Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác cứu người, không ngại luận tranh

(PLO) - Không dụng ý đua tranh về y thuật, nhưng chỉ vì muốn cứu người, có khi Hải Thượng Lãn Ông phải miễn cưỡng tranh luận hoặc bỏ ngoài tai sự mỉa mai để hết sức thi hành nhân thuật. 
Hải Thượng Lãn Ông không ngại tranh luận trước mặt quan trấn giữ Vĩnh Dinh (Hình minh hoạ)
Hải Thượng Lãn Ông không ngại tranh luận trước mặt quan trấn giữ Vĩnh Dinh (Hình minh hoạ)

Chuyện kể rằng, tại miền Nghệ An nơi Hải Thượng Lãn Ông sinh sống, có viên thầy thuốc họ Lâm trong dinh quan giữ đồn Vĩnh Dinh, vốn là người Tàu, khá am hiểu y thuật nên được quan quân rất kính nể. Và trong chỗ đẩy đưa không ngờ của cuộc đời, Lãn Ông đã từng hai lần quyết liệt trổ tài để xua tan luận điệu bệnh hiểm không chữa khỏi của viên thầy thuốc ấy.

Trong số báo này, xin kể hầu bạn đọc câu chuyện Lãn Ông lần thứ nhất đối đầu với viên thầy lang họ Lâm. Với chuyện còn lại, xin được trình bày vào dịp sau…

Bệnh hiểm mới vời thầy

Quan giữ đồn Vĩnh Dinh có mẹ già đã ngoài 70 tuổi. Một lần, bà bị cảm mạo hơn tháng không khỏi, sau đó vì trót ăn bánh nên sinh ra đầy bụng khó tiêu. Các thầy thuốc của dinh, trong đó có họ Lâm đã miệt mài bắt mạch kê đơn nhưng không công hiệu một chút nào. Cứ thế kéo dài thì bệnh càng nặng, biến chứng lung tung. Họ Lâm quên ăn mất ngủ, không biết làm thế nào.

Quan giữ đồn cho là đã hết cách, sai người chuẩn bị hậu sự cho bà cụ. Bất chợt nhớ đến Lãn Ông, viên quan bèn sai người đến mời. Thật ra viên quan này cũng chẳng trông mong gì ở Lãn Ông, chỉ xem đây là cách cầu may lần cuối mà thôi.

Lãn Ông thăm khám thì thấy lão phu nhân tinh thần rối loạn, đỉnh đầu nóng như lửa đốt, mồ hôi dầm dề, ngực cũng nóng như lửa, người vật vã không yên, lại thêm chứng trướng khiến càng thêm suy nhược.

Cũng như những lần khác, Lãn Ông bắt mạch thật kĩ để phân tích cội gốc của bệnh. Ông phát hiện khí âm trong cơ thể tựa hồ đã tiêu tan hết, khí dương còn không bao nhiêu, tình hình rất nguy ngập. Trong lúc này, nếu theo chứng bệnh mà trị thì bệnh không dứt mà còn nặng thêm, khiến khí dương càng suy kiệt, ắt tính mạng bị đe doạ.

Đó là điều họ Lâm và các thầy thuốc khác không biết, cứ theo bệnh mà chữa, để đến tình cảnh ngày nay. Ông suy tính phải gấp dùng thuốc bồi bổ Thận – thuỷ để giữ gìn nguyên khí, khiến nó thêm sinh sôi thì mới cứu vãn kịp.

Cuộc tranh luận gay gắt

Quan lớn hỏi Lãn Ông dùng phương gì để cứu chữa. Lãn Ông nói với tình hình hiện tại thì nên dùng thang “Bát vị hoàn”, trong đó giảm hai vị thuốc là Đan bì và Trạch tả, thêm vào ba vị là Mạch môn, Ngũ vị và Ngưu tất rồi pha nước Nhân sâm vào cho uống. Lãn Ông chẳng ngờ do đó mà nổ ra cuộc tranh luận giằng co với thầy thuốc họ Lâm.

Thục địa là vị thuốc quan trọng để cứu mạng lão phu nhân
Thục địa là vị thuốc quan trọng để cứu mạng lão phu nhân

Họ Lâm lắc đầu, cho rằng nhất thiết không nên vì cơ thể lão phu nhân vốn thiên về thể âm, không ưa vị thuốc Thục địa trong thang “Bát vị hoàn”, nếu uống vào thì đầy trướng ngay. Lãn Ông hỏi lại theo ý họ Lâm thì nên làm sao? Họ Lâm nhanh nhảu: “Cấp thì chữa ngọn trước, nên uống bài Trung mãn phân tiêu”. Không chấp nhận được, Lãn Ông phản bác ngay: “Chút khí mỏng manh cần phải giữ lại, còn sợ không kịp, làm sao lại còn tiêu khí đi? Tôi lập phương này là chữa mạch chứ không chữa bệnh”.

Họ Lâm không chịu khuất, bảo rằng không được thì dùng bài “Hương sa Lục quân thang”. Biết thang thuốc họ Lâm nói có bao hàm một số vị thuốc là Nhân sâm, Trần bì, Bán hạ, Sa nhân đều là các thứ không thể đưa vào cơ thể lão phu nhân lúc này, Lãn Ông càng phản ứng dữ: “Nhân sâm và Trần bì thì lại giúp cho việc tiết mất nguyên khí, phàm những phương thuốc chữa bệnh nguy cấp người xưa không dám để hai vị này đồng đội với nhau, vả lại Bán hạ tính hoạt, Sa nhân cay thơm, cũng không phải là thuốc cố bản”.

Họ Lâm vẫn cố cãi: “Tôi từ trước đến nay vẫn điều thuốc cho phu nhân, nếu uống Thục địa vào thì bĩ đầy ngay”. Lãn Ông mặt không đổi sắc, vẫn kiên trì ý định.

Thấy hai bên đôi co mãi, quan đồn Vĩnh Dinh sốt ruột, nói thẳng với Lãn Ông: “Phu nhân vốn không ưa Thục địa ta vẫn biết, đang bĩ đầy thế này mà lại cho uống chẳng phải là tai vạ mau ư? Ông nên lựa phương khác, nếu không thể được thì bớt đi một nửa”.

Nào ngờ Lãn Ông vẫn quả quyết: “Bài Bát vị dùng Thục địa làm quân, là trọng ở chân âm, bổ thuỷ để phối hoả, tư âm để dưỡng dương…, nay bệnh đương thuỷ suy hoả bốc, giảm Thục địa đi thì quân chủ yếu lấy chi mà điều khiển được các vị khác, như thế thì chỉ có tiếng là Bát vị mà không có thực chất Bát vị”.

Quan lớn nghe thế càng nghi ngại, lại vì họ Lâm thêm lời và những người xung quanh đều cho là không nên như thế, vì vậy cứ dùng dằng không quyết. Lãn Ông hết cách thuyết phục, tuy xin cáo lui mà lòng nặng trĩu.

Trời còn thương bệnh nhân

May sao may quá là may! Khi Lãn Ông mới ra đến cổng thì gặp người cháu họ của quan giữ đồn đang đi vào. Người này cũng biết về thuốc và hỏi Lãn Ông sao về sớm đến thế. Lãn Ông thuật hết đầu đuôi và vẫn khẳng định bài thuốc của ông là không thể sai. Vốn nghe danh và trọng tài Lãn Ông, người cháu quan giữ đồn liền giữ Lãn Ông lại, mời ông cùng vào để mình phân tích thiệt hơn cho quan lớn nghe. 

Thấy Lãn Ông quay vào, quan lớn lại hỏi. Ông vẫn trả lời như cũ, không thay đổi lời nào, lời nói và sắc mặt còn nghiêm nghị hơn trước. Người cháu quan cũng hết sức nói giúp, bấy giờ quan lớn mới bất đắc dĩ chấp thuận.

Hải Thượng Lãn Ông chữa trị cho thân mẫu quan trấn thủ Vĩnh Dinh (Hình minh hoạ)
Hải Thượng Lãn Ông chữa trị cho thân mẫu quan trấn thủ Vĩnh Dinh (Hình minh hoạ)

Được lời như cởi tấm lòng, Lãn Ông theo phương đã vạch, tự thân xuống bếp sắc nấu. Quả nhiên uống hết một thang thì lão phu nhân cơn nóng lui hết, bớt ra mồ hôi, tinh thần tỉnh táo, đã có thể ăn được đôi chút. Lãn Ông hiểu đó là vì khí dương chưa về hết chỗ cũ, liền điều chế bài thuốc “Sinh mạch” để người bệnh uống thay nước chè.

Dùng “Bát vị hoàn thang” kết hợp với uống bài “Sinh mạch” thêm vài thang nữa thì lão phu nhân ăn uống ngày càng khá.  Sau khoảng 10 ngày, bệnh nhân khỏi hẳn, thấy như khoẻ mạnh hơn xưa. Viên quan từ đấy rất xem trọng Lãn Ông, tuy vẫn dùng họ Lâm nhưng mỗi khi trong nhà có người mắc trọng bệnh đều cậy nhờ đến ông.

Kết thúc câu chuyện, Lê Hữu Trác đã phân tích cách chữa của bản thân. Đó là sự đúc kết rất có giá trị về y lí, thật xứng với tiếng đại danh y đương thời. Ông viết: “Cách chữa ở y án này nếu là người không hiểu thì đều cho rằng cái tà ngoại cảm (chỉ việc bệnh nhân bị cảm mạo) và cái tích nội thương kia (chỉ việc bệnh nhân bị đầy trướng) là cái thực thuộc hữu hình (tức là triệu chứng ra sao thì bệnh như vậy), mà không biết xét tới cái hư thuộc vô hình (tức là căn nguyên sinh ra các triệu chứng).

Nội kinh có câu: “Người ta ngoài 40 tuổi trở lên thì âm khí đã suy kém một nửa”, huống là cụ già 70 tuổi, chân dương chân âm của tiên thiên chẳng hư quá rồi ư? Nội kinh nói: “Tà lấn vào được là do chính khí hư rồi, nếu không chữa hư thì chữa cái gì?” Như vậy là tà khí thực là chính khí hư, cần phải chữa ngay từ gốc, gốc đã vững thì ta không chữa cũng tự hết. Thật thế, chân âm chân dương là yếu lĩnh của các bệnh, là căn bản của sự sống”.

Đọc thêm