“Làm sao để kéo khán giả đến với bộ môn nghệ thuật này và nhiều bạn trẻ hiểu biết về tuồng. Làm sao để người dân cảm thấy thiếu vì tối nay không có “Tuồng xuống phố”…Những trăn trở đã này hơn 1 năm nay đã được Đà Nẵng từng bước thay đổi. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều gian nan…
Tiếng trống, tiếng chầu trở lại
7 giờ tối cuối tuần, khu vực sân khấu tuồng bờ đông sông Hàn lại rộn ràng, bất kể nắng mưa. Khán giả, đủ lứa tuổi lại chen chúc nhau hướng mắt theo dõi những nghệ sĩ với xiêm áo đủ sắc màu đang say sưa cống hiến.
Phía ngoài mặt đường, bà Bùi Thị Lan (50 tuổi, ngụ Nại Hiên Đông, Sơn Trà) bước xuống xe, nhanh tay đỡ cụ ông Bùi Thanh Thuận (80 tuổi, cha bà Lan) đưa vào hàng ghế dành cho khán giả xem tuồng. Lo cho cha xong, bà tiếp tục đón 2 con từ tay chồng, sắp xếp các cháu ngồi cùng hàng. 3 thế hệ nhưng chung 1 ánh nhìn, đều chăm chú ngước lên, theo dõi từng khuôn mặt hóa trang của các nhân vật đang diễn…
“Nhiều tháng nay, tối nào tôi cũng đưa ba đi xem tuồng. Với ông, đây là ký ức khó quên của những năm tháng cơ cực, nhưng vẫn không bỏ tiếng trống, tiếng chầu. Xem tuồng còn gắn với kỷ niệm ngày ba tôi còn có mẹ. Dù chiến tranh ly lạc, họ vẫn dắt díu nhau tìm đến môn nghệ thuật này như món ăn tinh thần. Thất lạc thời gian dài, mãi đến khi nghe thành phố thông báo đưa tuồng ra diễn ngoài cộng đồng miễn phí trở lại, ông ấy háo hức đến mất ngủ…”, bà Lan chia sẻ.
Ngồi cạnh gia đình chị Lan, cụ Nguyễn Thị Cảnh (70 tuổi, ngụ Duy Xuyên, Quang Nam) cũng hồ hởi không kém.
Cụ Cảnh cho biết, phải hơn 20 năm rồi cụ mới có lại cảm giác xem tuồng như xưa. Giữa không gian rộng, người ngồi san sát bên nhau lặng lặng để nuốt từng lời hát, câu thoại trên sân khấu. Bản thân cụ ở cách Đà Nẵng tới hơn 30 cây số, nhưng vẫn không ngại. Tự cho mình vẫn rất minh mẫn, cứ đến chiều thứ 7, cụ lại sửa soạn bị trầu (túi-PV), vài miếng cau, nhờ cháu đưa đi xem. Cụ Cảnh nhận xét, thời gian vở diễn bây giờ có bị rút ngắn so với trước nhưng vẫn hay và hấp dẫn.
Trong khi đó, chị Lê Thị Quỳnh Như, Việt kiều sinh sống tại Pháp chia sẻ, mỗi dịp Tết được về thăm quê, cứ tối thứ bảy và chủ nhật hàng tuần, chị cùng gia đình tới chân cầu Rồng nghe hát Bài chòi.
“Từ hôm về tới nay, đêm nào tôi cũng ra đây nghe Bài Chòi, rất thú vị. Đã thế, chúng tôi còn được tham gia một trò chơi và nhận giải nữa”, chị Như nói
Người dân xem tuồng |
Theo ông Trần Ngọc Tuấn, Giám đốc nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, Quảng Nam- Đà Nẵng vốn là cái nôi sản sinh ra loại hình nghệ thuật tuồng. Tuồng cũng từng ở trên đỉnh vinh quang. Thế nhưng vài thập niên trở lại đây, do nhiều nguyên nhân khiến bộ môn này chỉ hoạt động cầm chừng trong nhà hát với vài nghệ sĩ nặng tình đam mê.
“Làm sao có thể kéo nhiều khán giả, đặc biệt, để giới trẻ hiểu thêm về tuồng, từ lâu trở thành câu hỏi đầy trăn trở của những người tâm huyết. Sau khi Nghệ thuật tuồng xứ Quảng được Bộ VH-TT&DL chính thức công nhận Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia và qua nhiều lần đề xuất, Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh chính thức đưa môn nghệ thuật tuồng xuống phố biểu diễn”, ông Tuấn nói
Kế hoạch biểu diễn diễn ra từ 19 giờ đến 20 giờ 45 thứ 7 hằng tuần. Nội dung chương trình gồm 2 phần, giới thiệu nghệ thuật vẽ mặt nạ tuồng; cách hóa trang trong nghệ thuật tuồng; chương trình biểu diễn trên sân khấu gồm các tiết mục hòa tấu nhã nhạc cung đình, một số làn điệu dân ca Việt Nam và quốc tế. Ngoài ra còn có lớp giáo tuồng (quy tắc mở màn một đêm biểu diễn tuồng truyền thống) và mời khách chụp ảnh giao lưu với các nghệ sĩ.
Cần bảo tồn, tạo sản phẩm du lịch độc đáo
Ông Trịnh Công Sơn, Chủ nhiệm Câu lạc bộ Bài Chòi thuộc Trung tâm Văn hóa Đà Nẵng cho biết, từ một thú chơi dân dã, chơi bài chòi đã trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Đà Nẵng hiện có 9 câu lạc bộ Bài Chòi tại các quận Cẩm Lệ, Sơn Trà, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn và huyện Hòa Vang. Số lượng khách du lịch tham gia chơi bài chòi ngày càng đông.
Theo ông Trịnh Công Sơn, đưa bài chòi xuống phố là ý tưởng hay, đưa những cái đẹp của nghệ thuật dân gian đến gần với khán giả.
Ông Trần Ngọc Tuấn tâm niệm, nếu khán giả chưa tìm đến nghệ thuật truyền thống, người làm nghệ thuật phải đi tìm khán giả. Đây là cách cách duy nhất để vực dậy niềm đam mê cho những người làm nghệ thuật và cho cả công chúng.
“Không có con đường “đào tạo” khán giả ngắn nào bằng Tuồng xuống phố tại Đà Nẵng. Chương trình còn giúp người xem hiểu thêm về mặt nạ tuồng. Mỗi mặt nạ toát lên tính cách nhân vật như trung hiếu, gian manh, xu nịnh... Mỗi tông màu gắn với từng mô típ nhân vật cụ thể. Chẳng hạn, mặt đen thường đại diện cho sự rắn chắc.
Mặt trắng thường chỉ sự bạc bẽo. Mặt mốc dành cho kẻ xu nịnh, phản trắc. Mặt rằn chỉ tướng mạo xấu xí, tính tình nóng nảy… Người xem tuồng chỉ cần nhìn vào khuôn mặt, có thể biết ngay nhân vật đó thuộc loại nào và nếu hiểu rồi càng thích thú hơn”, ông Tuấn chia sẻ
Điều đáng nói, thời gian diễn vở tuồng trong nhà hát khoảng 2 giờ, còn diễn ở đường phố, mỗi trích đoạn chỉ 15 đến 25 phút. Thế nhưng, phải đảm bảo chuyển tải được những điều cơ bản nhất của loại hình nghệ thuật tuồng. Do đó, theo ông Tuấn, việc chọn tiết mục và xây dựng chương trình làm sao đạt được nhu cầu giải trí, lại nêu lên cái riêng biệt, đặc sắc của nghệ thuật tuồng rất quan trọng.
Tuy nhiên, ông Tuấn cho rằng, vấn đề đặt ra nằm ở chỗ, làm thế nào để sau khi xem các đêm tuồng trên phố, khán giả có niềm yêu thích và tìm đến sân khấu nhà hát thưởng thức. Làm sao có nhiều bạn trẻ hiểu biết về tuồng và xem trọn một vở diễn. Muốn làm được điều này sẽ còn rất nhiều những khó khăn cần sự giúp sức của nhiều phía.
“Công nghệ hiện đại ra đời lấn át. Khán giả tuồng đa phần thuộc tầm tuổi thất thập cổ lai hi, hiếm có người trẻ. Trong khi đó, chương trình giáo dục phổ thông chỉ có 1 tiết về văn học dân gian có giới thiệu vở “Nghêu Sò Ốc Hến”. Đội ngũ viết tuồng cả nước đếm trên đầu ngón tay. Nghệ sỹ giỏi ngày càng lớn tuổi trong khi khó đào tạo được đội ngũ kế thừa.
Đời sống nghệ sỹ sân khấu tuồng khó khăn, nhiều người phải tìm cho mình hướng đi khác…Những yếu tố này đang trở thành rào cản, nếu không muốn nói rất gian nan trong bảo tồn nghệ thuật tuồng”, ông Tuấn nói.
Ông Tuấn đề xuất, để gìn giữ, cần có giải pháp đưa vào chương trình giáo dục phổ thông nhiều hơn nhằm khơi dậy niềm đam mê ở tuổi trẻ. Hơn nữa, Tuồng xuống phố cũng không được lẻ loi. Cần có nhiều hình thức giải trí khác ở khu vực lân cận như chợ đêm, ẩm thực…
Dù còn nhiều khó khăn nhưng ông Tuấn hi vọng, với những bước đi mà Đà Nẵng đang cố gắng, sẽ níu chân du khách đến với loại hình nghệ thuật vốn ăn sâu vào tiềm thức bao thế hệ xứ Quảng xưa.