Nông dân điêu đứng vì bệnh đạo ôn hoành hành
Những ngày qua, người nông dân ở Hà Tĩnh đang hoang mang, đứng ngồi không yên bởi tình trạng dịch bệnh đạo ôn cổ bông gây hại đang lây lan trên diện rộng, tập trung chủ yếu ở giống lúa Thiên Ưu, nhiều diện tích lúa đang đối diện với nguy cơ mất trắng. Hiện tượng đạo ôn cổ bông vào thời điểm chín sáp trên diện rộng chưa từng thấy trong mấy chục năm nay trên đồng ruộng Hà Tĩnh. Các huyện như: Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Đức Thọ, Thạch Hà, Lộc Hà… là những huyện chịu ảnh hưởng nặng nhất về bệnh đạo ôn trổ bông.
Hai tuần nay, nhiều hộ dân xóm Sơn Thủy, xã Mỹ Lộc (huyện Can Lộc) buồn bã, bởi nhiều diện tích lúa còn khoảng 20 ngày nữa là thu hoạch, nay bị khô từ phần trở bông lên khiến, bông lúa có hạt song bên trong bị lép. Bà Lê Thị Lương (trú xã Mỹ Lộc) cho biết: “Đây là vụ lúa đông xuân, được cấy từ tháng 12 âm lịch. Chúng tôi mua giống lúa Thiên Ưu, một kg giá 23 nghìn đồng. Trước nay thỉnh thoảng cũng trồng giống này không có bệnh, không hiểu sao năm nay lại vấp phải”.
Toàn bộ xóm Sơn Thủy, xã Mỹ Lộc trồng hàng chục hecta lúa với giống Thiên Ưu, nhưng có tới hơn 60% diện tích bị nhiễm bệnh trên. Theo ông Nguyễn Đắc Tơ (trú xã Mỹ Lộc), năm ngoái mỗi gia đình ở địa phương này thu về mỗi sào 3 tạ lúa, giá tiền khoảng 1,5 triệu, năm nay thì không được một nửa, có nhiều gia đình mất trắng.
Tìm về thôn Tân Hương, xã Thạch Vĩnh, huyện Thạch Hà, dù đã đến mùa gặt hái nhưng không khí nơi đây tĩnh lặng, trên khuôn mặt của những người nông dân hằn lên nét buồn rầu vì lúa ngoài đồng bị chết hàng loạt, gạo trong nhà cũng đã hết.
Tại huyện Cẩm Xuyên, những cánh đồng sắp thu hoạch cũng đang đối mặt với nguy cơ mất mùa. Nếu như theo lệ thường, khoảng hơn tuần lễ nữa những bông lúa vàng gập đầu sẽ vào kỳ thu hoạch, thế nhưng dịch bệnh đạo ôn cổ bông những ngày qua đã khiến những bông lúa này khô bông, lép hạt không có gì để thu hoạch.
Theo phòng Phòng Nông nghiệp huyện Cẩm Xuyên, do đặc thù phát sinh, lây lan nhanh nên diện tích bị nhiễm đạo ôn trên địa bàn gia tăng lên hàng ngày. Ngày 8/5, toàn huyện mới chỉ có khoảng 500ha bị dịch bệnh thì đến thời điểm hiện nay, đã lên đến gần 2.000ha/9.000ha diện tích sản xuất vụ xuân.
Do giống hay thời tiết?
Được biết, loại lúa Thiên Ưu đã được một số địa phương ở tỉnh Hà Tĩnh đưa vào ứng dụng trồng khoảng 3 năm trở lại đây. Giống lúa này được nhận xét là loại giống có khả năng chống chịu bệnh cao, rất có năng suất là loại giống lúa chủ lực của toàn tỉnh Hà Tĩnh trong năm nay.
|
Giống lúa Thiên Ưu |
Ông Nguyễn Công Ty, Trưởng ban Nông nghiệp xã Mỹ Lộc, huyện Can Lộc cho hay, toàn xã có 500 hécta lúa thì có hơn 200 hécta bị nhiễm bệnh. Bệnh này đa phần do nấm bám thì phía cổ bông, dẫn tới lúa chết từ dưới phần bông lên, khi trời nắng hoặc nhiệt độ cao thì khô lại, nhìn ngoài thân cây xanh tốt, nhưng trong ruột lép, hoặc hạt bóc ra bị nát.
“Đây là nhiễm bệnh, chứ không phải do giống lúa. Có thể bà con bón phân không đều, dẫn tới bị bệnh. Nhiều hộ khác có làm giống này, nhưng chăm sóc tốt thì không bị. Xã đã huy động bà con phun thuốc để đẩy lùi bệnh, với hi vọng còn nước còn tát, vớt vát thêm được phần nào vốn liếng thời điểm này” - ông Ty nói.
Đánh giá trước sự việc trên, ông Nguyễn Tống Phong, Chi cục phó Chi cục trồng trọt và bảo vệ thực vật Hà Tĩnh cho biết, hiện tại đã xác định được nguyên nhân lúa bị khô ở phần bông dẫn đến hạt lúa bị dẹp là do bệnh đạo ôn trổ bông.
“Nguyên nhân được xác định là bị đạo ôn trổ bông, tuy nhiên loại bệnh hiếm gặp bởi nó xuất hiện và gây hại khá phổ biến trong các mùa vụ, đặc biệt là trong vụ đông xuân. Về nguyên nhân dẫn đến bệnh này thì do thời tiết năm nay nắng ít, mưa nhiều dẫn đến dễ bùng phát dịch bệnh. Đặc biệt thời điểm trổ bông từ 22/4 đến 25/4 trùng lúc mưa ẩm đã khiến loại nấm này phát triển mạnh. Điều này có thể thấy giống Thiên Ưu 8 khá mẫn cảm với bệnh đạo ôn...” - ông Phong cho hay.
Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết: Vụ xuân 2017 diễn ra trong thời tiết đặc thù, đầu vụ không rét đậm, rét hại; nhiệt độ bình quân thấp và thay đổi đột biến. Điều này xảy ra hệ quả lúa sinh trưởng dinh dưỡng rất mạnh ở thời kỳ thân và lá khiến cho hiện tượng mất cân đối dinh dưỡng diễn ra, trong khi đó thuốc phun phòng trừ không phát huy hết hiệu quả vì gặp thời tiết bất lợi. Do vậy, mặc dù bệnh đạo ôn ở giai đoạn lá không xảy ra “cháy” nhưng đạo ôn cổ bông vẫn phát sinh diện rộng. Hiện, bệnh đang xảy ra trên một số giống: Thiên ưu 8, VTNA2, P6, Xi23. Riêng đối với Thiên ưu, qua nhiều năm sản xuất thử và 3 năm cơ cấu chủ lực, bệnh đạo ôn gần như chưa xảy ra”.