Hai lần xử, hai lần ra bản án trái pháp luật?

Cần xem xét xử lý việc thẩm phán TAND TP Phủ Lý cố tình sửa hồ sơ, đưa doanh nghiệp đã chết trở thành nguyên đơn của vụ kiện.

Cần xem xét xử lý việc thẩm phán TAND TP Phủ Lý cố tình sửa hồ sơ, đưa doanh nghiệp đã chết trở thành nguyên đơn của vụ kiện.

Tài liệu thể hiện đơn khởi kiện của Cty 3 -2 được bổ sung sau phiên tòa sơ thẩm lần 1

Doanh nghiệp đã chết vẫn ký hợp đồng và khởi kiện

Cty 3-2 là doanh nghiệp Nhà nước thuộc Quân khu 3, Bộ Quốc phòng được thành lập năm 1999; có một chi nhánh tại TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam được thành lập cùng năm. Năm 2003, Chi nhánh Cty tại Hà Nam được UBND tỉnh Hà Nam cho thuê 100m2 đất tại TP Phủ Lý làm trụ sở giao dịch.

Cũng trong năm 2003, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 80/2003 về cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước do Bộ Quốc phòng quản lý, trong đó có Cty 3-2. Bộ Quốc phòng cũng có Quyết định số 1915 về việc cổ phần hóa Cty này. Theo quyết định này, việc cổ phần hóa phải được thực hiện trong năm 2004. Tuy nhiên, quá trình cổ phần hóa kéo dài đến cuối năm 2005 mới kết thúc. Ngày 25/12/2005, Cty cổ phần 389 được thành lập trên cơ sở cổ phần hóa Cty 3-2, chấm dứt sự tồn tại của doanh nghiệp nhà nước này.

Trước khi Cty 3-2 chấm dứt sự tồn tại, Bộ Tư lệnh Quân khu 3 đã điều chuyển Chi nhánh Hà Nam của Cty về Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Bình. Việc bàn giao được thực hiện xong vào ngày 30/10/2004. Như vậy, Chi nhánh Hà Nam của Cty này cũng được “khai tử” trước khi Cty 3-2 chấm dứt sự tồn tại. ặc dù “đã  chết” nhưng 2 năm sau vẫn “sống dậy” để ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất với doanh nghiệp tư nhân Trung Hoa.

Theo hợp đồng này, thửa đất 100m2 mà Chi nhánh Cty 3-2 tại Hà Nam thuê của UBND tỉnh Hà Nam và ngôi nhà 2 tầng được bán cho doanh nghiệp Trung Hoa với giá hơn 800 triệu đồng. Hợp đồng do ông Vũ Văn Biết, nguyên giám đốc Chi nhánh Cty 3-2 ký, có sử dụng con dấu của Chi nhánh Cty 3-2.

Doanh nghiệp tư nhân Trung Hoa đã nhận tài sản và trả gần đủ số tiền theo thỏa thuận. Tuy nhiên, do thửa đất thuê của UBND tỉnh Hà Nam không thể làm thủ tục sang tên doanh nghiệp tư nhân Trung Hoa nên hai bên phát sinh tranh chấp. Ông Biết khởi kiện doanh nghiệp tư nhân Trung Hoa, yêu cầu hủy bỏ hợp đồng chuyển nhượng 100m2 đất của Chi nhánh Cty 3-2.

Tuy nhiên, TAND TP Phủ Lý đã không thụ lý đơn khởi kiện của ông Biết mà thụ lý đơn khởi kiện của…Chi nhánh Cty 3-2 tại Hà Nam. Hồ sơ vụ kiện thể hiện, Chi nhánh Cty 3-2 đứng đơn và tham gia tố tụng kể từ khi hòa giải tại cơ sở trước khi Tòa thụ lý vụ kiện. Việc Chi nhánh “đã chết” sống lại để khởi kiện khiến vụ kiện trở thanh “hy hữu” và kéo theo hàng loạt nghi vấn tiêu cực Tòa án chấp nhận đơn kiện và đưa vụ án ra xét xử.

Cố tình ra các bản án trái pháp luật?

Khi mở phiên tòa, việc Chi nhánh “đã chết” mà vẫn khởi kiện bị luật sư của bị đơn phát giác. Nhưng thay vì phải đình chỉ giải quyết vụ kiện và trả lại đơn cho đương sự, TAND TP Phủ Lý đã thay thế Chi nhánh Hà Nam bằng chính Cty 3-2, doanh nghiệp đã bị cổ phần hóa.

Trong Bản án sơ thẩm lần thứ nhất, Cty 3-2 đứng ở vị trí nguyên đơn mặc dù không xuất hiện trong bất cứ tài liệu tố tụng nào của vụ án. Điều này cho thấy, bản án được cố tình ban hành trái pháp luật. Nhưng sai phạm này không được TAND tỉnh Hà Nam khắc phục mà Tòa chỉ hủy án để xét xử lại vì cấp sơ thẩm…không hòa giải giữa các đương sự.

Lần thứ 2 xét xử vụ kiện, TAND TP Phủ Lý vẫn công nhận Cty 3-2 là nguyên đơn hợp pháp cho dù Cty này không còn tồn tại. Bản án sơ thẩm lần thứ 2 của TAND TP Phủ Lý và Bn án phúc thẩm lần thứ 2 của TAND tỉnh Hà Nam cũng giống như lần xét xử thứ nhất là công nhận doanh nghiệp không tồn tại này là nguyên đơn của vụ kiện. Tòa án đã tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng tài sản và quyền sử dụng đất giữa doanh nghiệp Trung Hoa với Chi nhánh Cty 3-2, buộc doanh nghiệp Trung Hoa trả lại tài sản cho doanh nghiệp đã bị khai tử. 

Tại Quyết định kháng nghị số 158/QĐ-KNGĐT-V5 ngày 17/11/2011, VKSNDTC nhận định: Cty 3-2 không còn tư cách quản lý đối với Chi nhánh Hà Nam từ ngày 30/10/2004 nên việc xác định Cty này là nguyên đơn của vụ kiện là trái pháp luật. Quyết định kháng nghị cũng nêu rõ, việc sử dụng con dấu của Chi nhánh Hà Nam để giao dịch là hành vi trái pháp luật vì con dấu của Chi nhánh chỉ được sử dụng trong thời gian 30 ngày kể từ ngày 30/10/2004 và phải có sự đồng ý của Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Ninh Bình, đơn vị tiếp quản Chi nhánh này.

 Việc nguyên đơn không đủ tư cách khởi kiện đã quá rõ ràng, đương sự đã yêu cầu Tòa án đình chỉ giải quyết vụ án vì doanh nghiệp đã “chết” thì không thể khởi kiện được. Thế nhưng, TAND TP Phủ Lý và TAND tỉnh Hà Nam vẫn cố tình thụ lý, xét xử vụ kiện khiến VKSNDTC phải kháng nghị hủy các bản án trái pháp luật này.  Điều dư luận quan tâm là, TAND TP Phủ Lý và TAND tỉnh Hà Nam đã mắc “lỗi nghiệp vụ” hay cố tình ra bản án trái pháp luật trong một vụ kiện có dấu hiệu của việc cố tình làm sai lệch hồ sơ khởi kiện?

Theo Luật sư Đặng Quý Chuyên,VPLS Phạm Hồng Hải thì Kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm đối với Bản án phúc thẩm lần 2 của TAND tỉnh Hà Nam là đúng pháp luật, vì bản án này có vi phạm pháp luật tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án, đó là việc thụ lý đơn kiện của tổ chức không đủ tư cách khởi kiện. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, đối với vi phạm này thì phải hủy bản án phúc thẩm và cả bản án sơ thẩm.

Bộ luật tố tụng dân sự quy định, trường hợp nguyên đơn không có đủ tư cách khởi kiện thì không được thụ lý vụ án; nếu đã thụ lý thì phải đình chỉ giải quyết vụ án và trả lại đơn kiện. Trường hợp xét xử và tuyên bản án thì phải hủy án và đình chỉ giải quyết vụ án. Trong vụ án này, nguyên đơn không có tư cách khởi kiện và thì phải xử giám đốc thẩm theo hướng hủy các bản án trái pháp luật của cấp sơ thẩm, phúc thẩm và đình chỉ giải quyết vụ án.                                                                    

Bình Minh

Đọc thêm