Hai Bộ lên tiếng về giải pháp bình ổn giá xăng dầu

(PLVN) - Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ diễn ra vào chiều nay, 4/6, lãnh đạo hai Bộ Công Thương và Tài chính đã chia sẻ một số giải pháp để có thể giảm tiếp xăng dầu trong bối cảnh giá xăng dầu hiện nay đang ở mức cao kỷ lục.
Giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao kỷ lục. (Ảnh minh họa)
Giá xăng dầu trong nước đang ở mức cao kỷ lục. (Ảnh minh họa)

Cụ thể, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, Bộ Công Thương đã và đang phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính thực hiện nhất quán theo Nghị định 83 và Nghị định 95 sửa đổi một số nội dung của Nghị định 83 trong điều hành giá xăng dầu, nhằm mang lại những thuận lợi nhất trong điều kiện có thể đối với người dân và doanh nghiệp.

Có 3 biện pháp cần lưu ý, tập trung thực hiện nhằm kiềm chế cao nhất mức tăng của giá xăng, dầu:

Trước hết, chúng ta cần sử dụng công cụ Quỹ bình ổn giá xăng dầu (Quỹ BOG) một cách hiệu quả và linh hoạt nhằm hạn chế biến động mạnh của giá xăng dầu trong nước so với biến động giá của thế giới, góp phần kiểm soát lạm phát, hỗ trợ việc phục hồi kinh tế.

Biện pháp thứ hai, chúng ta phải điều chỉnh các loại thuế, phí trong cơ cấu xăng dầu. Ví dụ, hiện nay có thuế bảo vệ môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế nhập khẩu. Vừa qua, Bộ Công Thương đã đề xuất, kiến nghị và Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ, ngày 23/3/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 18 về giảm mức thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu, mỡ nhờn 50% và giảm 70% mức thuế bảo vệ môi trường với dầu hỏa từ ngày 1/4/2022, có hiệu lực đến hết năm nay. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục rà soát trong phạm vi cho phép để giảm tiếp các thuế có liên quan đến cơ cấu giá xăng, dầu.

Biện pháp thứ ba, theo quan điểm của Bộ Công Thương là giá xăng, dầu muốn giảm được mức tăng không phải chỉ có riêng Bộ Công Thương và Bộ Tài chính mà đây còn là trách nhiệm của Chính phủ và của các bộ, ngành khác. Vì vậy, cần hướng tới đề xuất những chính sách an sinh cho người dân, hướng đến những đối tượng người nghèo, hộ chính sách… và phải tiếp tục có những giải pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp trong bối cảnh xăng, dầu tăng như hiện nay.

Ông Đỗ Thắng Hải tin rằng với những biện pháp hiện nay và sắp tới sẽ cố gắng ở mức cao nhất để đảm bảo điều chỉnh mức giá xăng dầu trong khả năng cho phép.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, các sắc thuế đối với xăng dầu của Việt Nam phù hợp với thông lệ trên thế giới.

Theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, các sắc thuế đối với xăng dầu của Việt Nam phù hợp với thông lệ trên thế giới.

Còn theo Thứ trưởng Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn, các chính sách thuế chúng ta đang áp dụng với xăng dầu hiện nay gồm: Thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng, thuế bảo vệ môi trường và thuế giá trị gia tăng. Các sắc thuế này đảm bảo phù hợp với các thông lệ chung trên thế giới.

Trong bối cảnh giá xăng, dầu tăng cao thời gian vừa qua do các nước đang trong giai đoạn phục hồi sau đại dịch và xung đột Nga-Ukraine, đây là vấn đề nóng trong nước và cả trên thế giới. Những người làm quản lý giá cũng rất lo lắng giá tăng dầu sẽ ảnh hưởng đến chỉ số CPI, đây là thách thức lớn trong năm 2022.

Về thuế bảo vệ môi trường, trong năm 2021-2022, để hỗ trợ các hãng hàng không phục hồi, chúng ta đã giảm 50% thuế bảo vệ môi trường đối với nhiên liệu bay. Bộ Tài chính cũng đã báo cáo Chính phủ trình Quốc hội thông qua Nghị quyết về thuế bảo vệ môi trường với xăng dầu, mỡ nhờn có mức giảm 50-70% để hỗ trợ giảm giá xăng, dầu.

Hiện tại, trong bối cảnh giá xăng, dầu lên cao, ngày 21/4 vừa qua, Bộ Tài chính đã xin ý kiến các bộ, ngành báo cáo Chính phủ về biểu thế xuất nhập khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi, trong đó có đề xuất điều chỉnh giảm thuế suất nhập khẩu ưu đãi với xăng từ 20% xuống 12% nhằm đa dạng hoá các nguồn cung xăng dầu.

Còn thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng, không có quy định về việc miễn giảm thuế đối với hàng hóa chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Mặt khác, thuế tiêu thụ đặc biệt của chúng ta hiện nay với mặt hàng xăng cũng đang ở mức thấp trên thế giới.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Đào Minh Tú.

Cũng tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam Đào Minh Tú nhấn mạnh, NHNN chưa bao giờ có văn bản hoặc phát ngôn dùng những từ như “siết”, “cắt” tín dụng bất động sản.

Từ trước tới nay, quan điểm của NHNN vẫn theo tinh thần kiểm soát chặt chẽ tín dụng ở một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro lớn như bất động sản, chứng khoán. Đối với bất động sản cũng là đối tượng được kiểm soát chặt chẽ, ở những dự án phân khúc lớn, những dự án có tính chất đầu cơ, thậm chí có tính chất lũng đoạn giá, phải kiểm soát rất chặt chẽ.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông thì khẳng định về những thành công của SEA Games 31 tổ chức tại Việt Nam. Qua SEA Games lần này, Thể thao Việt Nam đã khẳng định vị thế hàng đầu tại đấu trường thể thao khu vực. Bộ đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục quan tâm định hướng và đầu tư cho công tác thể dục thể thao cả về thể chế, chính sách và nguồn lực để thực hiện các mục tiêu chiến lược nhằm nâng tầm của thể thao Việt Nam trong giai đoạn tới. Để tiếp tục phát huy vị thế của thể thao Việt Nam, đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo, đầu tư trọng điểm cho công tác chuẩn bị lực lượng vận động viên tham dự Olympic 2024.

Còn Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Nguyễn Thị Hà thông tin một số giải pháp gỡ vướng trong hỗ trợ tiền thuê nhà trọ cho người lao động theo Quyết định 08 của, Thủ tướng. Theo đó, Bộ đã ban hành Công văn gửi UBND các tỉnh, thành phố đẩy nhanh tiến độ hoàn thành vào tháng 8/2022. Thực tế, thủ tục viết đơn xác nhận danh sách đơn giản, nhưng doanh nghiệp sợ trục lợi nên phát sinh thêm 2 nội dung thủ tục, làm chậm tiến độ. Bộ đã có hướng dẫn các cơ quan chuyên môn đốc thúc kịp thời tháo gỡ khó khăn.

Bộ cũng đã có công văn đề nghị UBND cấp tỉnh phối hợp phê duyệt danh sách, phối hợp với Tổng Liên đoàn Lao động lập danh sách rà soát người lao động nhanh chóng hơn. Tăng cường phối hợp với các bộ ngành, tuyên truyền các chính sách, hướng dẫn kiểm tra, giám sát việc thực hiện sớm đi vào cuộc sống như đã nêu.

Giải đáp về đề xuất tăng học phí trong bối cảnh giá cả leo thang rất cao, tạo áp lực cho cuộc sống người dân, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn chia sẻ, tại các địa phương còn nhiều gia đình khó khăn nên các địa phương công bố mức học phí. Ở các trường đại học mức độ tự chủ tài chính khác nhau.

Bộ đã có công văn ngày 23/5 gửi các bộ, ngành, địa phương đề nghị chỉ đạo các cơ sở giáo dục trực thuộc xác định mức học phí cũng như lộ trình tăng học phí phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, chia sẻ khó khăn với người dân, khả năng đóng góp của người dân. Bộ cũng tăng cường thanh tra kiểm tra khoản thu học phí của các cơ sở giáo dục để đảm bảo tuyệt đối không xảy ra lạm thu đầu năm học.

Trong buổi họp Chính phủ thường kỳ sáng 4/6, Bộ cũng được giao tiếp tục nghiên cứu để xây dựng lộ trình điều chỉnh tăng học phí, đặc biệt nghiên cứu toàn diện tác động của việc tăng học phí tới các đối tượng khác nhau, nhất là đối với học sinh sinh viên, gia đình khó khăn. Trên cơ sở đó đề xuất Chính phủ có những biện pháp hỗ trợ cần thiết.

Đọc thêm