Xây dựng, phân tích, chuyển hóa nội dung, yêu cầu của chính sách pháp luật thành hệ thống quy phạm trên thực tế là việc làm hết sức quan trọng thuộc quy trình xây dựng pháp luật nói chung và lập pháp nói riêng. Phân tích chính sách trong hoạt động lập pháp là quá trình kiến giải một cách thấu đáo cho việc nhận thức, cụ thể hóa các nội dung chính sách pháp luật vào từng bước, từng giai đoạn của quy trình lập pháp.
Phân tích chính sách trong hoạt động lập pháp cần làm rõ đối tượng tác động, nhóm quan hệ xã hội được hoặc chịu điều chỉnh của chính sách đó trên thực tế; điều kiện bảo đảm đối với việc thể chế hóa nội dung của chính sách. Đây là giai đoạn quan trọng để biến, chuyển cái chung trong chính sách bằng các quy định pháp luật cụ thể, thực chất đó là quá trình pháp luật hóa quan hệ xã hội bằng hệ thống quy phạm pháp luật có giá trị pháp lý rất cao.
Theo đó, nhiệm vụ cốt lõi là định chuẩn pháp lý như thế nào cho phù hợp về nội dung, hình thức với tính chất quan hệ xã hội, quy định của chính sách lập pháp và điều kiện thực tế. Có nhiều yếu tố quy định, ảnh hưởng đến việc thực hiện chính sách như phạm vi không gian, thời gian, các yêu cầu đặt ra đối với việc thực hiện từng nội dung của chính sách cần thể hiện như thế nào trong các quy định pháp luật...
Nhìn một cách tổng quan, trong thập kỷ qua, việc xây dựng chính sách pháp luật, phân tích chính sách trong thực tiễn xây dựng pháp luật ở nước ta đã có nhiều đổi mới, chuyển biến tích cực. Điều đó đã đem lại những giá trị thiết thực cho chất lượng VBQPPL, trật tự hóa các quan hệ pháp luật, hội nhập sâu rộng vào đời sống pháp lý của khu vực và thế giới.
Có được kết quả đó bắt nguồn từ các văn bản thể hiện rõ nét chính sách xây dựng pháp luật ở nước ta như Nghị quyết số 48/NQ/TW của Bộ Chính trị ngày 24/5/2005 về Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 900/UBTVQH ngày 21/3/2007 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 48/NQ/TW của Bộ Chính trị. Cùng với đó là Luật Ban hành VBQPPL năm 2015, Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ đã tạo cơ sở pháp lý cho quá trình xây dựng pháp luật.
Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những hạn chế nhất định trong tư duy xây dựng chính sách và phân tích chính sách lập pháp ở nước ta thời gian qua. Trước hết về tư duy, có thể nói Việt Nam bị ảnh hưởng bởi lối mòn, thụ động từ lâu khi cứ làm theo kinh nghiệm bởi hệ thống pháp luật nước ta còn mỏng, thiếu.
Đối với việc lập chính sách trong đề án ban hành các văn bản có giá trị pháp lý cao như Bộ luật, Luật thường làm muộn, tính bao quát chưa cao, các dự báo đánh giá tác động nhiều khi còn chưa thuyết phục hoặc phiến diện, thiếu chiều sâu. Điều này gây khó khăn cho việc phân tích, xử lý nội dung, truyền tải, thể hiện trong quá trình xây dựng văn bản. Một số chính sách pháp luật còn chưa tiếp cận kịp thời với nhu cầu thực tiễn đời sống xã hội và của chính quan hệ xã hội đó.
Thực tế, có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu khoa học liên quan đến chính sách pháp luật và xây dựng pháp luật nhưng không có điều kiện sử dụng, phục vụ cho thực tiễn. Ngay cả những ý kiến của các nhà khoa học đóng góp cho việc xây dựng Bộ luật, Luật nào đó cũng hàm chứa những giá trị ít nhất cũng có những vấn đề phản biện tích cực. Do đó, để nâng cao chất lượng phân tích chính sách cần mở rộng, tiếp thu ý kiến của các nhà khoa học một cách thực chất và hiệu quả hơn để dự thảo các Bộ luật, Luật có thêm tiếng nói phân tích khách quan và thấu đáo hơn./.