Hải Phòng: Chung kết cuộc thi nghiên cứu, ứng dụng tư duy hệ thống

(PLO) -  Ngày 2/1, Hải Phòng tổ chức cuộc thi “Nghiên cứu, ứng dụng khoa học tư duy hệ thống phục vụ phát triển bền vững” cấp thành phố (TP) lần đầu tiên, thu hút sự quan tâm của tất cả các sở, ban ngành, UBND cấp quận, huyện trên địa bàn.
Cuộc thi được triển khai khắp thành phố Hải Phòng
Cuộc thi được triển khai khắp thành phố Hải Phòng
Cuộc thi với hai nội dụng chính “Nhận thức về khoa học tư duy hệ thống và phát triển bền vững” và “áp dụng khoa học tư duy hệ thống và phát triển bền vững vào công tác chỉ đạo, điều hành, quản lý, xây dựng mô hình phát triẻn bền vững tại cơ quan, đơn vị”. 
Ngoài ra, cuộc thi còn có các nội dung như ý nghĩa của việc nghiên cứu, ứng dụng khoa học tư duy hệ thống và phát triển bền vững; xác định mục tiêu quản lý, mục tiêu phát triển, xây dựng mô hình tư duy hệ thống phát triển bền vững của cơ quan, địa phương; xác định lỗi hệ thống của bản thân, cơ quan, đơn vị là nguyên nhân cản trở, hạn chế sự phát triển của đơn vị mình; xác định điểm “đòn bẩy” để khắc phục lỗi hệ thống đã xác định; đề xuất các giải pháp khả thi triển khai, thực hiện điểm đòn bẩy để khắc phục lỗi hệ thống đã xác định.
Ông Đan Đức Hiệp – Phó Chủ tịch thường trực UBND TP. Hải Phòng - chia sẻ, cuộc thi là buổi “tổng kết, sát hạch” nhằm nâng cao nhận thức, tạo sự chuyển biến về hành động, tăng cường tính chủ động, tính chịu trách nhiệm, tạo sự liên kết trong giải quyết công tác, đưa ra những giải pháp đòn bẩy khắc phục các lỗi hệ thống của Hải Phòng vào thực hiện, là nhiệm vụ trọng tâm cải cách hành chính. Cuộc thi là giai đoạn 2 nhằm ứng dụng khoa học tư duy hệ thống và phát triển bền vững trên địa bàn Hải Phòng. 
Từ 3/7, Hải Phòng đã phối hợp cùng Hiệp hội Khoa học tư duy hệ thống (ISSS) Mỹ; Liên minh thiết kế hệ thống và quản lý các vấn đề phức hợp (SDCM), Đại học Adelaide (Úc) tổ chức giới thiệu trang web về khoa học tư duy hệ thống. 
Đây được coi là giai đoạn mở đầu của việc ứng dụng khoa học tư duy hệ thống trên địa bàn Hải Phòng sau khi Hải Phòng thí điểm triển khai mô hình – phòng thí nghiệm học tập (Global Evotionary Learning Laboratory – GELL) đầu tiên để nghiên cứu, xác định những vấn đề cơ bản, liên quan đến phát triển bền vững tại Khu dự trữ sinh quyển quần đảo Cát Bà. Phòng thí nghiệm học tập sẽ liên kết với các ELLab tại các quốc gia như Nhật Bản, Australia, Argentina, Trung Quốc...
Từ ngày 14 -19/7/2013, Hải Phòng đã tổ chức “Hội nghị Quốc tế thường niên về khoa học tư duy hệ thống lần thứ 57”.
Hội nghị quốc tế đã thu hút sự tham gia của những diễn giả hàng đầu về tư duy hệ thống trong thực tiễn như Giáo sư Ockie Bosch là Hiệu trưởng Trường hệ thống tích hợp tại Đại học Queensland, Úc, Phó Chủ tịch và thành viên của Hiệp hội quốc tế về Khoa học hệ thống và đại diện cho Đại học Queensland trong Hội đồng các trường Đại học Úc; tiến sĩ David Ing (sinh năm 1957) là nhà hệ thống khoa học người Canada; tiến sĩ Jennifer M. Wilby (sinh năm 1953, người Mỹ) - giảng viên, nhà nghiên cứu hệ thống quản lý và khoa học ở Trường Kinh doanh, Đại học Hull; giáo sư Ervin Laszlo - Giám đốc của Đại học Bruno Giordano Bruno GlobalShift, thành viên của Viện Hàn lâm Khoa học Hungary, thành viên của Viện Hàn lâm Thế giới về Nghệ thuật và Khoa học…
Chiều qua - 2/1, UBND TP đã tổ chức Lễ trao giải cuộc thi “Nghiên cứu, ứng dụng khoa học tư duy hệ thống phục vụ phát triển bền vững” cấp TP lần đầu tiên.
Giải nhất khối cơ quan - Sở Y tế Hải Phòng; Giải nhì - Sở GD&ĐT TP.Hải Phòng; đồng Giải ba - Sở KH&CN, Sở Công Thương và Sở Nội vụ TP.Hải Phòng.
Giải nhất khối quận, huyện -  UBND quận Kiến An; Giải nhì - UBND quận Hồng Bàng; đồng Giải ba -  UBND huyện An Lão, UBND huyện Tiên Lãng, UBND quận Dương Kinh. 
Ban tổ chức cũng trao thêm Giải khuyến khích 1 triệu đồng cho các đội tham gia vào cuộc thi chung kết.

Đọc thêm