộng thị phần AI của họ với Doubao-1.5-pro. Tencent cũng tham gia cuộc chơi với Hunyuan, một công cụ chuyển văn bản thành video được tối ưu hóa để tiêu tốn ít tài nguyên hơn các đối thủ.

Cuộc đua AI toàn cầu ngày càng khốc liệt, với các doanh nghiệp nội địa tại nhiều quốc gia nỗ lực tối ưu hóa nguồn lực để giành vị thế dẫn đầu. Các quốc gia và công ty cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để duy trì vị thế của mình. Đồng thời, cũng cần có các chính sách và quy định phù hợp để đảm bảo rằng AI được phát triển và sử dụng một cách có trách nhiệm.