Hai căn hầm di tích giữa lòng TP HCM

(PLO) -Nằm gọn trong những con hẻm nhỏ giữa trung tâm Sài Gòn, căn nhà đơn sơ là một di tích cấp quốc gia nhưng nhiều người vô tình đi qua không để ý. Hơn 50 năm trước, nơi đây lực lượng biệt động ngày đêm bí mật đào hầm cất giấu gần 3 tấn vũ khí, chuẩn bị cho chiến dịch tết Mậu thân 1968, đồng thời chuẩn bị tổng tấn công Biệt khu thủ đô (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự TP.HCM), nhằm giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.
Đường xuống hầm nơi chứa vũ khí
Đường xuống hầm nơi chứa vũ khí

“Kho” vũ khí bí mật

Căn nhà số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 5, quận 3, (TP.HCM) được xem là căn hầm bí mật từng chứa nhiều vũ khí trong chiến tranh. Ngược dòng lịch sử, qua những cuốn hồi ký ghi lại cho thấy, năm 1967, ông Trần Văn Lai (ông Năm Lai) đã mua căn nhà này với diện tích 37m2 theo sự thống nhất của đồng chí Nguyễn Văn Trí, chỉ huy, chính trị viên đơn vị Biệt động 159 (Quân khu Sài Gòn - Gia Định). 

Thời điểm đó ông Lai vừa làm việc tại cơ quan viện trợ U-SOM của Mỹ và Dinh Độc Lập với danh nghĩa thầu khoán, vừa hoạt động bí mật trong đơn vị “Bảo đảm chiến đấu” của đơn vị Biệt động 159. Lấy cớ sửa nhà cần đào hầm vệ sinh và hệ thống thoát nước, ông Lai sử dụng những người thợ tin cậy nhất đào hầm bí mật giấu vũ khí, nhằm phục vụ cho chiến trường. Bảy tháng sau, căn hầm được hoàn thành. Hầm có kích thước dài hơn 8m, ngang 2m, cao 2.5m, trát xi măng dày để chống thấm. 

Trong hầm có 4 khung tròn nối với ống thoát nước, kích thước vừa một người chui để thoát hiểm. Miệng hầm và nắp hầm do chính ông Lai tự tay lắp đặt bí mật. Miệng hầm được chọn ở gần cầu thang.

Nắp hầm được ghép bằng 6 miếng gạch, có chốt vặn ở giữa để dùng khoen nhấc bổng, diện tích 0,4m x 0,6m, vừa một người chui. Không những có hầm bí mật, bên trong căn nhà vừa là nơi chứa vật liệu xây dựng, vừa để được xe ôtô.

Sau khi ông Lai qua đời, ông Nguyễn Quang Vinh, một cựu chiến binh, người được ông Lai tin cẩn giao trông coi ngôi nhà đã gần 10 năm nay. Nhưng ông Vinh cũng đã qua đời do tuổi cao sức yếu. Vợ ông thay chồng tạm đảm nhận công việc.

Theo lời bà Nguyễn Thị Hương, vợ ông Vinh: “Vào năm 2000 khi đang còn đang công tác ở Hội Cựu chiến binh quận 3, tình cờ một hôm hai vợ chồng tôi đến thăm căn nhà này lần đầu tiên thì thực sự xúc động khi chứng kiến căn hầm và nghe câu chuyện về sự hy sinh anh dũng của các những người lính năm xưa. Như một duyên số, ông Lai có nhắn nhủ chồng tôi sau khi mất sẽ nhờ qua trông coi căn nhà này.

Năm 2002, ông Lai mất trong một cơn bệnh, từ đó chồng tôi thường xuyên qua nơi này trông coi cho mãi tới bây giờ. Chồng tôi cũng qua đời, hiện tôi đang tạm gánh vác công việc là làm thiện nguyện nơi đây, đợi khi có người trên quận xuống làm việc thì tôi mới đi”.

Chỉ tay vào bộ ván bóng lưỡng rỗng ruột, cuộn cà tăng, sọt trái cây… được trưng bày cuối góc nhà, bà Hương giới thiệu, nhằm tránh sự chú ý của xóm giềng, xe chở vũ khí từ huyện Củ Chi do đồng chí Nguyễn Văn Ba (tự Ba Bảo) lái chỉ đến nhà vào lúc nhá nhem tối, lúc đi cửa trước, lúc đi cửa sau và lùi xe vào trong nhà để bốc dỡ. Toàn bộ vũ khí gồm nhiều loại như: súng AK, súng ngắn, súng bộc phá… đều được che giấu khéo léo trong bộ ván, cuộn cà tăng, dưới sọt trái cây để qua mắt địch.

Ngày 29 Tết Mậu Thân, tại xã Lộc Thuận, huyện Trảng Bàng (tỉnh Tây Ninh), Đội 5 Biệt động thực tập chuẩn bị cho cuộc tiến công. Đêm mồng 01, rạng sáng mồng 02 tết, 15 chiến sĩ Đội 5 Biệt động tập trung tại căn nhà số 287/70 Nguyễn Đình Chiểu.

Dưới sự chỉ huy của đồng chí Trương Hoàng Thanh (Ba Thanh), đội xuất phát trên 3 chiếc ôtô  tiến về dinh Độc Lập, thực hiện trận đánh táo bạo, vang dội trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968. Sau khi 7 chiến sĩ sống sót bị bắt, địch cho người đến bắn phá căn nhà vì nghi ngờ đây là nơi trú ngụ của đội biệt động.

Bà Nguyễn Thị Loan (quản lý hầm bí mật đường 3/2)
Bà Nguyễn Thị Loan (quản lý hầm bí mật đường 3/2) 

“Trung tâm” tin tức

Ghé qua một địa chỉ khác nằm ngay trên đường 3/2, quận 10 (đối diện nhà hát Hòa Bình), căn hầm bí mật thứ hai được xây dựng thành công cùng thời điểm nhằm tiếp tế và chứa đựng vũ khí cho cuộc tổng khởi nghĩa mùa xuân 1968, đồng thời chuẩn bị cho chiến dịch đại thắng mùa xuân 30/4/1975.  

Theo tài liệu ghi lại, tháng 5/1964, đơn vị “bảo đảm” mang số bí danh J9-T700  thuộc đội Biệt động Sài Gòn, sau khi tìm hiểu đã quyết định mua căn nhà trên, vì có vị trí gần khu quân sự và cơ quan đầu não của Mỹ - VNCH. Theo chỉ đạo của cấp trên, ông Đỗ Văn Căn (bí danh Ba Mủ) đưa gia đình về sinh sống, hoạt động cách mạng dưới vỏ bọc cơ sở ép đế giày bằng mủ cao su.

Đầu năm 1965, ông Căn nhận lệnh gấp rút xây hầm bí mật thứ hai gần nhà hát Hòa Bình, từ đây căn hầm được xây dựng với diện tích dài 2,2m; sâu 1,7m, xung quanh xây gạch, tô xi măng. Nắp hầm có kích thước 0,4m x 0,6m gồm 2 miếng gạch trùng khớp nhau, đậy khít miệng hầm. Một tấm ván gỗ dùng ngăn đôi căn nhà. Phía trước phòng khách  được đặt một bộ salon ngụy trang trên ngay trên nắp hầm, phía sau dùng làm nơi ép đế giày cao su.

Theo lời bà Nguyễn Thị Loan, người phụ trách quản lý căn nhà tại đường 3/2 cho biết: “Từ hầm bí mật này, những hội viên nòng cốt của hội thay phiên nhau theo dõi tin tức từ các đài phát thanh “Tiếng nói Việt Nam”, “Tiếng nói Nam bộ kháng chiến”, biên tập lại và in thành truyền đơn phát hành đi các nơi để thông báo tin tức từ trung ương đến với đồng bào, chiến sĩ Vệ quốc đoàn, hoặc được sao chép thành tài liệu học tập nội bộ. 

Ngoài ra, tài liệu từ chiến khu An Phú Đông được mang về in và giao bí mật tới hàng trăm cơ sở trong thành phố. Có khi tài liệu được in thành truyền đơn để đưa đi rải ở các chợ, tuyên truyền phát động phong trào đấu tranh trong nhân dân.

“Tháng 7/1965, từ căn cứ Sở cao su Bến Cát, các đồng chí Dương Long Sang, Đỗ Tấn Phong chỉ thị chiến sĩ biệt động Sáu Mia, dùng xe tải chở vũ khí giấu trong mủ cao su đến nhà ông Ba Nhê (cơ sở Biệt động Sài Gòn), một cơ sở gia công đế giày tại chợ An Đông.

Theo ám hiệu đã quy định, ông Ba Căn sẽ đến nhận những miếng cao su “đặc biệt”, bên trong có giấu vũ khí, đem về cất giấu trong hầm bí mật. Trong vòng bốn tháng, ba chuyến hàng đã chuyển về hầm bí mật gồm: 50 kg thuốc nổ và kíp nổ, 7 khẩu súng AK cùng 21.000 viên đạn, 50 quả lựu đạn, 1 khẩu  súng ngắn cùng 50 viên đạn và một số quân trang, quân phục khác. Giữa năm 1967, ông Ba Căn lại chuẩn bị số lượng lớn thuốc và bông băng cứu thương cất giấu sẵn dưới hầm”, bà Hương (vợ ông Vinh) nói thêm.

Trong Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân 1968, một cánh quân xuất phát từ Phú Định do đồng chí Lê Thanh Bình (Tư Bình) chỉ huy tiến về Sài Gòn qua ngã Cây Gõ, Phó Cơ Điều – Chợ Thiếc để tiến đánh tòa nhà Cảnh sát ngụy. Cánh quân này theo hợp đồng, sẽ đến điểm hẹn tại nhà ông Ba Căn để tiếp nhận vũ khí, đạn dược.

Nhưng khi vượt qua đường Lý Nam Đế, chỉ huy Tư Bình trúng đạn bị thương, một số chiến sĩ khác hy sinh, nên cánh quân không thể tiến đến điểm hẹn theo quy định. Sau chiến dịch, ngôi nhà thường bị địch khám xét, nhưng không phát hiện được căn hầm. 

Năm 1974, ông Dương Long Sang – Bí thư đoàn 195 đến kiểm tra hầm, nhận thấy kho vũ khí vẫn còn tốt, nên tháng 4 năm 1975, ông chỉ đạo Đội biệt động J9-T700 khui hầm và sử dụng vũ khí nhằm chuẩn bị tấn công Biệt khu thủ đô (nay là Bộ Chỉ huy Quân sự TP.HCM) nhưng kế hoạch chưa thực hiện thì trưa 30/4/1975, lực lượng VNCH tuyên bố đầu hàng.

Năm 2003, ông Đỗ Văn Căn mất vì tuổi cao sức yếu, gia đình ông (gồm 17 người) vẫn sống tại căn nhà này. Nhưng theo thời gian, căn nhà dần xuống cấp nghiêm trọng, nhân khẩu ngày càng tăng nên việc sinh hoạt gặp một số khó khăn.

Nhận thấy điều đó, UBND TP.HCM đã chấp thuận hoán đổi cho gia đình sang căn nhà mới số 390 Nguyễn Chí Thanh, quận 10. Hầm bí mật chứa vũ khí trong thời kỳ chống Mỹ (1965 - 1975) nay trở thành  di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và được đưa vào làm địa điểm tham quan phục vụ cho nhân dân và du khách.

Đọc thêm