Hải Phòng: Bất ngờ bị “đòi” nhà đất đã khai phá, xây dựng, sử dụng 40 năm

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Sau 40 năm làm nhà, sinh sống ổn định trên đất, bất ngờ gia đình ông Nguyễn Văn Quỳnh (SN 1956, ngụ 128 Lê Lai, phường Máy Chai, quận Ngô Quyền, TP Hải Phòng) bị Trường THCS Lạc Viên đòi di dời tài sản. Trường cho rằng đất này ông Quỳnh “mượn” từ năm 1984.
Ông Quỳnh cho rằng việc Trường Lạc Viên và phường đòi gia đình ông phải di dời ra khỏi căn nhà sau 40 năm khai phá xây dựng, sinh sống là không hợp lý. (Ảnh: Bùi Linh)
Ông Quỳnh cho rằng việc Trường Lạc Viên và phường đòi gia đình ông phải di dời ra khỏi căn nhà sau 40 năm khai phá xây dựng, sinh sống là không hợp lý. (Ảnh: Bùi Linh)

Nhà đất đã ở 40 năm, bất ngờ bị yêu cầu di dời

Ông Quỳnh cho biết, vợ ông là bà Phạm Thị Dinh (đã mất) là giáo viên Trường Lạc Viên từ năm 1974. Năm 1980, do không có chỗ ở, bà Dinh cùng 6 giáo viên khác được trường đề nghị Cty Nhà cửa Hải Phòng xét cấp nhà nhưng không được.

Năm 1984, sau khi kết hôn nhưng không có chỗ ở, vợ chồng ông Quỳnh thấy ở đường Lê Lai, ngay góc trường Lạc Viên có phần đất trống, là khu vực cống thoát nước, bỏ hoang; nên đến khai phá, xây dựng nhà để ở ổn định sinh sống từ đó đến nay; được chính quyền cấp sổ hộ khẩu ngay trên phần đất trên.

Ông Quỳnh kể lại: “Để có mặt bằng làm nhà, vợ chồng tôi phải kéo từng chuyến xe cải tiến (loại xe thô sơ, người cầm càng kéo, người đầy phía sau - PV) đi nhiều cây số mua vật liệu về đôn nền. Năm 1994, gia đình sửa chữa, mở rộng nhà thêm khoảng 70m2 và sinh sống đến nay. Thế nhưng, một số lúc không được yên ổn, khi thì một bệnh viện gần đó đến nói đất của họ, khi thì Trường Lạc Viên nhận là đất của trường, dù họ đều không có chứng cứ gì chứng minh”.

lÔng Quỳnh cho biết gia đình chưa bao giờ bị xử lý về hành vi vi phạm về nhà đất. (Ảnh: Bùi Linh)

lÔng Quỳnh cho biết gia đình chưa bao giờ bị xử lý về hành vi vi phạm về nhà đất. (Ảnh: Bùi Linh)

Năm 2021, Trường Lạc Viên thông báo nhà ông Quỳnh nằm trên đất của trường được cấp sổ đỏ từ 2001, nên yêu cầu trả lại đất, di dời nhà. Ngày 13/3/2024, UBND phường Máy Chai gửi thông báo yêu cầu ông Quỳnh cung cấp hồ sơ nhà đất như sổ đỏ, quyết định thanh lý, quyết định phân nhà, giấy tờ mua bán, chuyển nhượng, mượn đất...; sổ hộ khẩu, giấy xác nhận thông tin cư trú; hóa đơn thuế đất; hợp đồng điện nước, internet...

Ngày 26/3/2024, phường có buổi làm việc với các hộ dân, trong đó có hộ ông Quỳnh về việc “sử dụng đất của Trường Lạc Viên”. Ông Quỳnh khẳng định đất mình khai hoang từ 1984. Ông đồng ý di dời nếu có dự án, nhưng địa phương phải bồi thường, tái định cư.

Biên bản thể hiện cán bộ phường đề nghị trường có “Thông báo di chuyển người và tài sản ra khỏi đất của trường, nếu không, phường sẽ báo cáo UBND quận xử lý theo quy định”.

Ngày 27/3/2024, trường có thông báo, cho rằng “UBND quận đã có dự án đầu tư Trường Lạc Viên thành trường trọng điểm của quận nên yêu cầu gia đình ông Quỳnh di dời người và tài sản, tháo dỡ tài sản trên đất”.

Ông Quỳnh không đồng ý, cho rằng theo khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai; khoản 1 Điều 20 Nghị định 43/2014/NĐ-CP; thì đất ông đang sử dụng đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất. Nếu có dự án trên đất thì địa phương phải ra quyết định thu hồi, bồi thường, tái định cư.

Có chứng cứ việc trường “cho mượn đất” hay không?

Trả lời PV Báo PLVN, bà Đỗ Mai Hương, Hiệu trưởng Trường Lạc Viên cho rằng, “việc trường cho gia đình bà Dinh mượn đất là mượn bằng miệng”.

Bà Hương cho rằng, khi nhận nhiệm vụ Hiệu trưởng, bà quản lý đất của trường thông qua sổ đỏ được cấp năm 2001. Theo sổ đỏ thì nhà ông Quỳnh nằm trọn trong sổ đỏ của trường. PV đặt câu hỏi trước 2001, với khu đất nhà ông Quỳnh, thì trường có được Nhà nước giao thể hiện qua quyết định hay văn bản gì hay không? Bà Hương trả lời “chưa biết, sẽ lục tìm, cung cấp sau”.

Bà Hương cho rằng “nay trường có nhu cầu sử dụng đất nên đã thông báo cho ông Quỳnh di dời ra khỏi đất để trường thực hiện đầu tư dự án”. Bà Hương cho hay dự án xây dựng Trường Lạc Viên “vừa mới được thông qua tại kỳ họp HĐND quận chứ chưa có quyết định đầu tư”.

Ông Nguyễn Mạnh Sáng (Phó Chủ tịch UBND phường) cho biết, gia đình bà Dinh (vợ ông Quỳnh - PV) và Trường Lạc Viên có biên bản mượn đất. Theo văn bản ghi được lập vào 16h ngày 29/11/2001 giữa ông Nguyễn Phương (Hiệu trưởng Trường Lạc Viên) và một số hộ dân, tại phần “bà Dinh” có nêu “bà Dinh tự làm nhà cấp 4 trên đất của trường để ở từ đó (năm 1984) đến nay”. Tại phần cuối, ghi “các hộ sẽ trả lại nhà và đất khi trường có nhu cầu xây dựng hay mở rộng theo quy định hiện hành”.

Về việc cấp sổ đỏ cho trường gồm hồ sơ gì, có đúng hay không, ông Sáng cho hay do Sở TN&MT và Sở lưu giữ hồ sơ. Phường chỉ quản lý đất của Trường Lạc Viên dựa vào sổ đỏ năm 2001.

Phó Chủ tịch phường cho rằng nếu ông Quỳnh “không tự nguyện trả lại đất cho trường, thì phường sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính về trật tự xây dựng và kiến nghị quận xử lý”.

Không đồng ý với chứng cứ mà phường đưa ra, ông Quỳnh cho biết: “Thứ nhất, tại sao chúng tôi ở đây từ 1984, mà 17 năm sau, mãi tới 2001 mới có văn bản “mượn”? Thứ hai, có đúng chữ ký trong văn bản là của vợ tôi không, tình tiết này cần giám định? Thứ ba, trường hợp vợ tôi ký, thì có thể bà bị dẫn dụ vì một lý do nào đó và vợ tôi không có quyền thay mặt cả gia đình để định đoạt số phận nhà đất thuộc quyền sử dụng sở hữu của cả nhà”.

LS Nguyễn Ngọc Trâm (Đoàn LS TP HCM) đồng ý với quan điểm của của ông Quỳnh và lưu ý thêm: “Tôi cho rằng đây là một vụ tranh chấp đất, nhưng cán bộ địa phương lại đưa ra hướng xử lý “nếu không tự nguyện trả lại đất cho trường, thì phường sẽ tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính” là không phù hợp pháp luật”.

PLVN đã liên hệ làm việc với các cơ quan chức năng quận Ngô Quyền và Sở TN&MT về vụ việc và đến nay chưa nhận được phản hồi. Diễn biến mới nhất, hôm qua (25/4), UBND phường Máy Chai mời các bên đến làm việc, lập biên bản “hòa giải tranh chấp đất đai” và đề nghị trường liên hệ tòa án để được giải quyết.

Đánh giá về sự việc, LS Tô Bá Thanh lưu ý: “Cũng cần làm rõ việc cấp sổ đỏ cho Trường Lạc Viên năm 2001. Theo khoản 1 Điều 46, Luật Đất đai 1993, Thông tư 346/1998/TT-TCĐC thì trước khi cấp sổ đỏ phải đo đạc, xác định mục đích, tình trạng sử dụng đất. Vậy quá trình đo đạc, xác định thực tế đã được thực hiện ra sao mà để xảy ra chuyện tranh chấp này?”.

Một câu hỏi khác, ông Quỳnh không đóng thuế, không kê khai, đăng ký đất từ nhiều năm nay, thì có thể bị thu hồi đất hay không? LS Thanh trả lời: “Theo Thông tư 89-TC/TCT năm 1993 và điểm đ khoản 2 Điều 18 Thông tư 156/2013/TT-BTC hướng dẫn Luật Quản lý thuế thì muốn người dân thực hiện nghĩa vụ về thuế; thì cơ quan thẩm quyền phải ban hành thông báo thuế và thông báo thời gian, địa điểm nộp thuế. Trường hợp có thông báo thuế bằng văn bản nhưng ông Quỳnh không thực hiện thì lúc đó mới có căn cứ thu hồi đất”.

“Còn nếu ông Quỳnh sử dụng đất nhưng không kê khai lần đầu thì có thể chỉ bị xử phạt hành chính theo khoản 1 Điều 17 Nghị định 91/2019/NĐ-CP tối đa 4 triệu đồng và bị buộc phải thực hiện đăng ký, kê khai lần đầu”.

Đọc thêm