Sau 2 năm thực hiện Quyết định số 792 ngày 23/6/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Đề án Quy hoạch mạng lưới Trung tâm trợ giúp pháp lý (TGPL) nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm giai đoạn 2008-2010, định hướng đến 2015, Cà Mau đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tuy nhiên, vướng mắc vẫn chưa hết…
Dần đi vào “quỹ đạo”
Tính đến tháng 8/2010, tỉnh Cà Mau đã thành lập xong 7/8 Chi nhánh TGPL trực thuộc Trung tâm TGPL Nhà nước tỉnh với 02 biên chế/Chi nhánh. Riêng tại Trung tâm TGPL tỉnh hiện là 25 cán bộ, viên chức trong tổng số 26 biên chế được giao. Còn cộng tác viên TGPL của Trung tâm có tổng cộng 173 người. Với đội ngũ chuyên viên và cộng tác viên trên, trong 2 năm qua, Trung tâm đã thực hiện gần 4.300 vụ việc TGPL. Tính trung bình, mỗi Chi nhánh thực hiện TGPL miễn phí 40-50 vụ/quý,
Có thể nói, sau khi đổi mới công tác tổ chức, hoạt động của Trung tâm TGPL nhà nước và các Chi nhánh TGPL đi vào ổn định và hiệu quả cao. Công tác TGPL trên địa bàn tỉnh đã đáp ứng kịp thời nhu cầu TGPL của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa.
Đặc biệt, công tác TGPL lưu động đã góp phần lớn trong việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật quan trọng đến nhân dân trong tỉnh. Mặt khác, hoạt động TGPL cũng tác động tích cực đến tinh thần, trách nhiệm với nhân dân trong hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức.
Nhằm góp phần đẩy mạnh hoạt động TGPL tại địa phương, Sở Tư pháp tỉnh Cà Mau đã huy động các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp đăng ký tham gia TGPL.
Toàn tỉnh hiện có 2 Trung tâm tư vấn pháp luật thuộc Tỉnh đoàn và Hội Luật gia tỉnh, 2 Công ty luật, 11 văn phòng luật sư có thành viên đăng ký tham gia làm cộng tác viên của Trung tâm. Qua 2 năm thực hiện Đề án, sự tham gia TGPL của các tổ chức được đẩy mạnh với nhiều hình thức đa dạng như thực hiện tư vấn pháp luật; cử luật sư tham gia bào chữa, đại diện cho các đối tượng được hưởng TGPL miễn phí trong các giai đoạn tố tụng của vụ án hình sự, dân sự; tham gia TGPL lưu động cùng Trung tâm.
Tiêu chuẩn cao nên thiếu người!
Tuy nhiên, trong 2 năm qua, việc thực hiện Đề án quy hoạch mạng lưới Trung tâm và Chi nhánh TGPL tỉnh Cà Mau cũng gặp một số khó khăn, trở ngại. Chẳng hạn, nguồn nhân lực còn thiếu, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng hành nghề của đội ngũ cán bộ còn hạn chế; các Chi nhánh chưa bổ nhiệm Trưởng Chi nhánh TGPL nên việc thực hiện TGPL còn gặp khó khăn, trụ sở làm việc của các Chi nhánh thì chưa được đầu tư, tạm thời hoạt động cùng với trụ sở UBND các huyện, cơ sở vật chất còn thiếu so với yêu cầu.
Nguyên nhân của những hạn chế trên được Cà Mau chỉ ra là do Đề án Quy hoạch mạng lưới Trung tâm TGPL nhà nước và Chi nhánh của Trung tâm còn mới, tiêu chuẩn Trợ giúp viên pháp lý cao, tỉnh thiếu người đủ điều kiện bổ nhiệm và chưa đào tạo kịp. Vì vậy, Cà Mau đề nghị Bộ Tư pháp sớm ban hành văn bản chỉ đạo thực hiện cơ chế phối hợp liên ngành trong hoạt động TGPL cũng như tạo điều kiện mở khóa đào tạo nghề luật sư cho tỉnh làm cơ sở tạo nguồn Trợ giúp viên pháp lý cho phù hợp với Đề án.
Gia Lâm