Alexandre De Rhodes (Kỳ 2): Thoát án tử trong gang tấc

(PLO) - Chuyện nhà truyền giáo bị trục xuất, xem ra hãy còn nhẹ, bởi trong cái buổi Nho giáo cố cựu đứng trước sự xâm thực của đạo mới Ki tô, thì rõ là sự đấu tranh giữa hai tôn giáo cũ mới sẽ vô cùng quyết liệt. Chuyện về linh mục Alexandre De Rhodes truyền giáo ở đất Việt, phản ánh một phần bức tranh tôn giáo dạo thế kỷ XVII.
Alexandre De Rhodes (Kỳ 2): Thoát án tử trong gang tấc

Sau lần bị trục xuất khỏi đất Đàng Ngoài bởi chúa Trịnh Tráng, Alexandre De Rhodes còn dăm lần nữa chịu cảnh ấy, và dĩ nhiên đều liên quan đến việc truyền giáo của ông. Mà rõ là đã xác định theo chân Chúa đến vùng đất mới, thì việc ấy, cứ xác định là không thể tránh khỏi vậy. 

Bị trục xuất khỏi Đàng Trong

Nói về việc truyền đạo Ki tô ở Đàng Trong, các giáo sĩ phương Tây nhiều phen cũng phải chịu cảnh nóng lạnh, lúc được đón nhận cho truyền đạo, khi bị từ chối, hiểu nhầm ngăm cấm. Lại về việc truyền đạo của Alexandre De Rhodes, như trong “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam” cho hay, vào đầu năm 1639, các thừa sai dòng Tên ở Đàng Trong bị trục xuất không cho truyền đạo Ki tô ở xứ Nam Hà.

Ấy nhưng với Alexandre De Rhodes thì… đầu năm 1640, theo lệnh của Bề trên tỉnh dòng Áo Môn, Alexandre De Rhodes trở lại đất Nam Hà để truyền đạo. Lúc này, Nam Hà đang dưới sự cai trị của chúa Thượng Nguyễn Phúc Lan. 

Qua lời kể của chính vị linh mục này trong “Hành trình và truyền giáo”, cho biết khi đến Hội An, ông náu mình ở khu phố Nhật Bản sau đó ra mắt chúa Thượng và được tiếp đãi niềm nở tử tế. Trong lúc này, thuyền buôn của người Bồ Đào Nha đang neo lại buôn bán ở xứ Đàng Trong. Alexandre De Rhodes tranh thủ thời cơ thuận lợi ấy, tiến hành việc truyền giáo của mình. Qua công cuộc truyền đạo của ông, Ki tô giáo lan cả vào trong một số người thân của chúa Thượng mà tiêu biểu trong số ấy, là bà Maria Minh Đức vương Thái phi. 

Để tiếp tục lưu lại Nam Hà truyền đạo, Alexandre De Rhodes tìm cách có thể ở lại lâu hơn nơi đây. Ấy là ân tránh để thuyền buôn người Bồ nhổ neo về Áo Môn, các tàu buôn hết mùa buôn bán với Đàng Trong thì quan trấn thủ sẽ không nỡ lòng nào trục xuất các nhà truyền đạo, bởi không có phương tiện di chuyển. Nhưng, đó là mong muốn thuộc về vị linh mục thôi, còn thực tế xảy ra không như thế. 

Theo lời ông kể lại thì quan trấn thủ vốn là người không có thiện cảm với đạo mới nơi ông trấn nhậm. Do đó khi được tin Alexandre De Rhodes và đồng sự trốn để ở lại truyền đạo, ông liền ra lệnh trục xuất hai nhà truyền đạo này khỏi vùng đất của mình cai quản “bất kỳ bằng cách nào, dù có phải lội trên nước mà trở về Áo Môn cũng mặc”.

Không còn cách nào khác, thế là một lần nữa, vị linh mục lại bị trục xuất, nhưng lần này thì phải mua một chiếc thuyền nhỏ cùng với sự giúp đỡ của ba giáo dân người Việt để chèo thuyền, hai nhà truyền giáo ra khơi hướng về Áo Môn. Ngày 20-9-1640 họ mới cập bến. 

Liên tục bị trục xuất

Cái duyên của Alexandre De Rhodes với đất Đàng Trong, kể ra cũng nhiều lắm. Có lẽ một phần, cũng bởi ở vùng đất mới này, dù Nho giáo có ảnh hưởng lớn, nhưng không sâu đậm như ở Đàng Ngoài. Lại thêm nữa hoạt động giao thương diễn ra nhộn nhịp nơi thương cảng ở Hội An với các tàu buôn phương Tây, nên các nhà truyền đạo có nhiều thuận lợi. 

Sau lần phải rời xứ Nam Hà năm 1640 thì không lâu sau đó, Alexandre De Rhodes quay trở lại nơi đây vào ngày 24/12 cùng năm. Nhờ có thuyền buôn người Bồ hiện diện ở đây, nên chúa Nguyễn để cho các nhà truyền đạo Ki tô được hoạt động. Thế rồi thời gian qua đi, khi thuyền buôn người Bồ sắp nhổ neo khỏi đất Nam Hà, thì cũng là lúc quan trấn thủ tỉnh Chàm (theo lời Alexandre De Rhodes) lệnh các nhà truyền giáo phải theo thuyền buôn người Bồ ra đi.

Vậy là lần nữa Alexandre De Rhodes lại bị trục xuất khỏi xứ Nam, nhưng do thuyền buôn người Bồ đã nhổ neo nên ông phải lên tàu của Phi luật tân mà về Áo Môn tháng 7/1641. 

Phố Nhật Bản và Minh Hương ở Hội An
Phố Nhật Bản và Minh Hương ở Hội An

Ra đi rồi quay lại, cứ tranh thủ thời cơ, gặp điều kiện thuận lợi, là Alexandre De Rhodes lại quay trở về Đàng Trong để thực hiện công cuộc truyền đạo của mình. Như sau lần ra đi tháng 7/1641, thì chẳng bao lâu sau thời gian tháng 1/1642 – tháng 9/1643 ông lại có mặt ở Đàng Trong… Trong lần đến Nam Hà sau đó, công cuộc truyền giáo gặp nhiều khó khăn hơn khi “Lịch sử truyền giáo ở Việt Nam” cho biết thầy giảng Andrêa bị bắt giam và xử tử.

Quan trấn Quảng Nam cũng yêu cầu trục xuất Đắc Lộ và phải lên tàu người Bồ mà ra đi. Lần này nhằm năm 1644. Tuy nhiên, vị linh mục tuy cùng tàu người Bồ ra khơi, nhưng đi được ba dặm, ông đã chuyển xuống thuyền các thầy giảng để tìm cách trở lại truyền đạo. 

Dù rất muốn khép tội Alexandre De Rhodes, nhưng quan trấn Quảng Nam không thể làm bởi còn uy của chúa Thượng lúc bấy giờ. Tuy nhiên trong năm 1644, khi biết vị linh mục vẫn bí mật lẩn trốn trong vùng mình cai quản, quan trấn thủ xứ Quảng cho lính truy lùng. Cuối cùng ông cũng bị bắt, nhưng quan trấn thủ không dám xử mà đệ việc lên phủ chúa Nguyễn.

Trong thời gian ấy, Alexandre De Rhodes bị quản thúc hai tháng. Chúa Nguyễn sau khi xem xét, liền ra lệnh trục xuất vị linh mục một lần nữa. Dẫu vậy, viện cớ phải sửa lại thuyền, vị Alexandre De Rhodes đã kéo dài thời gian hoạt động của mình ở Đàng Trong. 

Thoát án tử trong gang tấc

Cái chết cận kề với vị linh mục góp phần phát triển chữ quốc ngữ, xảy ra vào năm 1645. Lợi dụng thời gian còn được ở lại đất Đàng Trong, vị linh mục đã đi nhiều nơi để thăm và truyền giảng đạo cho giáo dân. Nhưng may mắn không song hành mãi với ông. Một lần, ông định dong thuyền từ khu phủ chúa lên phía Bắc để thăm các họ đạo vùng Quảng Bình, Quảng Trị, thuyền mang theo đoàn thầy giảng thuận gió nên tiến nhanh. Nhưng giữa đường, ba chiếc thuyền của chúa Nguyễn trên đường đi tuần, nghi là thuyền do thám nên liền giữ lại và khám xét. 

Nhận được tin báo, chúa Nguyễn liền ra lệnh giải Alexandre De Rhodes cùng các thầy giảng về kinh. Về tới đất đế đô, các nhà truyền giáo ngay lập tức bị tống giam. Một cuộc xét xử các thầy giảng được tổ chức, quan viên được triệu tập để nghị bàn. Chúa Thượng sau khi xem xét sự việc, quyết định tuyên án tử đối với linh mục Alexandre De Rhodes, và lệnh này, sẽ có hiệu lực ngay tức thì. Tức là việc xử tử sẽ được tiến hành ngay trong ngày tuyên án. 

Tuy nhiên, số mạng của vị linh mục vẫn còn giữ được, bởi sau khi chúa tuyên án, thì thầy dạy của chúa Nguyễn đã đưa ra lời khuyên can, chúa nghe lời khuyên của thầy mình, đã rút lại lời tuyên án ấy. Tuy nhiên, ông yêu cầu Alexandre De Rhodes phải rời khỏi xứ Đàng Trong ngay lập tức và đặc biệt là không bao giờ được quay trở lại. Việc này, cũng được thi hành ngay sau đó. 

Đến sáng hôm sau, quan trấn thủ Quảng Nam cho lính áp giải Alexandre De Rhodes ra cửa Hội An để xuống tàu người Bồ về Áo Môn. Ngày hôm đó, nhằm ngày 7/3/1645. Và quả thật, nếu không có lời khuyên của thầy dạy chúa Nguyễn, chắc chắn vị linh mục đã bỏ mình nơi xứ Đàng Trong rồi.

Đọc thêm