Nhiều điểm sáng trong bức tranh KT-XH TP
Thông tin tại họp báo cho thấy, trong 6 tháng đầu năm 2022, TP Hà Nội đã triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ phục hồi và phát triển KT-XH theo Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, TP đã thực hiện các giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và phục hồi và phát triển KT-XH.
Các hoạt động sản xuất, kinh doanh phục hồi nhanh. Quản lý và phát triển đô thị chuyển biến tích cực. Hạ tầng đô thị được duy trì tốt. Văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, chất lượng giáo dục được giữ vững. An sinh xã hội được đảm bảo. Quốc phòng, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được giữ vững. Các hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế tiếp tục được triển khai hiệu quả.
Nổi bật là, TP đã kiểm soát tốt dịch bệnh COVID-19. Đến nay, hầu hết (99,9%) người trên 18 tuổi và trẻ em từ 12-17 đã được tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi 2, mũi nhắc lại tỷ lệ đạt cao (95,4% với người trên 18 tuổi).
Triển khai tiêm vaccine cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi đạt 69,2% số trẻ thuộc đối tượng tiêm. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, du lịch, nhà hàng, khách sạn được mở cửa trở lại đã tạo đà cho sự phục hồi phát triển kinh tế.
Cân đối thu - chi ngân sách được đảm bảo. Tổng thu NSNN trên địa bàn ước thực hiện 177.464 tỷ đồng, đạt 56,9% dự toán, bằng 122,4% so với cùng kỳ năm 2021. Chi ngân sách địa phương ước thực hiện 30.527 tỷ đồng, đạt 28,5% dự toán và bằng 102,8% so với cùng kỳ năm 2021.
Đáng chú ý, kinh tế TP đã phục hồi mạnh mẽ. GRDP quý II ước tăng 9,49% - cao hơn 1,4 lần kịch bản đưa ra đầu năm (6,4-6,9%).
Lũy kế 6 tháng GRDP tăng 7,79% - gấp 1,29 lần mức tăng cùng kỳ năm 2021 (6,02%) và 1,08 lần mức tăng cùng kỳ năm 2019 (7,21% - thời điểm chưa xảy ra dịch Covid-19).
Kim ngạch xuất khẩu quý II ước đạt 4,42 tỷ USD, tăng 19% so với cùng kỳ; Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 8,32 tỷ USD, tăng 17,1% (cùng kỳ năm 2021 tăng 4,5%; cùng kỳ năm 2019 tăng 5,4%).
Kim ngạch nhập khẩu quý II ước đạt 11,20 tỷ USD, tăng 28,2% so với cùng kỳ. Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 20,49 tỷ USD, tăng 24,5% (cùng kỳ năm 2021 tăng 21,1%; cùng kỳ năm 2019 tăng 4,6%).
Khách du lịch quốc tế đến Hà Nội quý II tăng 374% và lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 234 nghìn lượt, tăng 232% (cùng kỳ giảm 86,2%). Khách du lịch trong nước quý II tăng 188% và lũy kế 6 tháng đầu năm tăng 142% (cùng kỳ giảm 17,7%).
Vốn đầu tư phát triển toàn xã hội quý II đạt 104,30 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5%; Lũy kế 6 tháng đầu năm đạt 180,57 nghìn tỷ đồng, tăng 8,8% - cao hơn mức tăng cùng kỳ 8,4%...
Công tác quy hoạch được đẩy nhanh tiến độ; nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt như nhiệm vụ lập Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống; Quy hoạch bến bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ; Phê duyệt thêm 9 nhiệm vụ quy hoạch phân khu thuộc đô thị vệ tinh Sơn Tây, Hòa Lạc và Nhiệm vụ Quy hoạch xây dựng vùng huyện Gia Lâm...
TP cũng đã hoàn thành tất cả các nhiệm vụ được giao trong việc tổ chức SEA Games 31; Chuẩn bị chu đáo các điều kiện về vật chất, kỹ thuật và con người góp phần tổ chức thành công SEA Games 31. Đoàn thể thao Hà Nội đạt thành tích ấn tượng với 151 huy chương – chiếm 1/3 số huy chương toàn đoàn Việt Nam.
TP đã khôi phục lại các hoạt động của ngành văn hóa, thể thao; sau 2 tháng mở cửa trở lại, các di tích thuộc TP quản lý đã thu hút lượng khách gấp hơn 10 lần, doanh thu tăng hơn 8 lần so với 03 tháng đầu năm.
Cùng với đó, TP Hà Nội đã phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đường vành đai 4 – Vùng Thủ đô Hà Nội, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua quyết định chủ trương đầu tư tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội khóa XV.
Tập trung nguồn lực đầu tư phát triển 3 lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa; ưu tiên xây dựng cải tạo trường học công lập đủ điều kiện đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế, tu bổ, tôn tạo di tích trong giai đoạn 2022-2025 theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND TP.
Tuy nhiên, kết quả phát triển KT-XH của TP Hà Nội cũng còn một số tồn tại, hạn chế như triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao năm 2022 theo Chương trình hành động số 02/CTr-UBND còn chậm, Quý I/2022 có tổng số 70 nhiệm vụ thì có 29 nhiệm vụ chậm (41,4%).
Bên cạnh sự cải thiện xếp hạng của Chỉ số PAPI và Chỉ số SIPAS, các chỉ số PCI và PAR Index đều giảm bậc xếp hạng. Nguyên nhân chủ quan chủ yếu là do công tác phối hợp giữa các sở, ban, ngành và quận, huyện, thị xã có lúc thiếu chặt chẽ, chưa thật sự hiệu quả; thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, người dân còn phiền hà; chuyển đổi số, áp dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành còn chậm.
CPI bình quân 6 tháng đầu năm 2022 tăng 3,25% - cao hơn khá nhiều mức tăng cùng kỳ 2021 (tăng 1,14%) gây áp lực lên mục tiêu năm 2022 là kiểm soát lạm phát dưới 4%.
Ngành công nghiệp tăng thấp hơn cùng kỳ. Số doanh nghiệp thực hiện thủ tục giải thể (tăng 13%) và đăng ký tạm ngừng hoạt động (tăng 51%) vẫn còn cao.
Kết quả giải ngân vốn đầu tư công ước 6 tháng đầu năm tương đương cùng kỳ, cao hơn các địa phương thuộc phạm vi kiểm tra của Tổ công tác số 4 theo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức chung của cả nước và thấp hơn so với yêu cầu.
Hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội
Trong 6 tháng cuối năm 2022, TP Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ, hiệu quả Chương trình phòng chống dịch COVID-19 (2022-2023) của Chính phủ.
Triển khai đầu tư hệ thống y tế theo Nghị quyết số 02/NQ-HĐND ngày 08/4/2022 của HĐND TP và Kế hoạch số 139/KH-UBND ngày 06/5/2022 của UBND TP.
Cùng với đó, tổ chức thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và đẩy nhanh công tác quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tổng kết thi hành Luật Thủ đô.
Thúc đẩy sự phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án đầu tư; hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án Đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; kiểm soát giá cả, thị trường; tiếp tục thực hiện các giải pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh theo Chương trình phục hồi và phát triển KT-XH của Chính phủ và TP; tiếp tục cơ cấu lại các ngành kinh tế, phát triển các mô hình kinh tế mới...
TP Hà Nội cũng sẽ phát triển các lĩnh vực văn hóa, thông tin; triển khai thực hiện Nghị quyết chuyên đề của Thành ủy về phát triển công nghiệp văn hóa. Tổ chức thành công Đại hội Thể dục thể thao Thủ đô lần thứ X. Thực hiện Kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Đảm bảo an sinh xã hội; thực hiện giảm nghèo bền vững theo chuẩn mới ban hành của TP...
Tăng cường nâng cao hiệu quả và chất lượng quản lý nhà nước về quy hoạch, đất đai, trật tự xây dựng, trật tự đô thị, bảo vệ môi trường. Đảm bảo Nhà máy điện rác Sóc Sơn đi vào hoạt động ổn định. Đẩy nhanh tiến độ Dự án Nhà máy điện rác Seraphin, Dự án Hệ thống xử lý nước thải Yên Xá.
Thực hiện hiệu quả chủ đề năm 2022 “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”. Khai thác hiệu quả cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư để phục vụ hoạch định chính sách, xây dựng Chính quyền điện tử. Triển khai thực hiện Đề án của Thành ủy về nâng cao năng lực, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp TP Hà Nội giai đoạn 2021-2026. Sơ kết 1 năm thực hiện Mô hình chính quyền đô thị theo nghị quyết của Quốc hội...
Thực hiện tốt công tác quân sự địa phương. Đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối các sự kiện chính trị, văn hóa, thể thao trên địa bàn. Thực hiện tốt diễn tập khu vực phòng thủ tại 09 quận, huyện, thị xã và 02 sở ngành…
Tại buổi họp báo, lãnh đạo các sở, ngành của TP Hà Nội cũng đã thông tin nhiều vấn đề “nóng” dư luận quan tâm.