Hà Nội xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng cho năm 2023

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trên cơ sở dự kiến tăng trưởng 8,8% của năm 2022 - con số đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, Hà Nội đang xây dựng 3 kịch bản tăng trưởng, 10 nhóm nhiệm vụ trọng tâm cho năm 2023 với mục tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7,0%.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra của năm 2022

Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, từ đầu năm 2022, tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, chưa có tiền lệ và khó đoán định, khó khăn nhiều hơn so với dự báo.

Trong bối cảnh chung đó, TP Hà Nội cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, phải tập trung phòng, chống dịch bệnh và dành nguồn lực để khắc phục ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19…

Tuy nhiên, dưới sự chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự nỗ lực, cố gắng của các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và toàn thể nhân dân Thủ đô, kinh tế-xã hội Thủ đô năm 2022 đã phục hồi tích cực và đạt những kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực.

Cụ thể, TP hoàn thành mục tiêu tổng quát năm 2022. Trong đó, kinh tế phục hồi tăng trưởng khoảng 8,8% - đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách đạt cao vượt 6,8% dự toán, đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch COVID-19 và các nhiệm vụ chi khác, đảm bảo an sinh xã hội.

TP đã thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống dịch và đã kiểm soát được dịch bệnh COVID-19 và hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh sau đại dịch.

Dự kiến, năm 2022, Hà Nội hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó có 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch là tăng trưởng GRDP (đạt 8,8%, kế hoạch là 7,0-7,5%); GRDP/người (đạt 142,3 triệu đồng, kế hoạch là từ 139-141 triệu đồng); tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện (đạt 13,8%, kế hoạch là 10,5%); tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu (đạt 11,9%, kế hoạch là 5%); giảm số hộ nghèo so với năm trước (đạt 38,8%, kế hoạch là 20%).

Văn hóa được chú trọng phát triển. Trong năm 2022, TP đã triển khai kế hoạch đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích với tổng mức vốn trên 49.200 tỷ đồng giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo thực hiện 1.469 dự án.

Kết quả, trong 2 năm 2021-2022, TP có 143 trường học công lập được đầu tư xây dựng đạt chuẩn quốc gia (năm 2022 là 70 trường); 150 cơ sở y tế được đầu tư nâng cấp (năm 2022 là 73 cơ sở); 181 di tích được tu bổ, tôn tạo (năm 2022 là 85 di tích); 4 di tích cấp quốc gia đặc biệt; 114 di tích cấp quốc gia; 63 di tích cấp TP.

Đây cũng là năm việc dựng và hoàn thiện thể chế phát triển Thủ đô được chú trọng. TP đã triển khai thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Dự thảo tổng kết thực hiện Luật Thủ đô và đề xuất sửa đổi Luật Thủ đô.

Xây dựng và triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước, ủy quyền trên địa bàn TP, trong đó đã rà soát 1.884 thủ tục hành chính (TTHC), theo Đề án được duyệt, TP tiếp tục phân cấp, ủy quyền khoảng 700 TTHC; 1.220 nhiệm vụ quản lý nhà nước cấp TP; 358 nhiệm vụ cấp huyện; 173 nhiệm vụ cấp xã.

Ngoài ra, công tác quy hoạch cũng đã được đẩy mạnh, nhiều quy hoạch quan trọng được phê duyệt. Hạ tầng kỹ thuật đô thị tiếp tục được quan tâm. Dự án xây dựng đường Vành đai 4 – Vùng Thủ đô đã được Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư và đang được đẩy nhanh tiến độ. Các dự án có sử dụng đất chậm tiến độ được rà soát, xử lý dứt điểm.

Trong năm 2022, an sinh xã hội được tiếp tục đảm bảo, an ninh chính trị, trật tự xã hội trên địa bàn TP được giữ vững.

Bên cạnh những kết quả tích cực, UBND TP Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra một số tồn tại, hạn chế. Ví dụ, kỷ cương hành chính có chuyển biến nhưng chậm và chưa đạt yêu cầu; việc chuyển đổi số còn chậm.

Đặc biệt, tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công cao hơn cùng kỳ năm 2021 nhưng vẫn thấp so với mục tiêu đề ra. Nguyên nhân chủ yếu được TP Hà Nội chỉ ra là do tồn tại, khó khăn vướng mắc từ nhiều năm như công tác giải phóng mặt bằng, trọng tâm là việc xác định nguồn gốc đất, định giá đất, quỹ nhà tái định cư, người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường.

Công tác chuẩn bị đầu tư chưa tốt, quá trình triển khai thực hiện dự án, một số dự án phát sinh một số hạng mục, chi phí dẫn đến phải điều chỉnh dự án, một số trường hợp vượt tổng mức đầu tư phải điều chỉnh chủ trương đầu tư.

Ngoài ra, vẫn còn một số tồn tại, vướng mắc liên quan đến phê duyệt chỉ giới đường đỏ, việc bán nhà, quỹ nhà tái định cư, thẩm định phê duyệt dự án; sự thiếu quyết liệt cố gắng của một số cơ quan, đơn vị trong công tác giải ngân vốn đầu tư.

Trong năm 2022, giá nguyên, nhiên, vật liệu, cước, phí vận chuyển hàng hóa tăng cao, máy móc, thiết bị nhập khẩu phục vụ dự án đầu tư công bị ảnh hưởng. Công tác chuẩn bị đầu tư các dự án, gồm cả các dự án cấp TP và các dự án cấp huyện đều chưa đảm bảo tiến độ, có dự án đủ điều kiện bố trí vốn nhưng kế hoạch vốn bố trí chưa kịp thời, thiếu linh hoạt, ảnh hưởng đến tỷ lệ giải ngân…

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải cũng chỉ ra việc thực hiện các khâu đột phá còn nhiều khó khăn, nhất là về phát triển kết cấu hạ tầng; xuất hiện một số khó khăn trong lĩnh vực y tế như tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế tại một số cơ sở khám chữa bệnh chưa được xử lý dứt điểm…

Phấn đấu tăng trưởng GRDP khoảng 7%

Phát huy những kết quả của năm 2022, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Hà Minh Hải, năm 2023, TP Hà Nội đặt mục tiêu giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng.

Theo đó, TP sẽ tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; củng cố, phát triển các động lực tăng trưởng mới; nâng cao năng lực nội tại, tính tự lực, tự chủ, khả năng chống chịu và thích ứng của kinh tế Thủ đô. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các khâu đột phá.

Chú trọng phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, giáo dục; kiểm soát hiệu quả các loại dịch bệnh; bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động khoa học công nghệ, đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp.

Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh công tác quy hoạch.

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, xây dựng chính quyền số, nâng cao thứ hạng các chỉ số PCI, PAR Index, PAPI, SIPAS…

Năm 2023, TP tiếp tục thực hiện chủ đề năm “Kỷ cương, trách nhiệm, hành động, sáng tạo, phát triển”.

Dự kiến, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 có 22 chỉ tiêu/nhóm chỉ tiêu chủ yếu, trong đó, Hà Nội xây dựng cơ sở 3 kịch bản tăng trưởng, lựa chọn chỉ tiêu tăng trưởng GRDP khoảng 7,0%; GRDP/người khoảng 150 triệu đồng; vốn đầu tư thực hiện tăng 10,5%; kim ngạch xuất khẩu tăng 6%; kiểm soát chỉ số giá 4,5%; giảm 30% số hộ nghèo so với cuối năm 2022...

TP tập trung 10 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm bao gồm giữ vững ổn định và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng. Tiếp tục cơ cấu lại kinh tế Thủ đô; phát triển các mô hình kinh tế mới.

Đẩy nhanh tiến độ thực hiện kế hoạch đầu tư xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng cấp hệ thống y tế và tu bổ, tôn tạo di tích; phát triển toàn diện và đồng bộ các lĩnh vực văn hoá, giáo dục.

Đẩy mạnh phát triển hạ tầng số, các hoạt động đổi mới, sáng tạo và khởi nghiệp. Đẩy nhanh công tác quy hoạch; phát triển kết cấu hạ tầng, đô thị. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, bảo vệ môi trường.

Triển khai thực hiện phân cấp quản lý nhà nước trong từng ngành, lĩnh vực đảm bảo đồng bộ, đầy đủ; tiếp tục cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu.

Bên cạnh đó, bảo đảm quốc phòng, quân sự địa phương và trật tự an toàn xã hội. Nâng cao hiệu quả công tác đối ngoại. Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội.

Đọc thêm