Hà Nội xử lý vi phạm đê điều

Các vi phạm bị “nhắm” trong đợt này bao gồm làm nhà kiên cố, nhà cấp 4, công trình phụ, lều quán, đào xẻ đê, làm dốc lên đê, chứa vật tư, chất thải lên mặt, mái, cơ đê và trong phạm vi 5m tính từ chân đê, trong hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ…

UBND TP.Hà Nội quyết định, từ 25/5 đến 25/7 sẽ tiến hành xử lý, giải tỏa các trường hợp vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP.

Các vi phạm bị “nhắm” trong đợt này bao gồm làm nhà kiên cố, nhà cấp 4, công trình phụ, lều quán, đào xẻ đê, làm dốc lên đê, chứa vật tư, chất thải lên mặt, mái, cơ đê và trong phạm vi 5m tính từ chân đê, trong hành lang bảo vệ đê điều và hành lang thoát lũ… trên các tuyến đê từ cấp III đến cấp đặc biệt (như hữu Đà, Cầu, tả-hữu Hồng, Đuống, Đáy, Cà Lồ, đê Vân Cốc, Ngọc Tảo, La Thạch, Thiên Tân…).

Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hà Đức Trung - Ủy viên Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP – cho biết, tình hình vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn TP vẫn diễn ra hết sức phức tạp và có chiều hướng tiếp tục gia tăng, thậm chí có một số vụ vi phạm nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an toàn công trình đê điều. Song việc xử lý giải tỏa vi phạm đạt tỷ lệ thấp (chỉ đạt 5%), tình trạng tái lấn chiếm còn tiếp diễn. 5 tháng đầu năm 2011, toàn TP có 165 vụ vi phạm Luật Đê điều, chủ yếu ở Từ Liêm, Ứng Hòa, Phúc Thọ, Phú Xuyên, Thường Tín, Hoàng Mai, Ba Vì, Sơn Tây, nhưng các địa phương mới xử lý được 06 vụ.

Trong mùa mưa năm nay, trên 469,9 km đê các loại của TP được đánh giá là “chống được mức lũ thiết kế”, nhưng xác định còn 7 trọng điểm và 11 điểm xung yếu cần lập phương án bảo vệ trước những ẩn họa có thể xảy ra khi có mưa bão, lũ lớn.

Theo đề xuất của Ban Chỉ huy phòng chống lụt bão TP, trong thời gian tới, cùng trong xử lý, giải tỏa vi phạm pháp luật về đê điều, cần gắn trách nhiệm của cơ quan quản lý và chính quyền địa phương trong việc để xảy ra tình trạng vi phạm, gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong việc để xảy ra vi phạm nhưng không được xử lý vì hiện còn tình trạng đùn đẩy trách nhiệm trong kiểm tra, xử lý vi phạm. Đồng thời, phải xử lý kiên quyết, nghiêm túc, dứt điểm, đúng qui định của pháp luật, đặc biệt các trường hợp cố tình vi phạm, tái lấn chiếm; tập trung xử lý ở những vị trí trọng điểm, xung yếu, ảnh hưởng đến an toàn đê điều, hồ đập…

H.Giang

Đọc thêm