Hà Nội tiếp tục rà soát danh mục hơn 100 cơ sở sản xuất cần di dời

(PLVN) - Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, tới đây, Sở sẽ cùng các sở, ngành, quận, huyện sẽ tiếp tục rà soát danh mục hơn 100 cơ sở sản xuất cần di dời. Các đơn vị cơ bản thống nhất với việc này.
Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: KTĐT
Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông phát biểu tại phiên chất vấn. Ảnh: KTĐT

Ngày 5/12, HĐND TP Hà Nội dành 1 ngày để chất vấn và trả lời chất vấn về 3 nhóm vấn đề nóng, được cử tri và người dân quan tâm. 

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đoàn Việt Cường đặt câu hỏi với Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường (TNMT) TP đề cập đến việc di dời các cơ sở sản xuất không phù hợp với quy hoạch hoặc gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn TP ra khỏi nội đô theo Quyết định 130 của Thủ tướng Chính phủ hiện còn chậm và đề nghị Giám đốc Sở làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của Sở thời gian qua cũng như giải pháp đẩy nhanh tiến độ trong thời gian tới.

Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và môi trường (TNMT) TP Hà Nội Nguyễn Trọng Đông cho biết, thực hiện các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, TP đã ban hành Quyết định 74 năm 2003 về di dời các cơ sở sản xuất trên địa bàn nội đô của TP. Kết quả, đến nay, về xử lý ô nhiễm môi trường, TP đã xử lý triệt để 25 cơ sở. 

Theo ông Đông, các doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất đã rất ý thức và chủ động trong việc lập phương án cũng như tổ chức di dời các cơ sở sản xuất.

Cùng với đó, TP cũng đã thực hiện di dời được 67 cơ sở của cả trung ương và Hà Nội vào các khu, cụm công nghiệp của TP ở ngoại thành. 1 số đơn vị di chuyển sang các đơn vị lân cận vì giá đất rẻ hơn.

TP cũng đã chỉ đạo Sở TNMT và các sở, ngành, quận, huyện, đặc biệt là các quận rà soát, xây dựng danh mục các sở sở tiếp tục phải xem xét để di dời, báo cáo UBND TP, Thành ủy cho chủ trương tiếp tục rà soát. Đến năm 2020, trong các kỳ họp tới sẽ báo cáo với HĐND TP danh mục các cơ sở phải di dời do không thuộc quy hoạch hay gây ô nhiễm môi trường.

Về khó khăn, vướng mắc, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ có giao cho các bộ, ngành, TP có cơ chế, chính sách để di dời nhưng hiện nay các bộ, ngành đang trong quá trình xây dựng, chưa ban hành.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp có tâm lý ngại ra ngoài ngoại thành cũng như các tỉnh vì liên quan đến người lao động, địa điểm xa.

Nguyên nhân thứ 3, là hạn chế về năng lực tài chính của các đơn vị vì khi di chuyển phải có địa điểm mới, có kinh phí để đầu tư, nâng cao dây chuyền sản xuất, công nghệ để đảm bảo việc sản xuất, giải quyết vấn đề lao động, việc làm đối với người lao động di chuyển sang địa điểm mới cũng khó khăn về nguồn lực. Nhà nước, các cơ quan trung ương và Hà Nội cũng chưa có nguồn kinh phí để hỗ trợ cho doanh nghiệp trong quá trình di dời để tạo điều kiện cho đơn vị di chuyển.

Giải pháp, thời gian tới, Giám đốc Sở TNMT TP Hà Nội cho biết Sở sẽ cùng các sở, ngành, quận, huyện sẽ tiếp tục rà soát danh mục hơn 100 cơ sở và sẽ báo cáo HĐND TP tại kỳ họp năm 2020. Theo ông Đông, các đơn vị cơ bản thống nhất việc di dời.

Đồng thời, TP cũng sẽ kiến nghị bố trí kinh phí để xây dựng các địa điểm mới, khu cụm công nghiệp mới ở ngoại thành để có địa điểm mới cho doanh nghiệp lựa chọn di chuyển; kiến nghị với các cơ quan trung ương sớm xây dựng để ban hành chính sách để hỗ trợ di dời của các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường cũng như không thuộc quy hoạch trên địa bàn TP.

Trong sáng nay (5/12), HĐND TP Hà Nội tiếp tục phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm vấn đề thứ 2 về việc thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với các trường ngoài công lập trên địa bàn TP hiện nay.

Chiều cùng ngày, sau khi UBND TP báo cáo tóm tắt về công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn TP, HĐND TP Hà Nội tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với nhóm nội dung này.

Cuối phiên chất vấn, dự kiến, Chủ tịch UBND TP sẽ tiếp thu và giải trình ý kiến các đại biểu.

Đọc thêm