Hải Phòng xử phạt 166 trường hợp vi phạm quy định PCCC

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ngoài xử phạt vi phạm hành chính, nộp Kho bạc nhà nước TP Hải Phòng hơn 1,1 tỷ đồng, Công an TP Hải Phòng còn tạm đình chỉ hoạt động 42 cơ sở, đình chỉ hoạt động 45 cơ sở không đáp ứng yêu cầu phòng chống cháy nổ... 
Lãnh đạo Công an TP Hải Phòng kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở
Lãnh đạo Công an TP Hải Phòng kiểm tra công tác PCCC tại các cơ sở

Còn một số vụ cháy nghiêm trọng

Thời gian qua, công tác PCCC và cứu nạn cứu hộ (CNCH) tại Hải Phòng được Bộ Công an ghi nhận, đánh giá cao. Theo báo cáo của công an TP, trong 6 tháng đầu năm 2023, đơn vị đã tiến hành kiểm tra định kỳ, tham mưu TP thành lập các đoàn kiểm tra liên ngành về PCCC cấp TP, cấp huyện để kiểm tra về PCCC gần 3.000 lượt cơ sở, phương tiện.

Qua kiểm tra, công an TP Hải Phòng đã tiến hành xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực PCCC 166 trường hợp, nộp Kho bạc nhà nước TP hơn 1,1 tỷ đồng. Cơ quan chức năng đã tạm đình chỉ hoạt động 42 cơ sở, đình chỉ hoạt động 45 cơ sở không đảm bảo an toàn về PCCC. Ngoài ra, lực lượng cảnh sát PCCC đã hướng dẫn hàng chục nghìn cơ sở khắc phục sơ hở, thiếu sót về PCCC ngăn ngừa nguy cơ cháy, nổ.

Chữa cháy tại cơ sở kinh doanh phòng trà Nhật – Hàn Akatsuki

Chữa cháy tại cơ sở kinh doanh phòng trà Nhật – Hàn Akatsuki

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả tích cực, trong 6 tháng đầu năm 2023, Hải Phòng xảy ra 28 vụ cháy làm 5 người chết, 1 người bị thương, thiệt hại về tài sản ước tính khoảng 3 tỷ đồng. Lực lượng PCCC đã điều động trên 150 lượt xe chữa cháy, xe chuyên dùng cùng lực lượng, phương tiện tại chỗ tổ chức chữa cháy kịp thời, hiệu quả, hướng dẫn 9 người thoát nạn an toàn.

Trong đó, một số vụ cháy nghiêm trọng dẫn đến thiệt hại về người và tài sản không thể không nhắc đến như: vụ cháy tại chợ Tam Bạc tại phường Phan Bội Châu, quận Hồng Bàng vào ngày 12/2/2023, vụ cháy tại cơ sở kinh doanh phòng trà Nhật – Hàn Akatsuki ở số 144 đường Văn Cao, quận Ngô Quyền ngày 12/5/2023.

Từ hai vụ cháy trên, công an TP đã phối hợp với UBND các quận, huyện tiến hành kiểm tra, rà soát 160 chợ, 3 trung tâm thương mại và 17 siêu thị đã xử phạt vi phạm hành chính 19 vụ, tạm đình chỉ 6 cơ sở gồm các gian hàng, kiot, hộ kinh, doanh quầy hàng, chợ, và đình chỉ hoạt động 1 cơ sở.

“Gỡ vướng” cho doanh nghiệp

Hiện nay, qua quá trình rà soát, kiểm tra, Hải Phòng cũng như các tỉnh thành khác đã phát hiện nhiều công trình, cơ sở chưa bảo đảm đầy đủ các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định pháp luật, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, buộc phải tạm dừng hoạt động, làm gián đoạn hoạt động đầu tư xây dựng, sản xuất, kinh doanh.

Đại tá Hoàng Văn Bình, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC&CNCH Công an TP Hải Phòng cho biết, để giải quyết các vướng mắc cho doanh nghiệp, lực lượng PCCC đã triển khai hàng loạt các giải pháp: phân loại trên 1.700 DN theo nhóm để tháo gỡ khó khăn; thành lập các tổ công tác để giải quyết trực tiếp vướng mắc cho DN; phát phiếu lấy ý kiến và gửi hướng dẫn cho DN tìm hiểu; duy trì đường dây nóng PCCC để các DN nhanh chóng liên hệ, trao đổi…

Sau khi được hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc dù chỉ trong thời gian ngắn, các DN đã và đang thực hiện khâu điều chỉnh thiết kế, về cơ bản đã giải quyết được các bức xúc của DN trên địa bàn.

Lực lượng PCCC xử lý vụ cháy xe ô tô tại vòng xuyến giao nhau giữa đường Bùi Viện và đường Lê Hồng Phong

Lực lượng PCCC xử lý vụ cháy xe ô tô tại vòng xuyến giao nhau giữa đường Bùi Viện và đường Lê Hồng Phong

Bày tỏ quan điểm để giải quyết “tận gốc” các vướng mắc về PCCC, Công an TP Hải Phòng đã phân loại nhóm công trình để đưa ra giải pháp khắc phục cụ thể. Công an TP đề xuất UBND TP chỉ đạo Sở Kế hoạch đầu tư, Sở Tài chính hướng dẫn ngay UBND các quận, huyện cấp kinh phí thực hiện theo hướng dẫn, kiến nghị của lực lượng Cảnh sát PCCC 2 nhóm công trình gồm khoảng 194 cơ sở.

Cụ thể, nhóm công trình hiện hữu sử dụng vốn ngân sách không thực hiện đúng quy định trong thẩm duyệt thiết kế, nghiệm thu về PCCC, không tuân thủ quy định tại quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC tại thời điểm thi công xây dựng và nhóm các công trình xây dựng trước khi luật PCCC năm 2001 có hiệu lực (trước ngày 04/10/2001) thực hiện theo Nghị quyết số 27/NQ-UBND ngày 08/12/2017 của HĐND TP. Đa số còn tồn tại về chưa lắp đặt hệ thống báo cháy, hệ thống chữa cháy.

Tiếp đó, công an TP đề xuất UBND TP giao Sở Xây dựng, Sở TN&MT hướng dẫn cụ thể trong việc mục đích đất sử dụng và cấp phép xây dựng để thực hiện việc kinh doanh khách sạn, karaoke đối với nhóm công trình kinh doanh dịch vụ khách sạn, karaoke đã bị tạm đình chỉ, đình chỉ hoạt động hoặc chủ động xin dừng hoạt động để khắc phục theo quy định các cơ sở này đang khắc phục. Tuy nhiên, hiện nay có một vướng mắc chung khi hầu hết các cơ sở này có GCN sử dụng đất là đất ở không phải là đất thương mại dịch vụ. Mặt khác việc yêu cầu sử dụng vật liệu không cháy, khó cháy trên thị trường để đáp ứng yêu cầu về cách âm và được xác định tính khó cháy là khó khăn.

Còn đối với nhóm công trình không đảm bảo bậc chịu lửa, khoang cháy, khoảng cách ngăn cháy, công an TP đã hướng dẫn cơ sở điều chỉnh thiết kế để thẩm duyệt thiết và nghiệm thu về PCCC theo Quy chuẩn 06 phù hợp với thời điểm áp dụng và lựa chọn giải pháp PCCC phù hợp với điều kiện thực tế của cơ sở.

Đọc thêm