Sẵn sàng mọi điều kiện cho mọi tình huống
Thông báo Kết luận của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại cuộc họp với 5 TP trực thuộc Trung ương về phòng, chống dịch Covid-19 vừa được Văn phòng Chính phủ phát hành đã đưa ra nội dung trên.
Cụ thể, Thủ tướng yêu cầu UBND TP Hà Nội, UBND TP HCM rà soát, cập nhật phương án phòng, chống dịch trên địa bàn, bảo đảm sẵn sàng cho cả phương án cách ly toàn thành phố. Đảm bảo nguồn lực, nhất là lương thực, thực phẩm cho nhân dân trong mọi tình huống. Xử lý nghiêm đầu cơ tăng giá vật tư y tế và lương thực thực phẩm.
Thông báo cũng nêu rõ: Đến nay, công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã được triển khai rộng khắp, quyết liệt trên cả nước và đạt được kết quả ban đầu quan trọng. Các biện pháp phòng, chống dịch đã được đề ra kịp thời, phù hợp và được thực hiện có kết quả.
Thủ tướng Chính phủ ghi nhận và biểu dương lãnh đạo, nhân dân 5 TP trực thuộc Trung ương đã quyết liệt thực hiện có hiệu quả các giải pháp phòng, chống dịch trên địa bàn. Nhiều đồng chí lãnh đạo đã rất sâu sát, huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc với trách nhiệm cao, cách làm sáng tạo, nhất là trong thực hiện Chỉ thị 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ, đóng góp quan trọng vào kết quả phòng chống dịch của cả nước, được nhân dân ủng hộ.
Cả nước đã bước vào giai đoạn cao điểm, có ý nghĩa quyết định phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng Chính phủ đề nghị các ngành, các cấp trong cả nước, nhất là 5 TP trực thuộc Trung ương tập trung cao độ, thần tốc hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút thực hiện các giải pháp phòng, chống dịch đã đề ra.
Đồng thời, tích cực chuẩn bị mọi điều kiện về nhân lực, vật chất sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh trên diện rộng bảo đảm phương châm 4 tại chỗ; kiểm soát chặt chẽ, ngăn ngừa người từ vùng có dịch đến các vùng khác; sẵn sàng hỗ trợ, chi viện cho các địa phương quá tải khi có yêu cầu.
Bộ Y tế, các bộ liên quan và các địa phương trong cả nước cần rà soát, cập nhật phương án huy động nhân lực, cơ sở vật chất, bảo đảm lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm thiết yếu khi dịch lây lan trên diện rộng.
Các TP trực thuộc Trung ương là địa bàn tập trung đông dân cư và các hoạt động kinh tế - xã hội, mật độ giao lưu lớn hơn rất nhiều các địa phương khác. Kết quả phòng, chống dịch tại các TP này có ý nghĩa quyết định đến thành quả chung của cả nước.
UBND các TP phải có phương án, giải pháp phòng, chống dịch phù hợp đặc thù của địa phương mình, tập trung và ưu tiên đối với các khu vực, địa bàn nhiều nguy cơ như chung cư, cao ốc, văn phòng, chợ dân sinh, bệnh viện, đầu mối giao thông. Tiếp tục phát huy cả hệ thống chính trị, trách nhiệm người đứng đầu trong phòng, chống dịch.
Chính quyền cấp cơ sở phải đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng để phát hiện sớm nhất các nguồn lây; đề nghị mọi người dân khai báo y tế và thực hiện giám sát chặt chẽ các trường hợp có nguy cơ. Có giải pháp bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động tại các TP.
Khẩn trương thiết lập hệ thống chỉ đạo, điều hành theo dõi diễn biến, phòng chống dịch và điều trị bệnh của từng TP. Sẵn sàng mọi điều kiện (nhân lực, phương tiện, bệnh viện dã chiến, lương thực thực phẩm…) cho mọi tình huống, bảo đảm ứng phó ngay lập tức, kể cả khi áp dụng tình trạng khẩn cấp về dịch hoặc khi phải áp dụng các biện pháp như giới nghiêm, thiết quân luật.
Dồn lực xử lý triệt để các “ổ dịch”
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế, Bộ Công an, UBND TP Hà Nội, UBND TP HCM tập trung, dồn lực xử lý triệt để các “ổ dịch” như tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội), quán bar Buddha (TP HCM); khẩn trương truy vết, áp dụng ngay các biện pháp phù hợp đối với tất cả các trường hợp có nguy cơ, tiếp xúc với người bệnh, người qua lại “ổ dịch” theo đúng quy định.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải tiếp tục chỉ đạo dừng các chuyến bay vận chuyển hành khách đến Việt Nam và hạn chế tối đa các chuyến bay vận chuyển hành khách từ TP Hà Nội, TP HCM đến các địa phương khác và ngược lại trong vòng 2 tuần tới, trừ trường hợp đặc biệt; giãn cách, giảm mật độ vận chuyển hành khách bằng xe lửa, xe khách, xe bus; áp dụng chặt chẽ việc kiểm tra y tế và các biện pháp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh trên các phương tiện giao thông công cộng.
Bộ Y tế, các bộ liên quan và UBND các tỉnh, TP trực thuộc Trung ương tập trung tăng cường năng lực xét nghiệm tại chỗ để xét nghiệm nhanh các ca nghi ngờ, quan tâm tập huấn nghiệp vụ, phác đồ điều trị cho lực lượng y tế, kể cả cho cán bộ y tế đã nghỉ hưu.
Quan tâm động viên, chú ý bảo đảm trang bị, trang phục phòng hộ cho cán bộ y tế, quân đội, công an… trực tiếp làm nhiệm vụ phòng, chống dịch, ngăn ngừa lây nhiễm chéo; tăng cường huy động các bệnh viện để tham gia điều trị bệnh Covid-19.
Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt đồng bộ Chỉ thị số 15/CT-TTg, tuyên truyền các giải pháp của Chỉ thị này, dự báo cả tình huống xấu nhất để có chuẩn bị tốt nhất và đạt hiệu quả phòng chống dịch cao nhất; tập trung thông tin tạo sự đồng thuận, tin tưởng và tự giác tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch của nhân dân; kịp thời biểu dương và khen thưởng các điển hình tiên tiến, làm lan tỏa mạnh mẽ các hoạt động chia sẻ, hỗ trợ và các giá trị tốt đẹp của dân tộc, tránh gây tâm lý hoang mang trong nhân dân.
Các Bộ: Y tế, Công an và các cơ quan liên quan phối hợp xử lý nghiêm, kể cả về hình sự các trường hợp không khai báo, khai báo không đúng, không chấp hành cách ly, trước mắt xem xét xử lý nghiêm việc khai báo không trung thực của bệnh nhân số 178. Xử lý những trường hợp bịa đặt làm ảnh hưởng tâm lý người dân…