Mở đầu phiên chất vấn, nội dung được ĐBQH quan tâm là các chính sách cán bộ đối với người dân tộc thiểu số (DTTS) và trách nhiệm của Bộ trưởng khi việc sử dụng, đào tạo cán bộ cho vùng DTTS, người DTTS hiện còn nhiều bất cập.
Trả lời những vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nội vụ đều cho biết: “Bộ sẽ phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp tục nghiên cứu để có hướng dẫn”. Nhưng ĐB Danh Út (Kiên Giang) cho rằng: “Đối với Nghị quyết 05/2011 của Chính phủ thì 2 năm nghiên cứu là quá đủ” nên đề nghị Bộ trưởng khẳng định thời điểm ban hành vì “đồng bào đang chờ”. Bộ trưởng đáp lại, dự kiến năm 2014 sẽ ban hành các văn bản hướng dẫn Nghị quyết này.
Giải thích về “thực hư thông tin “30% CBCC không làm được việc” theo yêu cầu của một số ĐBQH, Bộ trưởng khẳng định, “đây là phản ánh, kiến nghị, đòi hỏi, mong muốn có sự đổi mới, cải cách công vụ, CC nhiều hơn bằng những biện pháp đồng bộ, toàn diện để tổ chức thực hiện, “tìm được tiếng nói chung” về đội ngũ CBCCVC”. Bộ trưởng cho biết, “việc đánh giá về CBCC trong thời gian qua phân cấp cho các ngành, địa phương nhưng cũng có trách nhiệm của Bộ và Bộ trưởng Bộ Nội vụ”.
Nhiều ĐBQH quan tâm đến giải pháp để thực hiện tinh giảm biên chế vì đội ngũ CBCC tăng sau 5 năm thực hiện Nghị quyết về tinh giảm biên chế nghĩ là “tinh giảm đội ngũ CBCC không đạt kết quả mong muốn”.
Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, việc tăng biên chế chủ yếu cho các đơn vị thành lập mới hoặc được bổ sung chức năng, nhiệm vụ. Nhưng năm 2013, 2014, số lượng CBCC không tăng còn đối với số viên chức, Bộ đang phối hợp xem xét, cân đối việc tăng số VC và cơ bản đến năm 2016 không tăng biên chế bằng những giải pháp “kiềm chế số lượng biên chế”.
Không trả lời trực tiếp vào câu hỏi của ĐB Chu Sơn Hà (Tp.Hà Nội) về việc “có hay không có tham nhũng trong công tác tổ chức, CB?”, Bộ trưởng Nguyễn Thái Bình cho biết, “dự kiến, Thủ tướng Chính phủ sẽ ban hành Chỉ thị về phòng chống tiêu cực trong tổ chức, CB và khen thưởng. Bộ Nội vụ sẽ cụ thể hóa để Chỉ thị sớm đi vào cuộc sống và hy vọng Chỉ thị sẽ góp phần cùng hệ thống chính trị xử lý, giải quyết những vấn đề phát sinh, phòng chống tiêu cực, tham nhũng trong các lĩnh vực quản lý Nhà nước của ngành Nội vụ”, nhưng chưa đề cập đến vấn đề “có chạy chức, chạy quyền, chạy biên chế hay không”.