Hà Nội vào xuân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Hà Nội - mảnh đất nghìn năm văn hiến đã trải qua biết bao thăng trầm lịch sử. Mùa xuân và những lễ hội mùa xuân càng khiến Hà Nội thêm đẹp, thêm tươi tắn và rạng ngời. Với 1.206 lễ hội trải dài trong năm, trong đó tập trung chủ yếu vào mùa xuân, Hà Nội là một trong những địa phương có nhiều lễ hội nhất cả nước.
Lễ hội gò Đống Đa - một trong những lễ hội diễn ra sớm nhất ở Hà Nội.
Lễ hội gò Đống Đa - một trong những lễ hội diễn ra sớm nhất ở Hà Nội.

Mùa lễ hội giàu bản sắc và lành mạnh

Sau Tết Nguyên đán sẽ là thời điểm các lễ hội xuân trên địa bàn Hà Nội tưng bừng khai hội. Vì thế, từ ngày 9/1/2023, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội đã ban hành kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023. Sở đề nghị Ban Tổ chức lễ hội không tổ chức tốn kém, lãng phí; không lợi dụng lễ hội để trục lợi. Ban Tổ chức lễ hội cần nghiêm cấm các hoạt động mê tín, dị đoan như: bói toán, xóc thẻ; tàng trữ, buôn bán, sử dụng văn hóa phẩm cấm lưu hành; tổ chức trò chơi có tính chất cá cược, đánh bạc dưới mọi hình thức; hoạt động đổi tiền có chênh lệch giá trong khu vực lễ hội. Trong khu vực bảo vệ một của di tích lịch sử - văn hóa, Ban Tổ chức cần nghiêm cấm tổ chức các hoạt động dịch vụ. Khu vực lễ hội không quảng cáo bằng loa, đài gây tiếng ồn quá mức quy định…

Mùa xuân là mùa của lễ hội và riêng Hà Nội có 1.206 lễ hội trải dài trong năm, trong đó tập trung chủ yếu vào mùa xuân. Đơn cử có thể kể đến như lễ hội Gò Đống Đa diễn ra vào ngày 26/1 (tức mùng 5 tháng Giêng âm lịch) - một trong những lễ hội tổ chức sớm nhất thu hút sự tham gia của đông đảo người dân Hà Nội và du khách thập phương. Năm nay, quận Đống Đa tổ chức lễ hội kỷ niệm 234 năm Chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa, qua đó không chỉ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc, mà còn tôn vinh tinh thần yêu nước, ý chí độc lập tự chủ, tự cường, khát vọng hòa bình của dân tộc. Phần lễ diễn ra với lễ dâng hương, tế lễ của các đoàn tế lễ địa phương, lễ rước kiệu, lễ dâng hoa, dâng hương tại tượng đài và đền thờ Hoàng đế Quang Trung. Phần hội có các tiết mục biểu diễn nghệ thuật và trò chơi dân gian…

Lễ hội đền Hai Bà Trưng huyện Mê Linh năm 2023 gắn với lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một trong bốn lễ hội lớn của Hà Nội diễn ra ngày 27/1 (tức mùng 6 tháng Giêng). Lễ hội năm nay vẫn diễn ra với nghi lễ rước kiệu từ đình Hạ Lôi về đền Hai Bà Trưng, tổ chức tế lễ theo nghi thức truyền thống của địa phương cùng chương trình lễ kỷ niệm 1983 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, thi đấu thể thao. Các hoạt động của lễ hội phát huy được bản sắc văn hóa dân tộc, mang tính giáo dục truyền thống, góp phần nâng cao đạo lý “uống nước nhớ nguồn” cho các tầng lớp nhân dân trong huyện và du khách gần xa.

Huyện Đông Anh là một huyện của Hà Nội có 98 lễ hội truyền thống diễn ra từ tháng Giêng đến hết tháng 11 âm lịch, trong đó có 51 lễ hội diễn ra trong tháng Giêng. Lễ hội Cổ Loa và Lễ hội đền Sái là hai lễ hội lớn của huyện, khai hội vào ngày 27/1 (mùng 6 tháng Giêng) và ngày 1/2 (ngày 11 tháng Giêng). Hai lễ hội này tái hiện nhiều nghi lễ dân gian truyền thống độc đáo qua đó giữ gìn nét văn hóa truyền thống để nhân dân được hưởng thụ các giá trị văn hóa dân tộc, cộng đồng dân cư được tham gia các hoạt động lễ hội, thể hiện sinh động các nghi lễ truyền thống dân gian…

Còn rất nhiều lễ hội khác trên mảnh đất Thủ đô nghìn năm văn hiến. Sau nhiều năm gián đoạn bởi dịch COVID-19, xuân năm nay hứa hẹn diễn ra một mùa lễ hội đông vui, nhộn nhịp ở Hà Nội. Vì thế, ngay từ trước Tết Nguyên đán, cùng với việc chuẩn bị Tết, các quận, huyện, thị xã đang gấp rút chuẩn bị các điều kiện để lễ hội diễn ra an toàn, lành mạnh, giàu bản sắc văn hóa.

Đây cũng là chủ trương lâu dài của ngành Văn hóa Hà Nội để quản lý tốt hơn hoạt động của lễ hội. Không chỉ là kế hoạch quản lý và tổ chức lễ hội trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2023 mà trong nhiều năm qua, thành phố Hà Nội luôn chú trọng công tác quản lý và tổ chức lễ hội để đảm bảo việc tổ chức phải trang trọng, tiết kiệm, một mùa lễ hội an toàn, lành mạnh.

Lễ hội Gióng đền Sóc Sơn trước kia được biết đến với tục cướp lộc gây tình trạng lộn xộn, phản cảm. UBND huyện Sóc Sơn phân công Công an huyện có phương án tổ chức bảo vệ đoàn rước hoa tre thôn Vệ Linh và đoàn rước trầu cau thôn Đan Tảo; xử lý nghiêm các hành vi gây rối trật tự công cộng. Ban Tổ chức lễ hội cũng thành lập đội kiểm tra liên ngành thanh, kiểm tra, xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm trong kinh doanh dịch vụ văn hóa, cờ bạc, mê tín dị đoan… tại lễ hội. Việc đảm bảo văn minh nơi thờ tự cũng được quan tâm với việc bố trí người hướng dẫn nhân dân hành lễ đúng quy định.

Lễ hội chùa Hương, một lễ hội quy mô lớn và kéo dài nhất vùng Đồng bằng Bắc Bộ, việc đảm bảo sự an toàn, văn minh, thân thiện trong tổ chức và quản lý lễ hội càng được chú trọng. Chính quyền huyện Mỹ Đức phân công lực lượng giữ an ninh trật tự thường xuyên tổ chức tuần tra, kiểm soát đảm bảo an toàn giao thông trên suối Yến; kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp cố tình vi phạm pháp luật, như: xuồng, đò chở quá số người quy định, không có giấy phép hoạt động...

Nghe thơ từ Hoàng thành Thăng Long

Sau 3 năm bị gián đoạn bởi đại dịch COVID-19, Ngày Thơ Việt Nam năm Quý Mão 2023 trở lại với nhiều sự kiện, cách làm mới hơn trước. Hôm nay - ngày 5/2 Dương lịch cũng là ngày Rằm tháng giêng, Tết Nguyên tiêu, Ngày Thơ Việt Nam lần thứ XXI có chủ đề “Nhịp điệu mới” diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long, Hà Nội, với ước vọng hướng tới một tương lai tràn đầy hy vọng về những điều tốt đẹp, khi đất nước đã vượt qua đại dịch, cuộc sống bình thường trở lại với nhịp điệu, khí thế và niềm tin mới cùng với sự phục hồi mọi mặt đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội…

Ngày thơ Việt Nam là sự kiện được nhiều người quan tâm vào những ngày đầu năm mới.

Ngày thơ Việt Nam là sự kiện được nhiều người quan tâm vào những ngày đầu năm mới.

Theo Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam Nguyễn Quang Thiều, Ngày Thơ Việt Nam sau 18 năm tổ chức tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám, năm 2023, lần đầu tiên Hội Nhà văn Việt Nam đã chọn Hoàng thành Thăng Long làm nơi tổ chức. Ngày Thơ năm nay diễn ra cả ngày Rằm tháng Giêng thay vì chỉ diễn ra vào buổi sáng ngày rằm như những lần tổ chức trước. Trong khuôn khổ các hoạt động diễn ra trong Ngày Thơ Việt Nam, có những hoạt động mang tính chuyên sâu như Tọa đàm “Thơ hiện nay với hôm nay” do Hội Nhà văn Việt Nam chủ trì, tổ chức tại hội trường lớn của Khu Di tích Hoàng Thành Thăng Long. Tọa đàm có sự tham gia các nhà thơ nhiều thế hệ, thảo luận và làm rõ những vấn đề quan trọng của thi ca đương đại; các hoạt động đọc thơ, trò chuyện về thơ trong Quán thơ; công chúng tham quan và giao lưu tại Nhà ký ức thơ…

Hệ thống màn hình LED trước cổng Đoan Môn có phần trình chiếu các phim tư liệu về cuộc đời và sự nghiệp của các nhà thơ nổi tiếng đã góp phần xây dựng nên nền thi ca Việt Nam; trình chiếu video clip tuyển chọn các ca khúc nổi tiếng được phổ nhạc từ những bài thơ được nhiều người yêu thích; trình chiếu phim tư liệu về các hoạt động nổi bật của Hội Nhà văn Việt Nam trong thời kỳ đổi mới, hội nhập và phát triển…

Sự kiện chính của Ngày Thơ được tổ chức vào đêm rằm để tăng hiệu quả âm thanh, ánh sáng và tính sân khấu. Tại sân khấu trung tâm trước cổng Đoan Môn, các nhà thơ của mọi thế hệ xuất hiện và tham gia trong chương trình. Công chúng được gặp lại hình ảnh của các nhà thơ nổi tiếng giai đoạn Thơ Mới đến thơ kháng chiến chống Pháp như: Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận, Xuân Diệu, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Chính Hữu… qua giọng đọc của các nhà thơ từ kho tư liệu của Bảo tàng Văn học Việt Nam. Tiếp theo là phần đọc, trình diễn, diễn xướng thơ của các nhà thơ thế hệ chống Mỹ; thế hệ nhà thơ sau năm 1975 đến thời kỳ đổi mới; cuối cùng là của các nhà thơ trẻ. Đan xen với đọc thơ, các nghệ sĩ nổi tiếng sẽ trình diễn những ca khúc được phổ nhạc từ các bài thơ được công chúng yêu thích…

Món ngon Hà Nội không thể bỏ qua khi du xuân

Du xuân Hà Nội trong tiết trời lành lạnh, lắc rắc mưa xuân, người Hà Nội thường thưởng thức nhiều món quà vặt đã được đưa vào hạng trứ danh như: bún riêu, bún ốc, bánh chè lam...

Bún riêu cua là món ăn đặc biệt quen thuộc ở các tỉnh miền Bắc. So với bún riêu ở miền Nam, tuy không có nhiều đồ ăn bằng nhưng bún riêu cua Hà Nội vẫn mang một hương vị vô cùng đặc biệt. Vị ngon đậm đà của cua đồng, vị chua thanh của cà chua với loại nước dùng đậm đà không thể bị trộn lẫn, bún riêu đã để lại một ấn tượng thực vô cùng khó tả. Trong khi đó, bún ốc Hà Nội đã trở thành món ăn không thể thiếu trong danh sách các món ăn đặc trưng Hà Nội ngày Tết bởi hương vị thơm đặc trưng khó lẫn cộng với nước dùng thanh thanh hòa quyện cùng với vị béo ngậy của từng con ốc.

Bánh chè lam là món ăn đặc sản giản dị được rất nhiều người dân Hà Nội yêu mến. Thời xưa, chè lam thường chỉ xuất hiện trong những dịp lễ, Tết. Nhưng bây giờ khi cuộc sống đã được nâng cao, nhiều người có nhu cầu thưởng thức chè lam nên chè lam được nấu và bán quanh năm…

Đọc thêm