Hải Dương: Xác định sai nguồn gốc đất, UBND huyện thua kiện người dân

(PLVN) - TAND tỉnh Hải Dương tuyên, việc xác định nguồn gốc sử dụng đất và quá trình sử dụng đất của Văn phòng ĐKQSDĐ huyện Thanh Hà, UBND huyện Thanh Hà đối với thửa đất diện tích 360m2 của gia đình ông Phạm Văn Thoan tại thôn Đông Lĩnh, xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà (nay là Thành phố Hải Dương) tỉnh Hải Dương là trái pháp luật.

"Đánh đồng" đất ao với đất ở khi thu thuế

Nội dung vụ án: Gia đình ông Phạm Văn Thoan có thửa đất diện tích 360m2 thuộc thôn Đông Lĩnh, xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà (nay thuộc TP Hải Dương), tỉnh Hải Dương đã sử dụng ổn định trước ngày 15/10/1993, không có tranh chấp.

Về nguồn gốc sử dụng đất (SDĐ), năm 1991 ông Thoan xây dựng gia đình được bố mẹ cho 212m2 đất ao ra ở riêng, sau đó vợ chồng ông  có mua thêm hơn 216m2 đất ao liền kề với giá 200.000đ (hiện nay thực tế chỉ còn 172m2). Vợ chồng ông Thoan đã san lấp phần ao này thành đất ở và xây nhà trên đất từ năm 1992 đến nay.

Ngày 31/7/2018, ông Thoan có đơn đề nghị cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ và đã được cơ quan có thẩm quyền lập hồ sơ, làm thủ tục theo quy định. Ông Thoan đã nộp đầy đủ nghĩ vụ tài chính cho nhà nước.

Tuy nhiên, ông Thoan cho rằng, diện tích 190m2 đất của gia đình ông sử dụng  trước ngày 15/10/1993, không có tranh chấp thì sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ đối với  đất ở, còn diện tích 170m2 đất ao liền  kề với đất ở thì gia đình ông Thoan chỉ phải nộp tiền đất chuyển đổi = ½ giá đất ở. Việc Chi cục thuế khu vực Nam Thanh thu thuế toàn bộ diện tích đất ở của gia đình ông gồm: Tiền sử dụng đất, tiền phí trước bạ, tiền lệ phí trước bạ nhà đất, phạt nộp chậm hơn 300 triệu đồng là không đúng.

Từ đó, ông Phạm Văn Thoan khởi kiện: Đề nghị UBND huyện Thanh Hà, tỉnh Hải Dương xác định loại đất, vị trí, mục đích, nguồn gốc SDĐ và quá trình SDĐ đối với diện tích 360m2 của gia đình ông.

Đồng thời ông yêu cầu Chi cục thuế khu vực Nam Thanh – tỉnh Hải Dương phải hoàn trả khoản tiền hơn 300 triệu đồng là tiền mà ông đã nộp tiền SDĐ, tiền lệ phí trước bạ, lệ phí trước bạ nhà đất, tiền phạt nộp chậm.

Chủ tịch huyện chưa thực hiện đúng quy định trong việc giải quyết đơn khiếu nại

Sau khi căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa, HĐXX TAND tỉnh Hải Dương nhận định: về nguồn gốc đất theo sổ địa chính và bản đồ năm 1985 thì diện tích đất 212m2 là loại đất ao mang tên bố đẻ ông Thoan và diện tích đất 216m2 đất ao do ông Thoan nhận chuyển nhượng từ gia đình bên cạnh.

Qua xác minh tại địa phương và lời khai của những người làm chứng thể hiện: năm 1992 ông Thoan đã lấp 1 phần đất ao của bố ruột cho và một phần mua thêm để làm 3 gian nhà và vườn, còn lại một phần là diện tích ao.

Đến năm 1997 địa phương đo đạc, chỉnh lý, lập bản đồ đã xác định thửa đất của gia định ông Thoan có 190m2 là loại đất T (thổ cư), 99m2 là đất ao. Sau này, chỉnh lý thêm một phần diện tích đất ao nhận chuyển nhượng trước đó vào diện tích đất là của ông Thoan.

Luật sư Phạm Văn Kỳ người bảo vệ quyền lợi của nguyên đơn đánh giá bản án của TAND tỉnh Hải Dương là khách quan, đúng pháp luật 

Như vậy, có căn cứ xác định trước năm 1993, gia đình ông Thoan đã lấp và sử dụng làm nhà, làm vườn diện tích 190m2, sử dụng ổn định, lâu dài, không có tranh chấp nên diện tích phần thổ cư này phải công nhận cho gia đình ông Thoan là đất còn trong hạn mức theo quy định.

Theo TAND tỉnh Hải Dương, UBND huyện Thanh Hà, Văn phòng đăng ký quyền SDĐ huyện Thanh Hà xác định quá trình sử dụng toàn bộ 360m2 là đất trồng cây lâu năm để chuyển mục đích sang đất ở là chưa đúng quy định theo Luật Đất đai.

Xét yêu cầu của nguyên đơn đối với Chi cục thuế, HĐXX cho rằng,  Văn phòng đăng ký quyền SDĐ đã chuyển thông tin thửa đất đến Chi cục thế Nam Thanh để ông Thoan thực hiện nghĩa vụ tài chính, đây là một trong những trình tự thủ tục để cấp giấy chứng nhận quyền SDĐ đối với hộ gia đình, cá nhân.

Diện tích đất của gia đình ông Thoan trước năm 1993 là loại đất ao, năm 1991 và 1992 gia đình đã san lấp một phần ao của bố ông Thoan và một phần ao sang nhượng sau đó xây nhà ở, trồng cây và xác định là 190m2.

Do vậy đối với phần đất này sẽ không phải nộp tiền SDĐ theo quy định của Luật Đất đai. Còn đối với diện tích đất ao, vườn san lấp sau ngày 15/10/1993 nay chuyển mục đích sử dụng thành đất ở thì người SDĐ phải nộp tiền đất, phí, lệ phí là đúng quy định.

Từ đó, TAND tỉnh Hải Dương, tuyên chấp nhận 1 phần yêu cầu khởi kiện của ông Phạm Văn Thoan. Tuyên bố việc xác định nguồn gốc SDĐ và quá trình SDĐ của  Văn phòng đăng ký quyền SDĐ huyện Thanh Hà, UBND huyện Thanh Hà đối với thửa đất diện tích 360m2 của gia đình ông Phạm Văn Thoan tại thôn Đông Lĩnh, xã Quyết Thắng, huyện Thanh Hà (nay là Thành phố Hải Dương) tỉnh Hải Dương là trái pháp luật.

Buộc Chi cục thuế khu vực Nam Thanh – tỉnh Hải Dương làm thủ tục hoàn trả lại tổng các khoản tiền đã thu theo thông báo là hơn 300 triệu đồng cho ông Thoan. Việc xác định nghĩa vụ nộp tiền, số tiền SDĐ của gia đình ông Thoan sẽ được các cơ quan có thẩm quyền thực hiện cho quy định của pháp luật.

Chủ tịch huyện chưa thực hiện đúng quy định trong việc giải quyết đơn khiếu nại
HĐXX cũng “nhắc nhở”: Sau khi UBND huyện Thanh Hà nhận được đơn khiếu nại của ông Thoan ghi lần 2 thì Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà đã giao cho Phòng Tài nguyên & Môi trường tham mưu giải quyết đơn. Phòng Tài nguyên & Môi trường đã tiến hành xác minh nhưng đến hết thời hạn giải quyết khiếu nại Chủ tịch UBND huyện Thanh Hà cũng không có văn bản giải quyết, hướng dẫn, giải thích hoặc trả lời ông Thoan như vậy là không đúng trong việc xử lý đơn khiếu nại.

Đọc thêm