Anh hùng dân chài

(PLO) -Khi ca ngợi chiến công của anh hùng Nguyễn Trung Trực (1838-1868), nhà thơ Huỳnh Mẫn Đạt đã ghi: “Hỏa hồng Nhật Tảo oanh thiên địa/Kiếm bạt Kiên Giang khấp quỷ thần”. Chỉ nói tới việc ông chỉ huy đốt cháy chiến hạm L’Espérance của Pháp thôi, tên đã vang dậy khắp nơi nơi rồi... 
Di ảnh thờ Nguyễn Trung Trực, chùa Sùng Đức, Quận 11.
Di ảnh thờ Nguyễn Trung Trực, chùa Sùng Đức, Quận 11.

Ngày nay hầu khắp 13 tỉnh/thành nơi Đồng bằng sông Cửu Long, đâu đâu cũng có địa danh, tên đường, trường học… mang tên Nguyễn Trung Trực, để ghi ơn một người con anh dũng của đất Nam Kỳ lục tỉnh nửa cuối thế kỷ XIX, đã đứng lên dựng cờ nghĩa mong góp gió cứu nước trong cơn binh lửa. Vậy, Nguyễn Trung Trực là ai? 

Nguyễn Trung Trực, là con của ông Nguyễn Văn Phụng (còn gọi là Nguyễn Trung Thăng) và bà Lê Kim Hồng. Trung Trực là con thứ tư thuộc dòng thứ trong gia đình. Nhà ông, được cho là nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Đông, nay dấu vết nền nhà còn tại ấp 1, xã Thạnh Đức, cách cầu Bến Lức khoảng 1km. Nơi ấy, có con rạch “ông Thắng”, được cho là biến âm của “ông Thăng” bởi gia đình ông Phụng (Thăng) từng hiến tư điền cho làng. 

Xuất thân chài lưới

Khi tham gia kháng Pháp, danh ông Trực nổi như sóng cồn. Ấy nhưng thuở ban sơ, Nguyễn Trung Trực lại có xuất thân rất bình dân. Cứ theo gia phả Nguyễn Trung Trực ở Long An cho hay, thì nội tổ của Nguyễn Trung Trực là Nguyễn Văn Đạo, vốn là một ngư dân ở xóm Lưới, thôn Vĩnh Hội, tổng Trung An, huyện Phù Cát, trấn Bình Định. 

Vậy cơ duyên nào mà từ đất miền Trung, tổ tiên anh hùng họ Nguyễn lại lưu lạc vào miền Nam Kỳ lục tỉnh? Vẫn tài liệu trên cho hay, bởi vào đầu thời vua Minh Mạng, vùng Bình Định nạn hạn hán kéo dài dẫn đến mất mùa, đói kém.

Cực chẳng đã, dân vùng ấy phải tha hương tìm đất sống mới. Gia tộc Nguyễn Trung Trực cũng nằm trong đoàn người Nam tiến ấy. Nơi đất Bình Định, cha ông anh hùng họ Nguyễn theo nghề biển, nên vào vùng đất vàm Thủ Đoàn, họ vẫn theo nghiệp chài lưới đã quen. 

Sau này, Nguyễn Trung Trực cũng theo nghề của cha ông để lại. Bởi thế mà trong bài điếu “Khóc Nguyễn Trung Trực” của thi nhân Huỳnh Mẫn Đạt (1807-1883) được ghi lại nơi “Thi văn quốc cấm thời Pháp thuộc”, hai câu mở đề có nhắc đến nghề gốc của ông, rằng:

Thắng phụ nhung trường bất túc luân,

Đồi ba chỉ trụ ức ngư dân.

Thái Bạch dịch:

Thắng bại chi bàn việc tướng quân,

Người chài trụ đá khúc gian truân. 

Còn Sơn Nam và Ngọc Linh, khi viết biên khảo về ông, thì đã đặt tên sách là “Nguyễn Trung Trực, anh hùng dân chài”. Mà cũng chính từ xuất thân rất bình dân ấy nên sau này trong cuộc chiến với giặc Tây, lại tỏ ra đắc dụng: “Cụ xuất thân là một thợ chài, một dân đồn điền nhưng rất có tài về quân sự, biết áp dụng chiến lược với hoàn cảnh sông rạch chằng chịt, đồng ruộng bùn lầy, núi đồi hiểm trở… lập được nhiều chiến công hiển hách”.

Mẫu tượng Nguyễn Trung Trực lưu tại tạp chí Xưa và nay.
Mẫu tượng Nguyễn Trung Trực lưu tại tạp chí Xưa và nay.

Tính tình “anh Chơn”

Nói về tên của Nguyễn Trung Trực, cũng lắm nẻo lắm chứ không thẳng băng vậy đâu. Theo như Phù lang Trương Bá Phát trong bài “Nén hương hoài cổ Nguyễn Trung Trực dũng tướng Tân An phủ” đăng trên tập san Sử Địa “Kỷ niệm 100 năm Nguyễn Trung Trực”, ra tháng 12/1968 thì ông có nhiều tên lắm, tùy vào quãng thời gian khác nhau mà gọi. Nguyên văn như sau:

“Vị ấy là Chơn (có lẽ là tên từ lúc nhỏ), rồi từ Kỷ Mùi 1859 đổi tên là Đội Lịch. Tên này được giữ tới Tân Dậu 1861, nên người ta nghe gọi là Quản Lịch. Quản này là chánh quản cơ, chứ không phải hương quản.

Theo Tiên Đàm Nguyễn Tường Phượng, thì một chánh quản cơ điều khiển 50 người. Vậy quản Lịch coi 50 người. Lúc đốt tàu L’Espérance rồi quản Lịch đổi tên là Nguyễn Trung Trực. Có lẽ tên này được gọi từ lúc đầu năm 1862 (Tân Dậu – Nhâm Tuất) cho đến ngày cùng của người là 27-10-1868”. 

Ấy là lược thuật của Trương Bá Phát. Thực ra, khi mới sinh, ông có tên khai sinh là Nguyễn Văn Lịch, còn riêng về tên Chơn, lại được cho là có nguồn gốc riêng, thể hiện tính tình của người anh hùng đốt chiến hạm Hi Vọng của Pháp. Vốn thuở chưa tham gia kháng Pháp, Nguyễn Trung Trực có theo học võ tại một lò võ ở rạch Bảo Định cùng Huỳnh Công Tấn, Nguyễn Văn Điền. Và tên Trực của ông, do thầy dạy võ đặt cho. 

Còn tên Chơn của ông, lại là do bà con chòm xóm gọi mà nên, bởi như bài viết “Nguyễn Trung Trực và trận đánh ở vàm Nhật Tảo”, thì “Vì có tính tình cương trực, chân chất, hay cưu mang người khác, giúp đỡ kẻ thế cô, thầy dạy võ đặt tên chữ Hán cho ông là Trực, tức Trung Trực. Còn tên Chơn là tên do bà con làng xóm ái mộ tính tình ngay thẳng, hào hiệp của ông mà đặt cho”. 

Theo “Một số nhân vật lịch sử đất phương Nam”, Nguyễn Trung Trực rất giỏi võ, giao du rộng rãi với hào kiệt trong vùng nên có uy tín. Khi 18 tuổi, chàng Chơn đã từng thượng đài ở phủ lị Tân An tại chợ Cai Tài (nay thuộc xã Quê Mỹ Thạnh, huyện Tân Trụ, tỉnh Long An). Với khả năng võ nghệ hơn người, Chơn đã thắng trong 3 ngày liên tiếp. 

Thấy quốc nạn, anh hùng ai dễ khoanh tay

Thuở bình sinh, Nguyễn Trung Trực cũng như bao người dân hiền lành, chất phác đất lục tỉnh “cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó” như lời đồ Chiểu ghi trong “Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc”. Ấỵ vậy mà, giặc Pháp kéo đến, làm biết bao điều tàn hại tới dân sinh, dẫn tới cảnh nước mất, nhà tan, mà “Hịch kêu gọi nghĩa binh đánh Tây” có ghi lại:

Ở đâu mà chẳng thấy: đào mồ mả, phá miếu chùa, làm những việc bất nhân;

Ở đâu mà chẳng hay: đốt nhà cửa, hãm vợ con, làm những điều vô đạo.

Thế nên, làm trai đứng giữa buổi súng Tây nổ bên tai như thế, Nguyễn Trung Trực cũng như nhiều người dân yêu nước khác, không khỏi gan giận, máu sôi. Trong “Hịch quản Định” còn ghi:

Hai vai nặng trĩu, gánh chi bằng gánh cang trường!

Tấc dạ trung lương, gồng chi bằng gồng xã tắc!

Theo nghiên cứu trong “Việt sử tân biên”, phần “Việt Nam kháng Pháp sử”, thì Nguyễn Trung Trực đã tham gia kháng Pháp vào năm Canh Thân (1860): “Ông Nguyễn Trung Trực tên thật là Nguyễn Văn Lịch người tỉnh Tân An vừa làm nghề chài lưới vừa làm ruộng đã phất cao cờ kháng chiến ở Tân An, Rạch Giá vào 1860 sau khi nhận xét sách lược ngoại giao của triều đình Huế, chỉ là đi từ cuộc đầu hàng này sang cuộc đầu hàng khác và về phần Pháp chỉ ỷ có sức mạnh mỗi ngày làm tới mà thôi”. 

Tác phẩm của Sơn Nam, Ngọc Linh viết về Nguyễn Trung Trực
Tác phẩm của Sơn Nam, Ngọc Linh viết về Nguyễn Trung Trực

Thực tế thì năm Canh Thân (1860), Nguyễn Trung Trực tham gia vào đạo binh đồn điền của Trương Định với chức đội để chống giữ đồn Kỳ Hòa bị thực dân Pháp tấn công, đánh chiếm. Trận đánh đồn Kỳ Hòa, được sử gia Pháp ghi lại khá đủ đầy.

Ta xem trong “Cuộc chinh phạt xứ Nam Kỳ” của Pallu de la Barrière thì biết, trận ấy “trong ngày 25 tháng Hai 1861 (tính theo dương lịch-người dẫn), có đến 50.000 người đánh nhau trong một vùng đất nhỏ, tiếng súng thần công ầm ĩ”. Quân triều đình tham gia trận đánh ấy, có 20.000 quân chính quy, và 10.000 dân đồn điền. Nguyễn Trung Trực lúc ấy, tuổi đời mới 23. 

Dẫu quân đông, nhưng vũ khí lại thua kém địch, thế thua tất rõ. Sau khi đồn Kỳ Hòa thất thủ, trong khi Trương Định lui về Gò Công thì Nguyễn Trung Trực lui về khu vực Tân An hoạt động với chức quản cơ, nên thường được gọi là Quản Lịch, hay Quản Chơn là vì vậy. Kể từ đây, đúng như lời “Cận đại Việt sử diễn ca” viết:

Nguyễn Trung Trực, đảng Cần vương,

Cũng kêu Quản Lịch một phương xưng hùng. 

Từ khi độc lập tác chiến, là lúc tên tuổi, cũng như chiến công của Nguyễn Trung Trực theo thời gian ngày càng lên cao, ghi dấu ấn trong sử nước với chiến thắng nơi sông Nhật Tảo, đốt cháy chiến hạm L’Espérance cùng giai thoại bày binh bố trận đầy mưu trí sẽ được chúng tôi thuật lại tiếp trong kỳ sau hầu bạn đọc, cũng như đoạn kết cuộc đời người anh hùng họ Nguyễn đầy bi tráng trước kẻ thù...

Đọc thêm