Hai "Tư lệnh ngành" cam kết chống tiêu cực trong công tác cán bộ

(PLO) - Tăng cường công tác thanh, kiểm tra để kịp thời phát hiện tiêu cực và xử lý nghiêm các vi phạm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành là điểm chung được cả Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình và Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cùng “cam kết” trong phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội hôm qua (20/11).
Hai "Tư lệnh ngành" cam kết chống tiêu cực trong công tác cán bộ
Có chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ?
Trả lời câu hỏi của Đại biểu (ĐB) Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) dẫn về thực - hư của con số  30% cán bộ, công chức không làm được việc, người đứng đầu ngành Nội vụ cho rằng “con số là không có cơ sở, nhưng đây là những phản ảnh, kiến nghị, đòi hỏi, những mong muốn cần phải có đổi mới, cải cách công vụ công chức nhiều hơn”, hai giải pháp được Bộ trưởng Nội vụ đưa ra là hoàn thiện tổ chức tinh gọn bộ máy và xác định vị trí việc làm trong từng cơ quan, tổ chức, đơn vị để trên cơ sở đó định ra số công chức làm việc trong các cơ quan hành chính, số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập. 
Bên cạnh đó, theo Bộ trưởng là bổ sung, hoàn thiện chuyển ngạch đối ,với công chức và tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức  từ Trung ương đến địa phương dưới sự tham gia của cả hệ thống chính trị, sự tham gia của từng cán bộ đảng viên, công chức, viên chức trong từng cơ quan đơn vị, đặc biệt là trách nhiệm người đứng đầu.
Cũng quan tâm đến con số “30% cán bộ không làm được việc”, ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội) liên tục “truy” Bộ trưởng “có việc chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ hiện nay? Có hay không tình trạng tham nhũng trong đội ngũ cán bộ hiện đang làm công tác tổ chức cán bộ? Nếu có thì ở mức độ nào? Liệu có thuốc nào chữa được không? Chữa như thế nào? Bao giờ bệnh sẽ khỏi?”.
Bộ trưởng Nội vụ cho biết, “cá nhân tôi và Bộ Nội vụ cũng đặc biệt quan tâm đến vấn đề này” và đây là quan điểm tư tưởng “gối đầu” của các cơ quan làm công tác tổ chức của Bộ Nội vụ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ. “Những nội dung mà đại biểu đề ra tôi đọc kỹ các văn kiện của Đảng, các văn kiện này nêu tương đối kỹ, chúng ta phải tập trung đề ra các biện pháp, đề ra các giải pháp để phòng, chống tiêu cực, phòng, chống tham nhũng nói chung, đặc biệt trong phòng, chống tiêu cực tham nhũng trong công tác tổ chức, công tác cán bộ, công tác khen thưởng thuộc lĩnh vực của Bộ Nôi vụ”. Tới đây, Bộ Nội vụ sẽ trình Chính phủ xây dựng nghị định về phòng, chống tiêu cực trong lĩnh vực tổ chức, lĩnh vực cán bộ, lĩnh vực thi đua, khen thưởng. 
Trước quan tâm của ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) và một số ĐB về tinh giản biên chế, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình khẳng định: “Trước mắt từ nay đến năm 2016, về cơ bản không tăng thêm biên chế công chức, không tăng số lượng viên chức trừ trường hợp được thành lập mới các cơ quan đơn vị được các cấp thẩm quyền cho phép hoặc phát sinh nhiệm vụ mới”. 
Để tinh giản, theo Bộ trưởng phải “sắp xếp lại tổ chức bộ máy tinh gọn đầu mối, tổ chức lại các đơn vị cấu thành trong các cơ quan của Đảng, Nhà nước, các đoàn thể chính trị - xã hội, đẩy mạnh xã hội hóa cung ứng dịch vụ công, cơ bản ổn định các đơn vị hành chính, đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ việc thành lập, giải thể các đơn vị sự nghiệp công lập”.
Phát biểu kết luận phần trả lời chất vấn của Bộ trưởng Nội vụ, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá, Bộ trưởng đã “trả lời đầy đủ các ý kiến ĐBQH đặt ra”. Chủ tịch yêu cầu ngành Nội vụ trong thời gian tới phải rà lại toàn bộ bộ máy tổ chức xem chỗ nào chưa hợp lý, nơi nào thừa, nơi nào thiếu... đồng thời rà lại tổng thể về biên chế của bộ máy tổ chức hành chính nhà nước; đánh giá chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.
Chủ tịch cũng đặc biệt lưu ý, việc chống các tiêu cực, nhũng nhiễu trong công tác cán bộ phải bằng việc tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra. Chủ tịch nhấn mạnh, Bộ trưởng phải cầm trịch trong triển khai chống tiêu cực, nhũng nhiễu trong bộ máy hành chính và thực hiện nhiều biện pháp đẩy lùi hiện tượng này.
Tăng cường cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí
Sau phần chất vấn của Bộ trưởng Nội vụ, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son cũng đã đăng đàn trả lời câu hỏi của ĐBQH về các vấn đề được dư luận xã hội quan tâm như về công tác quản lý báo chí, tăng giá cước 3G, bảo đảm an ninh mạng, quản lý thuê bao trả trước…
Trả lời câu hỏi của ĐB Nguyễn Thị Bích Nhiệm (Yên Bái) về trách nhiệm của Bộ trong quản lý mạng Internet với nhiều trang thông tin giật gân, câu khách gây bức xúc dư luận, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, một trong những bất cập hiện nay là Luật Báo chí sửa đổi cách đây 14 năm nên đã bộc lộ những bất cập, khó khăn trong công tác quản lý. Vì vậy, trước mắt phải thực hiện tốt Nghị định 72/CP, đồng thời thực hiện tốt cơ chế thông tin cho báo chí.  
“Ta phải làm chủ thông tin, cung cấp thông tin chính thống cho báo chí để lấn át thông tin  độc hại và có kế hoạch phản bác các thông tin trái chiều. Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra các trang mạng xã hội, trang thông tin điện tử, có chế tài xử lý nghiêm sẽ khắc phục tình trạng này” - Bộ trưởng nói.
Cũng vấn đề này, ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đặt câu hỏi vì sao có nhiều vụ việc được dư luận quan tâm nhưng báo chí lại đưa tin chậm, gây nhiều cách hiểu khác nhau, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son giải thích: “Báo chí đưa chậm hơn các trang mạng xã hội vì phải xác minh, kiểm chứng nguồn tin”. 
Một lý do nữa được Bộ trưởng đề cập là: “Một số địa phương chưa thực hiện quyết định của Chính phủ về chế độ cung cấp thông tin và Quy chế người phát ngôn, nên báo chí chưa được cung cấp thông tin chính xác, kịp thời. Do đó, công tác này cần được tăng cường, đặc biệt khi phát hiện thông tin sai, người phát ngôn phải thông tin ngay để bác bỏ, tránh tình trạng nguồn tin sai nhưng vẫn được các báo hoặc trang mạng dẫn lại”.
Sáng nay, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son sẽ tiếp tục trả lời chất vấn của ĐBQH. 

Đọc thêm